Sinh ra ở vùng quê Hưng Yên, Lê Thị Hương Lan (ĐH KHXH&NV Hà Nội) vốn nói ngọng từ nhỏ. Sau 18 năm sống chung với tật này, Lan ra Hà Nội học đại học. Trong lần đứng trước lớp giới thiệu bản thân, khi cái tên "Nê Thị Hương Nan" được cất lên cũng là lúc cả 60 người cùng ôm bụng cười như nắc nẻ.
Nữ sinh Ngôn ngữ ước mơ chiến thắng tật nói ngọng
Cả lớp gần 60 người bật cười khi Lan giới thiệu tên mình trong buổi học đầu tiên "Nê Thị Hương Nan". Còn nữ sinh này chỉ biết đỏ mặt xấu hổ và nghĩ mình đang nói điều gì đó ngốc nghếch.
Sinh ra ở vùng quê Hưng Yên, Lê Thị Hương Lan (ĐH KHXH&NV Hà Nội) vốn nói ngọng từ nhỏ. Sau 18 năm sống chung với tật này, Lan ra Hà Nội học đại học. Trong lần đứng trước lớp giới thiệu bản thân, khi cái tên "Nê Thị Hương Nan" được cất lên cũng là lúc cả 60 người cùng ôm bụng cười như nắc nẻ.
"Lúc đầu bị cười cũng không hiểu tại sao nữa, chỉ biết đỏ mặt, xấu hổ và nghĩ mình đang nói một điều gì đó thật ngốc nghếch thôi. Và càng ngày tôi càng nhận ra tật nói ngọng của nó thật kinh khủng. Kinh khủng hơn vì đang sống trong một môi trường mà chẳng ai sai giống mình", Lan chia sẻ và đưa câu chuyện thành bài viết "Đặc sản không muốn giới thiệu" - giành giải Ba cuộc thi "Ước mơ sinh viên".
|
Lê Thị Hương Lan (áo xanh, thứ 2 từ phải sang). Ảnh: Dương Triều.
|
Trước đây Lan từng nghĩ, vùng quê Hưng Yên của mình ngoài "nhãn lồng" và "tương bần" thì chẳng còn gì là đặc sản nhưng sau đó cô mới biết quê mình còn có một thứ "đặc sản" cần được loại bỏ, đó chính là tật nói ngọng "l", "n".
Nụ cười giễu cợt của những con người mới xung quanh, cái danh của một tân sinh viên ngành Ngôn ngữ học đã thôi thúc và cho Lan một động lực mới cần phải thay đổi. Tự dưng cô muốn thay đổi, thay đổi cách phát âm của chính mình. Chính nụ cười của bạn bè khi nghe Lan nói khiến cô chăm chỉ tập luyện mỗi ngày.
"Giờ thì tôi đã có thể tự tin với từng câu nói của mình và tự tin khi nói là một sinh viên ngành Ngôn ngữ. Tôi sẽ cố gắng để trở thành một sinh viên giỏi của ngành Ngôn ngữ không phải với mục đích là trở thành chuyên gia ngôn ngữ giỏi, mà trước hết vì muốn đưa những gì học được, mà ít nhất là cách phát âm chuẩn 'l' và 'n' về với vùng quê - mảnh đất tôi đã sinh ra và lớn lên", Lan chia sẻ.
Sau này, Lan muốn làm một giáo viên tiểu học để hướng dẫn các bé phát âm chuẩn nhất từ những bước chập chững vào đời. Câu chuyện của chính cuộc đời cô sẽ được kể lại như một bài học kinh nghiệm để chia sẻ mỗi giờ lên lớp.
Vượt qua gần 3.000 bài thi, bài viết của Phạm Thị Hiền (Học viện Ngoại giao) được đánh giá cao ở tính nhân văn, lý tưởng sống và tính cộng đồng. Nữ sinh mong suốt đời được làm dự án xã hội, giúp đỡ người bất hạnh và mang lại sự sống cho người mắc bệnh về máu.
Khi mới vào đại học, Hiền "chỉ mơ có bằng tốt nghiệp, kiếm một công việc; có sức khỏe, có nhà ở và cuộc sống của riêng bản thân ổn định là mãn nguyện rồi". Nhưng từ khi tham gia hội tình nguyện, học cách giúp đỡ người bất hạnh, chứng kiến "những bà cụ mặc áo mưa đi bán hàng rong, những đứa trẻ khoác tấm áo mỏng manh, cũ kỹ tới các quán nước xin tiền", Hiền lại thấy ước nguyện của mình thật ích kỷ. Những lần đi vận động hiến máu bị "la mắng, thả chó đuổi" hay "đi bộ mấy chục cây số, khát nước, sưng chân, ăn đói và buổi tối đi xin tắm nhờ" nhưng có thêm một người đồng ý hiến máu là cô thấy vui sướng vô cùng.
Không chỉ giúp bệnh nhân có sự sống, Hiền còn lập dự án hỗ trợ họ làm các sản phẩm thủ công. Tự mình đi học nghề rồi về truyền đạt lại cho bệnh nhân, Hiền lại ngược xuôi tìm đầu ra cho sản phẩm. Và giờ những tấm thiệp do dự án của cô sản xuất đã có mặt tận Mỹ và châu Âu.
"Khi bắt đầu ổn định, tôi mơ ước mở cơ sở sản xuất riêng cho các bệnh nhân, để chúng tôi không bị chèn ép và núp bóng dưới bất kỳ một công ty nào. Ước mơ có việc làm, cuộc sống ổn định, đâu phải chỉ của người bình thường?", Hiền viết.
|
Phạm Thị Hiền (áo trắng) và Ngô Thị Kiều Oanh.
|
Cũng được đánh giá cao, Ngô Thị Kiều Oanh giành giải nhì với "Hành trình của những ước mơ". Ước nguyện của cô sinh viên năm 3, ĐH Kinh tế Quốc dân thay đổi theo thời gian và lớn dần theo năm tháng. Ngày còn nhỏ, Oanh muốn sau này sẽ trở thành tiếp viên hàng không để được đi máy bay đơn giản vì "máy bay bay được trên bầu trời như chim vậy".
Lớn hơn chút và bớt mơ mộng, Oanh chọn ngành kinh tế vì cảm thấy ngoại hình không hợp với tiếp viên hàng không. "Kinh tế hợp với tôi hơn và sau này làm kinh tế tôi cũng sẽ có cơ hội được đi nhiều nước trên thế giới, đấy cũng là một cách đi máy bay đấy chứ", Oanh chia sẻ.
Đồng hành với ước muốn làm nhà kinh tế, Oanh cũng thích trở thành nhà báo để thỏa mãn sở thích viết bài. Cô sinh viên quê Nam Định tích cực tham gia các cuộc thi viết do báo tổ chức và từng giành nhiều giải cao.
"Dù không theo đuổi ước mơ thuở ấu thơ nhưng tôi đang gián tiếp hiện thực hóa ước mơ đó. Con người bẩm sinh đã là một nghệ sĩ. Dù ở đâu, bằng cách này hay cách khác con người đều mong muốn đưa cái đẹp vào cuộc sống của mình. Và tôi luôn muốn dành những gì đẹp nhất cho quãng đời sinh viên của mình", Oanh chia sẻ trong bài viết.
Ngoài những bài viết ấn đạt giải cao trên, nhiều ước mơ của các bạn học sinh, sinh viên khác cũng ấn tượng không kém. Bùi Thị Kim Anh, sinh viên ĐH Luật, với mơ ước làm Phó chủ tịch xã hay nữ sinh ĐH Y Hồ Thị Hồng Nhung lại ước làm giám đốc bệnh viện. Không chỉ là câu chuyện có thật viết để dự thi, các tác phẩm còn là những chia sẻ xúc động về ước mơ bị gia đình ngăn cấm như Nhật ký gửi mẹ của Nguyễn Thanh Hường. Qua bài viết, các bạn mong muốn người thân hiểu và ủng hộ ước nguyện của mình hơn.
Cuộc thi 'Ước mơ sinh viên' tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn giúp các bạn học sinh, sinh viên chia sẻ ước mơ, thể hiện lý tưởng sống, xây dựng hoài bão; cổ vũ học sinh, sinh viên quyết tâm vươn lên trong học tập, rèn luyện và lập thân, lập nghiệp. Phát động từ cuối năm 2011, cuộc thi thu hút gần 3.000 bài dự thi. Hầu hết các tỉnh thành đều có bài dự thi trong đó Hà Nội có nhiều tác phẩm nhất (hơn 1.500 bài). Số bài dự thi của sinh viên chiếm 3/4, còn lại là của học sinh THPT.
|
Bình Minh
(Nguồn Vnexpress.net)