Sinh viên Khoa Ngôn ngữ học và những vấn đề thời sự của tiếng Việt

Thứ ba - 10/04/2012 12:06

Chiều 6/4/2012, Hội nghị khoa học (HNKH) của sinh viên Khoa Ngôn ngữ học năm học 2011- 2012 đã được tổ chức tại giảng đường 302 AB của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đến dự HNKH có nhiều giáo sư trong và ngoài Khoa Ngôn ngữ học (GS.TS Đinh Văn Đức, GS.TS Trần Trí Dõi, PGS.TS Nguyễn Văn Chính, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, PGS.TS Phạm Văn Tình, PGS.TS Đào Thanh Lan, PGS.TS Trịnh Cẩm Lan...)   

 Sinh viên Khoa Ngôn ngữ học và
những vấn đề thời sự của tiếng Việt
           
           Chiều 6/4/2012, Hội nghị khoa học (HNKH) của sinh viên Khoa Ngôn ngữ học năm học 2011- 2012 đã được tổ chức tại giảng đường 302 AB của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

            Đến dự HNKH có nhiều giáo sư trong và ngoài Khoa Ngôn ngữ học (GS.TS Đinh Văn Đức, GS.TS Trần Trí Dõi, PGS.TS Nguyễn Văn Chính, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, PGS.TS Phạm Văn Tình, PGS.TS Đào Thanh Lan, PGS.TS Trịnh Cẩm Lan...), đại diện Phòng Quản lí NCKH của Trường (TS. Trần Văn La), và đông đảo sinh viên khoa Ngôn ngữ học, cùng những người yêu mến Ngôn ngữ học và tiếng Việt.

            Năm nay sinh viên Khoa Ngôn ngữ học đã gửi 17 báo cáo đến tham gia HNKH, trong đó có 8 báo cáo được lựa chọn để trình bày và thảo luận. Đề tài của các báo cáo khoa học của sinh viên  năm nay tập trung vào các vấn đề có tính ứng dụng hoặc có tính thời sự của ngôn ngữ học, Việt ngữ học, nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, phương ngữ, ngôn ngữ học xã hội và địa danh học.
 
                    
                    PGS.TS Nguyễn Văn Chính đang điều hành Hội nghị  
           
Đáng chú ý, một số báo cáo đã theo sát những vấn đề thời sự của tiếng Việt đang được dư luận xã hội quan tâm như như hiện tượng lẫn lộn /l/ - /n/, cuốn “thành ngữ sành điệu ” Sát thủ đầu mưng mủ gây nhiều tranh cãi, v.v.

            Nhận xét về đề tài của nhóm sinh viên năm 2 – khảo sát “Sát thủ đầu mưng mủ”, GS.TS Đinh Văn Đức đánh giá cao tinh thần cũng như nỗ lực nghiên cứu của các bạn, song GS cũng không quên nhắc nhở , không chỉ cho riêng nhóm tác giả, mà với toàn thể sinh viên ngôn ngữ học rằng : Ngôn ngữ luôn có bộ lọc của riêng mình, những gì được cộng đồng bản ngữ chấp nhận sẽ ở lại, ngược lại chúng chắc chắn sẽ dần bị đào thải. Các “thành ngữ sành điệu” trong cuốn sách này cũng sẽ được thẩm duyệt qua bộ lọc tự nhiên đó…PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt thì nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực của một số những thành ngữ trong cuốn sách như “một điều nhịn là chín điều nhục”, “một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ”…PGS khẳng định đó chính là sự bổ sung nhận thức vào tư duy của người Việt; vì thế, chúng ta không thể phủ nhận chúng như là những biến thể của thành ngữ gốc. Cũng đồng thuận với ý kiến của các GS khác, GS.TS Trần Trí Dõi khuyến nghị thêm các bạn sinh viên nên đọc lại bài phỏng vấn của thầy trên báo Vietnamnet về nội dung ngôn ngữ “Sát thủ đầu mưng mủ” trước đó để có một cái nhìn lý trí và bao dung hơn về cuốn sách đặc biệt này.
           
            Một chủ điểm nóng khác đó là đề tài về khảo sát tình trạng sử dụng biến thể chuẩn/phi chuẩn /l/-/n/ ở một số khu vực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc cũng được đánh giá rất cao về sự công phu trong điều tra phân tích ngữ liệu của tác giả (Dương Thị Hồng Yên - K53 ). Đây là một nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội có giá trị tham khảo tốt đối với các nhà làm chính sách ngôn ngữ hiện nay.
           
            Đề tài khảo sát đặc điểm từ âm vị học tiếng Khơ Mú của sinh viên K54 - Tạ Quang Tùng thì “ghi điểm” vì mức độ ứng dụng công nghệ lớn (sử dụng phần mềm phân tích ngữ âm chuyên dụng) trong nghiên cứu ngữ âm/âm vị học. Đề tài nghiên cứu về tiếng Khơ-mú này có giá trị đối với nghiên cứu so sánh lịch sử tiếng Việt vì đây là hai ngôn ngữ nằm trong cùng ngữ hệ Nam Á, nhánh Môn-Khmer.

            
           Toàn cảnh Hội nghị
 
Một số đề tài khác như Dịch thuật tiêu đề sách văn học Anh – Việt, Khảo sát ngôn ngữ nghề làm muối… cũng được đánh giá tốt trong HNKH lần này.

            Sau hơn 3 giờ trình bày và thảo luận sôi nổi, HNKH của sinh viên Khoa Ngôn ngữ học năm 2011-2012 2 đã kết thúc thành công với kết quả 2 giải nhất, 5 giải nhì, 6 giải ba và 5 giải khuyến khích.
 
Đánh giá tổng kết Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Chính – Phó Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học đã nhận xét Hội nghị NCKH sinh viên năm nay tuy có số lượng đề tài ít hơn mọi năm nhưng nếu nhìn về mặt chất lượng thì rõ ràng đã có sự tiến bộ rõ rệt ; các báo cáo đều trình bày những vấn đề rất gần gũi và thiết thực với tiếng Việt, tuy vài đề tài còn thể hiện ngữ cảm đôi khi còn “hồn nhiên” của sinh viên song có thể nói, tinh thần học tập nghiên cứu khoa học của tất cả các tập thể, cá nhân tham gia hội nghị nói riêng và toàn thể sinh viên khoa Ngôn ngữ học nói chung đều rất đáng được khen ngợi, đó chính là kết quả tuyệt vời nhất mà Hội nghị năm nay đã gặt hái được!

                           
                            Sinh viên đang trao đổi tại Hội nghị
 
 
           Danh sách các đề tài được trao giải thường
 
I. GIẢI NHẤT
1. Tạ Quang Tùng, K54, Đặc điểm từ âm vị học tiếng Khơ Mú (Trên cơ sở phân tích thực nghiệm).
2. Dương Thị Hồng Yên, K53, Sự khác biệt trong hiện tượng lẫn lộn /l/ và /n/ giữa khu vực đô thị và nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc.
 
II. GIẢI NHÌ
1. Phạm Thị Thu Trang, K55, Khảo sát từ nghề nghiệp qua tư liệu nghề làm muối xã Hải Đông- Nam Định.
2. Nguyễn Thị Minh Châu, Đỗ Diệu Linh, K55, Khảo sát tính thành ngữ trong cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ”.
3. Cao Thành Việt, K54, Nghiên cứu việc dịch tiêu đề sách văn học từ tiếng Anh sang tiếng Việt ở nước ta hiện nay.
4. Đặng Thị Lan Anh, K53, Bước đầu tìm hiểu thực trạng và một số giải pháp về kỹ năng nói trong việc học tiếng Việt của học viên Campuchia như một ngoại ngữ.
 
III. GIẢI BA
1. Đỗ Thị Thủy, K54, Khảo sát đặc điểm sử dụng tiếng lóng tại địa bàn xã Triệu Dề, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Lê Thị Bích, Ngô Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Thanh Loan, Hà Thị Sâm, K53, Khảo sát địa danh thôn Nhồi và thôn Thượng- xã Cổ Loa huyện Đông Anh- Hà Nội.
3. Trần Minh Trang, Đỗ Thị Loan, Thân Thùy Trang, Đặng Thị Thu Trang, K55, Nhận xét về ngôn ngữ biển hiệu trên đường Nguyễn Trãi (từ số nhà 1 đến số nhà 500
4. Nghiêm Thị Thu Trang, Đinh Thị Thanh Tú, K55, Khảo sát hiện tượng ẩn dụ trong thơ Hàn Mặc Tử.
5. Cao Ngọc Quý, Dương Thị Mai, K54, Khảo sát cách đặt tiêu đề trên KENH14.VN và VIETNAM.NET.
6. Phạm Thị Thu Hương, K54 SPV, So sánh tỉnh lược hội thoại trong văn bản và trong lời nói tiếng Việt.
 
IV. GIẢI KHUYẾN KHÍCH
1.Phạm Thị Thu Huyền, K53, Nghiên cứu đối chiếu giới từ trong tiếng Việt và tiếng Anh.
2. Bùi Hương Giang, Tạ Thị Thu Hoài, Ngô Thị Minh Hường, Nguyễn Phương Nhàn, K53, Khảo sát địa danh một số thôn ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
3. Dương Mỹ Dạ, Trương Thị Hằng, Mai Thùy Linh, Trần Đoàn Thái Hà, K55, Nghiên cứu thành ngữ Tày ở Bắc Cạn (Song ngữ Tày- tiếng Việt)
4. Nhâm Thị Thủy Ngân, Lê Vũ Hương Thảo, Đặng Thị Trâm, Trần Thị Hải Yến, K55, Khảo sát từ ngữ trên một số báo và tạp chí dành cho giới trẻ.
5. Nguyễn Thị Thu Hòa, K54, Tìm hiểu về năng lực tiếp nhận vốn từ vựng của trẻ khiếm thính ở bậc tiểu học.
 
Một số hình ành của HNKHSV 2011-2012
 

PGS.TS Phạm Văn Tình,  PGS.TS Nguyễn Văn Chính và các SV đạt giải khuyến khích



Các SV đạt giải ba cùng PGS.TS Trịnh Cẩm Lan và PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt
 


PGS.TS Đào Thanh Lan và các SV đạt giải Nhì



GS.TS Đinh Văn Đức cùng 2 SV đạt giải Nhất
 
 
Hẹn gặp lại vào mùa sinh viên NCKH năm sau !
 
                                                                                                Ngôn Thành (tổng hợp )
 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây