Thế là một trái tim suốt đời tải nhiệt huyết cho khoa học, suốt đời đào tạo, truyền lửa cho học trò đã ngừng đập. Người mang trái tim ấy - Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn - đã giã từ dương thế về trời, để lại phía sau một khoảng trống trong học giới; và trong lòng chúng tôi, bên sự buồn thương, nhớ tiếc của đạo học trò đối với Thầy, là hiện hữu cảm giác đứng trước vạn trùng cách biệt. Cánh hạc đã bay lên vút tận trời ...
NHƯ CÁNH HẠC BAY
PGS.TS Vũ Đức Nghiệu
(Trường Đại học KHXH&NV , ĐHQG Hà Nội)
Thế là một trái tim suốt đời tải nhiệt huyết cho khoa học, suốt đời đào tạo, truyền lửa cho học trò đã ngừng đập. Người mang trái tim ấy - Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn - đã giã từ dương thế về trời, để lại phía sau một khoảng trống trong học giới; và trong lòng chúng tôi, bên sự buồn thương, nhớ tiếc của đạo học trò đối với Thầy, là hiện hữu cảm giác đứng trước vạn trùng cách biệt. Cánh hạc đã bay lên vút tận trời ...
Sinh ngày 02/5/1926 tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An, trong trong gia đình Nho học, lại được học các trường Quốc học Vinh và Quốc học Huế; lớn lên đi kháng chiến; hoà bình lập lại, được Bộ Giáo dục cử làm chuyên gia Việt ngữ học đầu tiên của nước ta tại Trường Đại học Tổng hợp Leningrad, Liên Xô; vừa giảng dạy, vừa học tập, nghiên cứu cùng với những nhà khoa học Xô viết danh tiếng, năm 1960, Thầy bắt đầu khởi nghiệp ngôn ngữ học bằng việc bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Ngữ văn đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô về Từ loại Danh từ tiếng Việt.
Năm 1962, về nước, Thầy được giao làm chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay đã thành hai khoa: Văn học và Ngôn ngữ học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Tư chất “trời cho”, vừa sâu sắc Hán học, vừa được đào tạo, làm việc trong môi trường học thuật Âu châu, lại miệt mài “dốc một lòng trông một đạo” cho khoa học ... tất cả những thứ đó đã cùng góp phần làm nên nhà giáo - nhà khoa học tài danh Nguyễn Tài Cẩn, một trong những cây đại thụ giữ vị trí đầu ngành của nền ngữ học đương đại nước nhà.
Mười năm làm chủ nhiệm bộ môn và kể cả sau này khi không giữ cương vị ấy nữa, chí hướng tổ chức, xây dựng và phát triển ngành vẫn luôn luôn thôi thúc Thầy. Cái ý thức trăn trở, mong muốn quốc tế hoá mà hôm nay chúng ta đang nói tới hàng ngày và gắng sức thực hiện, Thầy đã cùng các đồng chí, đồng sự của mình, bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực, không ồn ào, thực hiện từ ngày đó (Ông rất dị ứng, nếu không muốn nói là ghét, sự ồn ào phô trương). Chương trình, giáo trình được tham khảo, cập nhật từ nước ngoài qua kênh các đại học của Liên Xô, tìm người có chuyên môn thích hợp đưa về khoa hoặc tìm chọn người gửi ra nước ngoài đào tạo những chuyên ngành mới mà thế giới có, ngành học và đất nước cần... để mở các môn học, các chuyên ngành. Ngôn ngữ học ứng dụng, Ngôn ngữ toán, Ngôn ngữ học thống kê, Ngôn ngữ học thần kinh, Ngữ âm thực nghiệm, Logic học, Dịch thuật... có người để nghiên cứu và tổ chức giảng dạy, chính là ở cái thời “lên hương” ấy, giữa khi đất nước còn ngập tràn gian khó trong chiến tranh bom đạn.
“Là cái nghiệp thì nó vậy”. Thầy thường nói với những học trò đã trở thành đồng nghiệp với Thầy như thế. Tôi hiểu, ấy là cái phương châm “hối nhân bất quyện” (dạy không biết mỏi) mà cụ Khổng đã giáo huấn từ xưa. Một đời giảng dạy ở đại học, là một trong những chuyên gia đầu ngành của ngành ngữ học nước nhà, Thầy đã trực tiếp đào tạo rất nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học thuộc các chuyên ngành Ngôn ngữ học, Việt ngữ học, Hán Nôm. Chỉ tính riêng các thế hệ thầy cô hiện đang làm việc ở khoa Ngôn ngữ học, từ Thầy trở xuống, đã là “ngũ đại đồng đường”. Nghỉ hưu đã lâu, nhưng các hoạt động khoa học trong khoa, trong trường, Thầy đều theo dõi sát và vẫn đến tham gia hoặc trực tiếp giảng dạy khi có điều kiện.
Thế mà nay, những lời giảng bài đầy hào sảng và tâm huyết của Thầy đã không còn được nghe thấy nữa rồi.
Lĩnh vực nghiên cứu của Thầy thật rộng: từ ngữ pháp đương đại đến ngữ âm lịch sử và lịch sử tiếng Việt, từ cách đọc Hán Việt đến những vấn đề về văn tự học Hán Nôm, từ ngôn ngữ tác giả, tác phẩm đến ngôn ngữ văn học, văn bản học và và cổ thi... Chưa nói đến các bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, các tuyển tập trong và ngoài nước, chỉ kể sách thôi, thì có lẽ trước hết phải là những cuốn như: Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng - Từ ghép - Đoản ngữ (1975), Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại (1975), Grammatika Vietnamskogo Jazưka (Ngữ pháp tiếng Việt - viết cùng N. Stankevich và Bưstrov), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt (1979), Một số vấn đề về chữ Nôm (1985) , Lịch sử ngữ âm tiếng Việt (1995), Ảnh hưởng của Hán văn Lý Trần (qua thơ Nguyễn Trung Ngạn) (1998), Tìm hiểu kĩ xảo hồi văn liên hoàn trong bài Vũ trung sơn thuỷ của Thiệu Trị (1998), Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá (2001), rồi cuốn khảo cứu về tập Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận (2008), hai công trình khảo cứu lớn về Truyện Kiều: Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị 1872. (2002), Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu (2004)...
Tôi xin nói thêm vài điều về ba trong các cuốn sách ấy.
Cuốn Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng - Từ ghép - Đoản ngữ có hai cái giá trị nhất là: đề xuất áp dụng khái niệm "tiếng" tương ứng với khái niệm hình vị cho ngữ pháp tiếng Việt, và miêu tả cấu trúc danh ngữ tiếng Việt.
Chính việc đề xuất áp dụng và minh định giá trị ngữ pháp của "tiếng" đã tạo nên bước chuyển biến có tính bản lề, đem đến những đổi mới sâu sắc trong nhận thức của giới Việt ngữ học nói chung khi miêu tả tiếng Việt, khiến việc miêu tả cấu trúc tiếng Việt đương đại trở nên sát thực, đúng với cái nó vốn là như thế hơn. Còn cấu trúc danh ngữ tiếng Việt được miêu tả trong công trình này (áp dụng phương pháp miêu tả theo vị trí phân bố) thì đã góp phần cải tiến và thay đổi rất nhiều trong việc phân định từ loại, một việc rất quan trọng của nghiên cứu và miêu tả ngữ pháp. Kết quả nghiên cứu lớn, có thể không ít, nhiều người có thể có, nhưng kết quả nghiên cứu có tác động đến và làm thay đổi được nhận thức của cả một giới nghiên cứu, chắc chắn là không nhiều. Nguyễn Tài Cẩn có được điều đó.
Cũng trong công trình này, vì nhiều lý do khác nhau, để tránh những đảo lộn quá lớn, ý tưởng mới của Thầy về thành tố trung tâm (thành tố chính), của danh ngữ đã được trình bày bắt đầu ở trang 216 (bản in năm 1975) với cái tên "hai thành tố T1 và T2 ở bộ phận trung tâm", mà gần đây, nhà ngữ học tài danh Cao Xuân Hạo và những người khác trong các nghiên cứu về vấn đề này, thường đề cập và đánh giá rất cao. Tại điểm c. trang 216 đó, có mấy điều trình bày, tuy nhẹ nhàng, thậm chí có phần hơi "ẩn nhẫn" nữa, nhưng thật sự là một tư tưởng trong phân tích ngữ pháp đương đại đối với vấn đề hữu quan.
Cuốn Lịch sử ngữ âm tiếng Việt, có thể nói, cho đến nay, là công trình nghiên cứu đầy đủ và hệ thống nhất về lịch sử ngữ âm tiếng Việt, và điều đặc biệt của nó là ở chỗ: các quan hệ cội nguồn, quan hệ tiếp xúc giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ thân thuộc, giữa tiếng Việt với tiếng Hán; ảnh hưởng của tiếng Hán đối với tiếng Việt và các ngôn ngữ thiểu số khác ở Việt Nam... đã được chú ý phân tích bằng phương pháp nhất quán, đánh giá một cách hợp lý trong toàn bộ bối cảnh chung, khiến cho vấn đề được nhìn nhận và trình bày một cách toàn diện hơn. Chính nhờ vậy mà trong giáo trình, với một tập hợp cứ liệu dày đặc, được kiểm chứng cụ thể, tỉ mỉ, nguồn gốc và quá trình diễn biến của các âm thuộc hệ thống âm đầu, âm đệm, nguyên âm, âm cuối và thanh điệu tiếng Việt, các bước đường diễn biến của ngữ âm tiếng Việt từ thời Proto Việt Chứt (ứng với thuật ngữ Proto Việt Mường quen thuộc) qua giai đoạn phân chia thành hai nhánh Poọng - Chứt và Việt - Mường, rồi từ Việt Mường chung đến Nguồn, Mường và Việt tách riêng, từ Việt sơ kì đến Việt cận đại... trở nên dễ hình dung hơn rất nhiều.
Cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt công bố lần đầu năm 1979, tái bản có hiệu chỉnh bổ sung năm 2000 là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về vấn đề này một cách hệ thống và cơ bản nhất. Ngoài các giá trị khoa học khác mà nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập, giới thiệu, điều đặc biệt mà tôi muốn nói thêm là, khác với công trình của B. Karlgren (1915), H. Maspero (1912), T. Mineya (1972), Vương Lực (1958), Lý Vinh (1952), J. Hashimoto (1984), S.A. Starostin (1989), công trình này phục nguyên, xác định hệ thống 8 nguyên âm trong Thiết vận (không hẹn mà gặp, năm 1992, W.H. Baxter cũng phục nguyên hệ thống 8 nguyên âm); đồng thời nghiên cứu cả quá trình diễn biến qua các giai đoạn khác nhau của hệ thống phụ âm, hệ thống vần tiếng Hán suốt từ thời Thiết vận cho đến thời kỳ hình thành cách đọc Hán Việt. Quá trình diễn biến, chuyển đổi qua các giai đoạn trong thời gian ba thế kỷ đó, không thể nói là không có, cả H. Maspero lẫn S.A. Starostin đều đã bỏ qua. H.Maspero đã chỉ trình bày hệ thống ngữ âm tiếng Hán ở hai thời điểm: thời điểm của Thiết vận rồi chuyển luôn sang hệ thốngở vào thời điểm hình thành cách đọc Hán Việt. Một trong những cái khác và hơn của công trình Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt so với công trình của H. Maspero chính là ở đó.
Đến đây, nhân bàn về sách và công trình nghiên cứu của Thầy, tôi xin nói lại chuyện này: trong các nghiên cứu ấy, Thầy chưa bao giờ dùng một đồng nào của kinh phí nghiên cứu khoa học do nhà nước cấp...
Trong số các sách ấy, một cụm công trình đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh giữa lúc Thầy không ở Hà Nội, các đồng nghiệp và học trò của Thầy tự khai báo và đề nghị xét chọn.
Làm những việc mà khoa học cần; trách nhiệm, tận tuỵ với những say mê mà nghiệp “làm thầy” đòi hỏi... hết sức coi trọng lý luận và phương pháp, nhưng bao giờ cũng phải rất thực tiễn... luôn là những điểm mà học trò, đồng nghiệp thường rất dễ thấy ở Thầy. Năm tôi mới ra trường, ở lại để được đào tạo thành giảng viên; một hôm Thầy hỏi: “Nghiệu được phân công dạy gì?” Tôi trả lời: “Dạ, em được phân công ở nhóm giảng dạy lý luận ngôn ngữ học ạ”. Thầy bảo: “Rất tốt. Cái này tối quan trọng. Bây giờ chưa đi nước ngoài được thì cố mà đọc, mà học. Nhưng nhớ này, không ai chỉ có làm lý luận không cả. Lý luận gì cũng phải bắt đầu rồi đi lên từ những nghiên cứu cụ thể”. Tôi như anh hàng thịt trong chuyện cổ tích xưa, trên chuyến đò ngang gặp Phật, nghe nói một câu rồi chợt ngộ.
Lần tôi gặp được Thầy gần đây nhất là hôm mồng 2 tháng 8 năm 2010. Nhân cơ may có việc ở Moskva, tôi đến thăm Thầy Cô được một buổi chiều. Thật đặc biệt. Vô cùng là vui. Chúng tôi chuyện trò không dứt. Có cả nước mắt. Vì vui và xúc động. Thầy cầm ngay cuốn tạp chí Văn hoá Nghệ An ra đưa cho tôi và nói về việc tôi đã đọc bài về quốc hiệu nước ta tại hội thảo ngôn ngữ học toàn quốc thay cho thầy. Tuy nhiên, linh tính của người đã có cha già từng bị ngã bệnh, thầm mách cho tôi: khó lòng ổn được nữa rồi; và bỗng thấy lòng mình se sắt lại.
Lúc tôi ra về, Thầy ôm tôi mãi không muốn rời, mắt đỏ hoe, rồi bảo: Về đi, Thầy không xuống tiễn được đâu. Nhưng sẽ cùng với cô đứng trên này vẫy tay nhá”.
Xuống đến sân, ngẩng lên, tôi thấy tay Thầy tay Cô chìa ra ngoài cửa sổ chào tôi. Tôi vẫy tay và cúi chào. Đi hết khoảng nửa chiều dài toà nhà, ngoái lại và ngẩng lên: vẫn hai cánh tay giơ thẳng. Tôi lại cúi chào và đi. Còn vài bước hết chiều dài toà nhà, tôi ngoảnh lại: vẫn thế. Tôi vẫy tay, cúi chào lần nữa rồi bước nhanh vào góc khuất đứng mấy giây. Bước quay trở lại nhìn xem sao. Lúc này mới thấy Thầy Cô thôi giơ tay chào...
Nghe hung tin về Thầy, dù đã quan ngại bấy lâu nay nên không cảm thấy quá bất ngờ, đột ngột, nhưng khi được các bạn tôi bảo “anh nên viết một cái gì đó về Thầy đi”, tôi bối rối, không biết viết gì cho phải...
Chắc giờ này, những người máu thịt ruột rà vẫn đang ở bên Thầy và hẳn “lệ rơi thấm đá...”.
Tôi, một “chú nhỏ” trong số tất cả các học trò của Thầy, không hiểu sao, và có ý gì, nghe như thoảng qua đâu đây trong làn gió vội, câu cuối cùng trong một bài thơ của Hoàng Cầm ... Chuối chín cây đổ gục đứt dây bìm ...
Vũ Đức Nghiệu