Một khoảng trống mênh mông!

Chủ nhật - 27/02/2011 23:21

Cái tin người thầy kính yêu của mình không còn nữa làm tôi choáng váng. Đến nỗi cả tối qua tôi thơ thẩn vào ra mà chẳng làm gì ra hồn. Bởi tôi không thể hình dung nổi sự vắng bóng mãi mãi của một nhà Việt ngữ học với tài năng và đức độ hiếm hoi, đặc biệt như ông... GS Nguyễn Tài Cẩn đã ra đi... 
                                         Một khoảng trống mênh mông!

Cái tin người thầy kính yêu của mình không còn nữa làm tôi choáng váng. Đến nỗi cả tối qua tôi thơ thẩn vào ra mà chẳng làm gì ra hồn. Bởi tôi không thể hình dung nổi sự vắng bóng mãi mãi của một nhà Việt ngữ học với tài năng và đức độ hiếm hoi, đặc biệt như ông... GS Nguyễn Tài Cẩn đã ra đi...

20h30' tối 25/2/2011, vừa xem xong chương trình thời sự trên VTV1 thì tôi nhận được tin GS Nguyễn Tài Cẩn đã mất (lúc 19h4', giờ Hà Nội cùng ngày) tại Moskva, Liên bang Nga. Gần đây, tôi và nhiều người trong giới ngôn ngữ học đều đã biết sức khỏe của GS kém đi nhiều trong vài năm nay, nhất là sau khi GS bị cơn tai biến nhẹ cách đây chừng một năm. Ấy vậy mà tin người thầy kính yêu của mình không còn nữa vẫn làm tôi choáng váng. Đến nỗi cả tối qua tôi thơ thẩn vào ra mà chẳng làm gì ra hồn. Bởi tôi không thể hình dung nổi sự vắng bóng mãi mãi của một nhà Việt ngữ học với tài năng và đức độ hiếm hoi, đặc biệt như ông...

GS Nguyễn Tài Cẩn đã ra đi... Tôi ngồi lặng bên bàn và viết vội những dòng này.

Những cảm nhận từ xa
 

Tôi vào Trường Đại học Tổng hợp từ năm 1974, vậy mà mãi tới năm 1978, tôi mới trực tiếp được học thầy Nguyễn Tài Cẩn.


Số là lần vào trường đầu tiên, tôi được phân học lớp Văn chứ không phải lớp Ngữ (Lúc đó chưa có Khoa Ngôn ngữ riêng như sau này). Học chưa hết năm thứ nhất thì đất nước bước vào giai đoạn chiến tranh ác liệt. Quân ta bắt đầu tấn công tổng lực ở miềnNam. Tổ quốc trên hết! Tôi và nhiều giáo viên, sinh viên đại học tham gia nhập ngũ vào đầu năm 1975. Lúc đó nhóm học trò chúng tôi những tưởng ra đi không biết ngày trở về.


Vậy mà chưa đầy 1 tháng sau đã giải phóng Sài Gòn và cũng chưa đầy 3 năm sau tôi được trả về trường học tiếp. Lần này tôi đăng kí học ngành Ngôn ngữ học. Thực tình lúc đó tôi cũng chưa hiểu hết mọi vấn đề chuyên môn hay ưu thế ngành nghề, chỉ nghe loáng thoáng thông tin từ bè bạn bàn tán khen chê này nọ mà thấy hứng thú. Trong những câu chuyện nhỏ to từ nhiều nguồn, tôi nghe khá nhiều giai thoại về các thầy bên Ngôn ngữ, trong đó có thầy Nguyễn Tài Cẩn.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Tài Cẩn sinh ngày 22 tháng 5 năm 1926 tại làng Thượng Thọ, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ; nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Giáo sư khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Do tuổi cao sức yếu, Giáo sư đã từ trần hồi 19 giờ 4 phút ngày 25 tháng 2 năm 2011 (tức ngày 23 tháng Giêng năm Tân Mão) tại nhà riêng ở Maxcơva, Cộng hòa Liên bang Nga; tang lễ cử hành tại Maxcơva (Liên bang Nga).

Năm 1977, thầy Cẩn 51 tuổi (thầy sinh năm 1926 tại Thanh Chương, Nghệ An) vậy mà trong mắt học trò chúng tôi, ông đã là một nhà bác học thật sự có tầm cỡ. Không chỉ ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án PTS Ngữ văn (hiện nay là TS) ở Liên Xô vào năm 1960 (Một thời điểm đất nước ta còn chìm trong nhiều khó khăn, thiếu thốn khi hòa bình vừa lập lại). Người ta "kháo" với nhau nhiều chuyện lắm, nào là thầy học tiếng Nga "siêu" ra sao, sống và làm việc trên đất Nga và được đồng nghiệp Nga cảm phục "chàng thanh niên Việt Nam nhỏ bé và giàu nghị lực" như thế nào.

Rồi chuyện một cô gái Nga (con gái một đại tá Liên Xô) đem lòng yêu anh thanh niên người Việt, dạy tiếng Việt cho mình, đến nỗi khi biết anh trở về Việt Nam, "nàng" đã không còn tâm trí nào mà học hành được nữa. Cô gái ấy chính là Nona Stankevich, sau này là người bạn đời, người đồng nghiệp tin cậy của GS Nguyễn Tài Cẩn trong suốt những năm tháng khó khăn. Cô thiếu nữ Nga tóc vàng, xinh đẹp, giỏi giang, con nhà danh giá đã theo chồng về Hà Nội chiến tranh khói lửa "đau thương mà anh dũng". Rồi cô lại theo chồng lên Đại Từ (Thái Nguyên), sơ tán tránh các đợt ném bom của giặc Mỹ vào những năm khốc liệt nhất. Ôi, cứ nghĩ cảnh cô Nona trèo đèo, lội suối, đội nón lá, ăn sắn, trồng rau, vừa dạy học vừa nuôi 2 đứa con nhỏ (là Việt và Nam) mà lòng tôi rưng rưng cảm động, mà kiêu hãnh, mà cảm phục tới tận đáy lòng. Chính những nét rất đời thường ấy đã làm nên một chân dung Nguyễn Tài Cẩn đa dạng, phong phú, độc đáo và giàu chất đời hơn ai hết.

GS Đinh Văn Đức (một học trò được GS Nguyễn Tài Cẩn yêu quý và cũng là học trò thành đạt) từng viết: "Con người khoa học của GS Nguyễn Tài Cẩn có thể tóm tắt trong 8 chữ: sâu sắc - thông thái - tài hoa - nghiêm khắc... Là người thông thái, ông am hiểu tường tận Ngôn ngữ học, Hán - Nôm, Ngôn ngữ học lịch sử, các lĩnh vực của Việt ngữ học. Diện mạo các công trình của ông thật quảng đại mà lĩnh vực nào cũng rất sâu sắc. Ông hiểu cổ và hiểu kim, bắt rất nhanh những vấn đề của ngôn ngữ học hiện đại trong lúc có thể thảo luận và đề xuất những ý kiến rất độc đáo về cổ ngữ học".

Còn GS Cao Xuân Hạo thì đánh giá rất cao giá trị mở đường tư tưởng học thuật của ông: "Cách đây bốn mươi năm đã có một bậc đàn anh của ngành Việt ngữ học, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, đem từ Liên Xô về một báu vật vô giá: lý thuyết âm tiết - hình vị (slogomorphema) của một trong những nền ngôn ngữ học ưu tú nhất của nhân loại, lí thuyết duy nhất có thể giải đáp được những vấn đề mà một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt (và nhiều ngôn ngữ phương Đông khác) đặt ra cho ngôn ngữ học hiện đại và từ đó vạch ra một con đường đúng đắn để khắc phục chủ nghĩa "dĩ Âu vi trung""...

GS Nguyễn Văn Lợi nhắc đi nhắc lại rằng: "Thầy Nguyễn Tài Cẩn có rất nhiều đóng góp cho Việt ngữ học ở mọi lĩnh vực. Nhưng công trình mà tôi tâm đắc nhất là cuốn Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo) (1995) của ông. Nếu như công trình Nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng An Nam - các phụ âm đầu của H. Maspéro (1912) có giá trị mở đầu thế kỉ về vấn đề này thì cuốn của GS Nguyễn Tài Cẩn là cuốn "chốt" lại vào cuối thế kỉ 20, có vai trò như 2 cái mốc rất quan trọng, có giá trị tổng kết những thành tựu về lịch sử nghiên cứu tiếng Việt"... Những câu chuyện, những lời đồn đại về thầy Cẩn cứ thế dày lên, được bồi đắp thêm, thấm vào tôi như những huyền thoại trong truyện cổ tích. Quả thật, lúc đó tôi vừa cảm phục vừa hoang mang, vì tôi lo lắng khi nghĩ rằng một con người kém cỏi như mình chắc không thể bắt kịp để làm "môn đệ" một nhà khoa học cao xa như thầy Nguyễn Tài Cẩn (và các thầy khác: Nguyễn Hàm Dương, Nguyễn Văn Tu, Phan Ngọc, Nguyễn Kim Thản, Hoàng Tuệ,...).

Và những cảm nhận thực tế

Thế rồi cái ngày mong đợi được học thầy Nguyễn Tài Cẩn cũng đã đến.

Buổi học đầu tiên của tôi (1978) trên một giảng đường đơn sơ, cấp 4, tại KTX Mễ Trì, Hà Nội. Thầy Cẩn đi một chiếc xe "cá xanh" đã cũ, dáng nhỏ và gầy, da xanh tái, ăn mặc giản dị (có phần luộm thuộm nữa là khác). Thầy có ngoại hình dễ làm cho những ai từng kì vọng về một giáo sư tài hoa, thông kim bác cổ...  thất vọng. Tôi im lặng và tò mò ngắm thầy và tôi thật ấn tượng bởi mái tóc lạ của ông. Mái tóc dài có ngôi chia rất đều, hất những món tóc đen, cứng như rễ tre lòa xòa về hai phía, bồng bềnh nom rất ngộ. Đặc biệt khi nói, cặp mắt của thầy mở to, sâu thẳm, đầy ma lực. Thầy chẳng hề cố tình dụng công trình bày câu này câu nọ cho thật lạ để làm duyên mà cứ thản nhiên nói những gì mình nghĩ, mình nghiền ngẫm lâu nay. Có lúc thầy nói to khản giọng, cứ như rút ruột ra mà nói vậy. Bài giảng đầu tiên chính là những vấn đề cơ bản rút từ cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (tiếng - từ ghép - đoản ngữ).


Một giờ lên lớp của GS Nguyễn Tài Cẩn tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ).

Có đọc cuốn sách, có nghe Nguyễn Tài Cẩn giảng, ta mới thấm thía một điều: Nhiều vấn đề tưởng chừng rất đơn giản nhưng khi bắt tay vào khám phá, ta mới thấy khó khăn và khó lí giải hơn ta tưởng rất nhiều. Và có những vấn đề tưởng như giải quyết ổn thỏa rồi, vậy mà nhìn nhận lại, ta mới thấy nó vẫn luôn luôn tiềm ẩn cái mới. Đánh giá về công trình này, năm 1996, GS Đinh Văn Đức đã viết: "Kể từ lần xuất bản thứ nhất đến nay, Ngôn ngữ học quốc tế và trong nước đã có những bước tiến đáng kể. Tuy vậy, những nội dung cốt lõi của cuốn sách vẫn được bảo toàn và tiếp tục phát huy giá trị đối với người sử dụng".

Nhưng cũng có một "sự cố" đáng nhớ trong buổi học đầu tiên này mà tôi không thể quên. Số là, mấy bạn nữ, vì vướng một việc riêng nên đã vào lớp trễ. Đã thế, ngồi vào bàn rồi mà Lương Thị Hòa (cô bạn tôi chơi khá thân) còn viết thư trao đổi và cười khúc khích mà không để ý nghe thầy. Bỗng nhiên một tiếng quát vang lên làm cả lớp giật nảy mình. Hóa ra là thầy trông thấy hết và nổi đóa. Hôm đó, tôi chứng kiến "cơn lôi đình" của thầy Cẩn. Thầy gấp giáo trình lại, mắt long lên, giọng run run và quát: "Cô không muốn học thì ra ngay, ra ngay! Tại sao các cô đến muộn mà còn cười thế hả? Các cô cậu còn muốn nghe tôi nói không? Xem tay tôi đây này! Đầy bụi phấn, đầy bụi phấn... Thế mà... Học thì phải ra học chứ...". Chúng tôi sợ xanh mắt vì cứ nghĩ sau đó thầy sẽ bỏ ra về, vì làm sao mà thầy có thể giảng bài trong sự giận dữ kinh hoàng như vậy.

Ấy vậy mà chỉ mươi phút sau, khi chúng tôi ngoan ngoãn vào vị trí, giọng thầy bỗng ôn tồn trở lại. Thầy bắt mạch bài giảng rất nhanh với giọng nói ấm áp, truyền cảm lạ thường. Lúc đó, nom thầy hồn nhiên như trẻ thơ và đáng yêu biết mấy. Sau đó thầy quên chuyện cũ luôn và chính bạn Hòa sau này lại là người được thầy giúp đỡ nhiều nhất. Thầy đã dạy cho chúng tôi một bài học: Bất luận việc gì, đặc biệt là việc học, trước hết phải có thái độ thật nghiêm túc.

Năm 2004, GS Nguyễn Tài Cẩn về Hà Nội và đến Viện Ngôn ngữ học. Anh em chúng tôi gặp lại thầy, vui cũng có và ngậm ngùi thoáng buồn cũng có. Vì thầy đã qua tuổi 78, đã yếu nhiều và những chuyến hồi hương thăm quê như thế này sẽ ngày một ít đi. Vậy là, mấy anh em theo sáng kiến của TS Trần Đại Nghĩa, tổ chức một buổi gặp mặt bất thường để mừng thọ thầy tám mươi "trước thời gian". Có nhiều người đến dự, nhiều ý kiến cảm động, tâm huyết dành cho thầy.

Thầy Cẩn hôm nay đã vĩnh biệt chúng ta rồi. Tôi nghĩ chắc thầy cũng biết và âm thầm chuẩn bị cho sự ra đi này từ lâu. Thầy không ham công danh, phú quý, tiền bac... Chắc thầy rất thanh thản để "vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay". Tôi miên man suy nghĩ và chợt nhớ tới mấy câu thơ của Trần Đăng Khoa (trong bài Viết ở Nghĩa trang Văn Điển) mà lòng thấy xót xa, thương cảm: Trời thật rộng vô cùng, đất thật rộng vô cùng/ Bởi khoảng trống mỗi con người để lại/ Cái khoảng trống nhỏ nhoi bằng dáng vóc họ thôi/ Mà cả dãy Hoàng Liên không sao che khuất... Đúng vậy, có những sự ra đi của một con người đã để lại một khoảng trống không gì bù đắp nổi. Làng Ngôn ngữ học đang phải đau nỗi đau này.


Hà Nội, chiều 26/2/2011

PGS.TS Phạm Văn Tình

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập47
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm46
  • Hôm nay3,966
  • Tháng hiện tại158,069
  • Tổng lượt truy cập1,967,576
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây