Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và những cống hiến trong nghiên cứu chữ Nôm

Chủ nhật - 27/02/2011 21:44

Điều đáng tiếc cho một kẻ “hậu học” trong ngành ngữ văn học như tôi là không có cái may mắn được trực tiếp học với Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (2/5/1926 - 25/2/2011), nhưng qua việc đọc các công trình nghiên cứu của GS và tiếp thu tư tưởng khoa học của GS thông qua các thế hệ học trò của GS, tôi vẫn là học trò (của học trò (của học trò)) của GS theo tất cả các nghĩa của cách trình bày văn tự này.

 

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và những cống hiến trong nghiên cứu chữ Nôm
(nén tâm hương tưởng nhớ Thầy)

                                                                            Nguyễn Tuấn Cường
 
Điều đáng tiếc cho một kẻ “hậu học” trong ngành ngữ văn học như tôi là không có cái may mắn được trực tiếp học với Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (2/5/1926 - 25/2/2011), nhưng qua việc đọc các công trình nghiên cứu của GS và tiếp thu tư tưởng khoa học của GS thông qua các thế hệ học trò của GS, tôi vẫn là học trò (của học trò (của học trò)) của GS theo tất cả các nghĩa của cách trình bày văn tự này.

Vì vậy, dù vẫn biết tình trạng sức khỏe của GS gần đây không được tốt, tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng trước tin GS đã ra đi mãi mãi vào ngày 25/2/2011 tại Moskva. Muốn thắp nén tâm hương tưởng nhớ GS Nguyễn Tài Cẩn, nhưng bởi cái lí do không được trực tiếp học với GS và vì thế ít có kỉ niệm với GS (dù tôi cũng có vinh hạnh gặp GS 4 lần), tôi đành tưởng nhớ đến anh hồn GS bằng con đường khoa học, con đường đã khiến GS được mãi ghi danh với đời.

Đứng trước di sản khoa học đồ sộ của GS Nguyễn Tài Cẩn, người ta thường dễ đồng điệu với cái cảm giác “ngưỡng chi di cao” (càng ngửa trông càng thấy cao) của Nhan Hồi đối với bậc sư biểu Khổng tử. GS đặt dấu ấn sâu sắc trên nhiều lĩnh vực: ngữ pháp, ngữ âm, Hán Nôm, từ vựng, từ nguyên, Việt ngữ học, ngôn ngữ thơ, văn học, văn hóa… Kẻ hậu học này, vốn rất khiêm tốn về tuổi đời và càng khiêm tốn hơn về tuổi nghề, chỉ xin ngửa trông một góc nhỏ trong sự nghiệp khoa học của GS, đó là việc nghiên cứu chữ Nôm. Mặc dù chữ Nôm đã có lịch sử tồn tại trên 800 năm, nhưng việc nghiên cứu về chữ Nôm hầu như chỉ được đặt ra từ thế kỉ XX đến nay. Trong giai đoạn này, những công trình nghiên cứu về chữ Nôm của GS Nguyễn Tài Cẩn có vị trí nổi bật. Công việc mô tả lại những công trình đó là không cần thiết và, quan trọng hơn, không thể đầy đủ trong một bài viết ngắn, nên ở đây tôi chỉ xin lược điểm những cống hiến nổi bật của GS Nguyễn Tài Cẩn trong lĩnh vực nghiên cứu hẹp này.

1. Xác lập những công cụ và phương pháp nghiên cứu chữ Nôm
Đối với ngành “Nôm học” (nếu có thể dùng thuật ngữ này), GS Nguyễn Tài Cẩn có công tích lớn trong việc xác lập những công cụ và phương pháp nghiên cứu, những tiền đề căn bản cho nghiên cứu chữ Nôm.

Từ rất sớm, GS đã dày công nghiên cứu về cách đọc Hán Việt (1971, 1972, 1979) với tư cách một khái niệm công cụ để nghiên cứu chữ Nôm, đặc biệt là vấn xác định thời điểm xuất hiện của loại văn tự này: “có thể là chữ Nôm đã hình thành đồng thời với âm Hán – Việt, nhưng cũng rất có thể là âm Hán – Việt hình thành trước, rồi một thời gian sau đó cha ông chúng ta mới dựa vào các chữ Hán đọc theo âm Hán – Việt để sáng tạo ra chữ Nôm” (1971). Phương pháp xác định niên đại hình thành chữ Nôm dựa vào thời điểm xuất hiện của hệ thống âm Hán Việt mà GS đưa ra vào thời điểm đầu thập niên 1970 như vậy là một quan điểm mới mẻ, khác với các quan niệm trước đó vốn phần nhiều căn cứ trên các bằng chứng (huyền) sử học và xã hội học có thiên hướng đẩy thời điểm xuất hiện của chữ Nôm lên sớm hơn thời điểm thực tế.

Bên cạnh dấu ấn trong nghiên cứu về âm Hán Việt, GS còn có nhiều cống hiến ở địa hạt nghiên cứu về âm đọc Cổ Hán Việt (còn gọi là Tiền Hán Việt) và âm đọc Hán Việt Việt Hóa (còn gọi là Hậu Hán Việt) để hình thành bức tranh ảnh hưởng ngôn ngữ (ngữ âm) giữa tiếng Hán với tiếng Việt trong lịch sử (1987). Điều này góp phần cải chính nhiều quan niệm về âm đọc và cách phân loại chữ Nôm ghi âm Cổ Hán Việt và Hán Việt Việt Hóa của các bậc tiền bối như Vương Lực (1948), Đào Duy Anh (1975).

Ngoài ra, GS Nguyễn Tài Cẩn đã sớm tiến hành nghiên cứu về sự xuất hiện của từng cá thể chữ Nôm trong hệ thống chữ Nôm. Trong danh tác khoa học Một số vấn đề về chữ Nôm in năm 1985, GS đã dành 20 trang cuối ở mục Phụ lục (tr. 252-272) để trình bày bảng tra Một số chữ Nôm cổ đã gặp trong các văn bản có niên đại chính xác (từ thế kỉ XII đến thế kỉ XVII), trong đó liệt kê những ngữ tố (hình vị) tiếng Việt xuất hiện sớm nhất được ghi nhận trong các tư liệu khả tín bằng chữ Nôm. Ngày nay, với những điều kiện mới mẻ hơn về mặt tư liệu văn bản chữ Nôm, chúng ta vẫn đang chờ đợi một cuốn từ điển (hoặc khiêm tốn hơn: bảng tra) dày dặn hơn, cụ thể hơn về nội dung tương tự.
Bên cạnh đó, đường hướng trong nghiên cứu chữ Nôm với tư cách là một hệ thống văn tự cũng đã sớm được GS Nguyễn Tài Cẩn phác thảo (1981): cần đi từ văn tự học đại cương, sang văn tự học khu vực để hình dung về bức tranh văn tự trên thế giới và khu vực, rồi mới đi sâu vào nghiên cứu chữ Nôm với tư cách là một hệ thống văn tự ghi tiếng Việt. Hướng đi này đến những năm đầu thế kỉ XXI đã được sâu sắc hóa bằng công trình của Nguyễn Quang Hồng (2008).

2. Nghiên cứu vĩ mô: xác lập mô hình cấu trúc chữ Nôm
Xét từ góc độ cấu trúc văn tự học, việc nghiên cứu về cấu trúc chữ Nôm trong thế kỉ XX có thể phân chia thành hai giai đoạn khác nhau một cách tương đối rõ rệt. Trước năm 1975, các nghiên cứu văn tự học về chữ Nôm mang tính chất “khai sơn phá thạch”, chủ yếu dựa theo mô hình văn tự học Trung Quốc, lấy “Lục thư” (sáu phép cấu tạo chữ Hán: tượng hình, chỉ sự, hội ý, giả tá, chuyển chú) làm trung tâm để “lắp ráp” các phương thức cấu trúc chữ Nôm vào khuôn khổ phân chia ấy. Chúng ta có thể gặp ở đây những nhà nghiên cứu nổi tiếng đi theo đường hướng này: Văn Hựu (1933), Dương Quảng Hàm (1943), Trần Kinh Hoà (1949), Đào Duy Anh (1975)… Đặc biệt, công trình nổi tiếng Chữ Nôm: Nguồn gốc – Cấu tạo – Diễn biến của GS Đào Duy Anh (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975) là “tập đại thành” cho đường hướng nghiên cứu này. Sau năm 1975, con đường ấy vẫn được tiếp tục triển khai, phần lớn từ phía các học giả nước ngoài như Lí Lạc Nghị (1986), Mã Khắc Thừa (1996) ở Trung Quốc, Wm. C. Hannas (1997) ở Mĩ  – những người chủ yếu tiếp cận chữ Nôm qua cuốn sách của GS Đào Duy Anh, hoặc qua một vài bài viết có tính chất lược giới về chữ Nôm viết bằng tiếng Anh, chứ không cập nhật được tình hình nghiên cứu trong nước.

Bước sang năm 1976, việc nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm đã bước sang một thời kì mới với sự tiên phong của vị chủ tướng Nguyễn Tài Cẩn viết cùng Phu nhân là GS N.V Stankevitch qua bài viết Điểm qua vài nét về tình hình cấu tạo chữ Nôm. Bài viết này đã thoát khỏi tư duy “Lục thư” truyền thống để chuyển sang sử dụng phương pháp khoa học hiện đại, nhìn nhận chữ Nôm như một đối tượng nghiên cứu văn tự học trong mối quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ học lịch sử tiếng Việt, đặc biệt là ngữ âm học. Căn cứ theo các tiêu chí tự hình, tự âm, tự nghĩa, GS Nguyễn Tài Cẩn đã phân loại chữ Nôm lần lượt theo nhiều bước lưỡng phân liên tiếp để khái quát nên một mô hình cấu trúc chữ Nôm gồm 10 loại. Ở thời điểm năm 1976, đây là một mô hình phân loại khoa học nhất, toàn diện nhất (bởi hầu hết các cá thể chữ Nôm đều có thể quy vào đó). Phương pháp làm việc khoa học này đã ngay lập tức tạo ảnh hưởng tích cực đến các nghiên cứu sau này của Lê Văn Quán (1981), Nguyễn Ngọc San (1987), Nguyễn Khuê (1987-1988), Lê Anh Tuấn (2003)… Sang thế kỉ XXI, mô hình ấy được sửa đổi và tái thiết trong các công trình của Nguyễn Quang Hồng (2006, 2008).

Điểm đáng lưu ý về sự chuyển đổi hệ hình trên là việc GS Đào Duy Anh ngay từ năm 1975 đã thừa nhận sự khác biệt về phương pháp phân loại giữa ông và GS Nguyễn Tài Cẩn. GS Đào viết:
“Ông Nguyễn Tài Cẩn nói với tôi rằng nhà ngôn ngữ học có thể theo những cách phân loại chữ Nôm khác với cách của tôi, nhưng cuối cùng kết quả vẫn là hoàn toàn phù hợp với kết quả của tôi, như thế tỏ rằng cách phân loại của tôi vẫn đúng. Tôi xin nói thêm rằng tôi không theo cách phân loại của nhà ngôn ngữ học vì tôi thấy đối với người độc giả thông thường cách phân loại theo ngôn ngữ học hơi lạ và khó hiểu. Theo tôi cách phân loại này giản dị và dễ hiểu hơn, tôi cho rằng nó phù hợp với con đường suy nghĩ và những nguyên tắc người xưa đã dựa vào trong khi xây dựng chữ Nôm” (sđd, tr. 63, chú thích số 1).

Tất nhiên, ở đây mỗi học giả đã tùy theo quan điểm của mình để xác định cách tiếp cận nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm. Hơn nữa, cũng cần chú ý rằng cuốn sách trên của GS Đào in năm 1975, sau khi ông được nghe trao đổi với GS Nguyễn, chứ hẳn là ông chưa được đọc bài nghiên cứu công phu của GS Nguyễn sẽ được in vào 1 năm sau đó (1976) để có thể biết rằng cách phân loại của GS Nguyễn có sự khác biệt khá xa với ông, đặc biệt là về vấn đề tính khoa học trong phương pháp phân loại cấu trúc văn tự. Từ góc độ kế thừa khoa học, việc phản biện nhau và chấp nhận nhau giữa hai nhà nghiên cứu chữ Nôm thời danh ấy là rất đáng quý và đáng học hỏi.
 
3. Nghiên cứu vi mô: từ nan đề “song viết” đến trilogy Truyện Kiều
Ngoài thành công trên phương diện nghiên cứu chữ Nôm từ tầm vĩ mô, GS Nguyễn Tài Cẩn còn đặt dấu ấn của mình trong việc nghiên cứu vi mô đối với những chữ Nôm cá biệt vốn là “nan đề” trong nghiên cứu chữ Nôm xưa nay. Bài viết này chỉ xin đề cập đến hai trường hợp: hai chữ “song viết” trong thơ Nôm cổ thế kỉ XV-XVI và những chữ Nôm trong Truyện Kiều vốn rất phức tạp, từng gây nhiều tranh cãi.
Cách đọc và hiểu hai chữ “song viết” (双曰) xuất hiện nhiều lần trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập và Nguyễn Bỉnh Khiêm chắc chắn là vấn đề gây nhiều tranh luận nhất trong việc nghiên cứu các cá thể chữ Nôm suốt từ giữa thế kỉ XX đến nay, nó thu hút sự tham gia của không dưới 10 nhà nghiên cứu. Không yên tâm với cách hiểu thiên về phân tích tự hình chữ Nôm của các nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm (1956), Đào Duy Anh (1962), Đỗ Văn Hỉ (1967), GS Nguyễn Tài Cẩn trong các năm 1974 và 1975 đã đề xuất và tiến hành một cách tiếp cận mới toàn diện hơn, xuất phát từ tự hình để đi sâu vào phân tích ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp, liệt kê tất cả các khả năng có thể đọc và hiểu hai chữ đó, tham bác nhiều đối chứng từ các ngôn ngữ lân cận, kiểm tra trong các từ điển tiếng Việt trước thế kỉ XX, sàng lọc và thận trọng loại bỏ những khả năng phi thực hữu, từ đó gút lại một cách đọc rất mới mẻ là “rông vát” cho hai chữ Nôm đặc dị này, rồi lại kiểm tra tất cả các khía cạnh nghĩa của hai chữ ấy (7 khía cạnh nghĩa) trong các văn cảnh xuất hiện của chúng, và rồi với tất cả sự cẩn trọng cần thiết của một nhà khoa học, ông vẫn đề nghị để tồn nghi giải pháp trên, chờ nghiên cứu thêm. Dù cho sau này có thêm nhiều nhà nghiên cứu (Ngô Đức Thọ, An Chi, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thế…) tham gia tranh luận với các quan điểm ít nhiều khác nhau và khác với thuyết “rông vát”, nhưng phương pháp nghiên cứu sâu sắc, toàn diện và thận trọng mà GS Nguyễn Tài Cẩn đã áp dụng để đi đến kết quả ấy mãi là một tấm gương cho các nhà nghiên cứu sau này học hỏi.

Xét trên bình diện văn bản tác phẩm Nôm thì xưa nay không có hệ thống văn bản nào phức tạp bằng hệ thống văn bản Truyện Kiều. GS Nguyễn Tài Cẩn trong khoảng 10 năm đầu thế kỉ XXI đã liên tục cho vấn thế những công trình nghiên cứu có uy tín về văn bản và từ ngữ văn Nôm hệ thống văn bản phồn tạp ấy, tập trung nhất là 3 cuốn sách mà nhan đề đều mở đầu bằng “Tư liệu Truyện Kiều…” (2002, 2004, 2008).

Khởi đi từ những gợi ý về mặt nghiên cứu văn bản và từ ngữ của học giả Hoàng Xuân Hãn, GS Nguyễn Tài Cẩn từ những năm cuối thế kỉ XX đã đi sâu nghiên cứu vấn đề văn bản và ngôn ngữ Truyện Kiều theo hướng “tầm nguyên”, đi tìm “nguyên lời Nguyễn Du”, để đến năm 2002, cuốn chuyên khảo đầu tiên về bản Duy Minh Thị 1872 được ra mắt bạn đọc. Việc khảo cứu cụ thể một văn bản Truyện Kiều trong mối tương quan so sánh với những văn bản khác trong hệ thống văn bản Truyện Kiều không hẳn là một vấn đề quá mới (từ năm 1999, Thế Anh đã in cuốn sách phiên âm và khảo dị bản Kiều Oánh Mậu 1902: Đoạn trường tân thanh: Truyện Kiều đối chiếu Nôm – Quốc ngữ, NXB Văn học, 1999), nhưng cuốn sách trên của GS Nguyễn Tài Cẩn đã tự “biệt thành nhất gia” bởi tính chất khoa học và mới mẻ của nó.

Cuốn sách bàn đến bản Duy Minh Thị 1872 từ 3 khía cạnh (tương ứng với 3 phần nội dung sách): nghiên cứu văn bản, phiên Nôm, biện giải từ ngữ; cả 3 khía cạnh này đều được trình bày với nhiều ý tưởng mới lạ. Trong nghiên cứu văn bản, GS đặc biệt chú ý đến hiện tượng kiêng húy (hướng đi mà sau này ông tiếp tục đi sâu hơn) để tìm mối liên hệ giữa bản Duy Minh Thị 1872 với nguyên tác của Nguyễn Du. Về phiên âm, với những nghiên cứu sâu sắc về văn tự học chữ Nôm trước đó, GS đã công bố một bản phiên âm với nhiều giả thiết từ ngữ khá lạ lẫm và thú vị đối với giới “Kiều học”. Về biện giải từ ngữ, GS đã phát huy được sở trường ngữ âm học lịch sử, từ vựng học lịch sử và phương ngữ học của mình để tiến hành sàng lọc và lập luận về cách đọc, cách hiểu với từng trường hợp từ ngữ trong bản Duy Minh Thị 1872; phần này chính là điểm then chốt của cuốn sách, để cho nó có thể “biệt thành nhất gia”. Cách thức nghiên cứu trong cuốn sách này có giá trị gợi hướng cho các nhà nghiên cứu khác bắt tay thực hiện công việc ít nhiều tương tự đối với các văn bản khác nằm trong danh sách những bản Truyện Kiều chữ Nôm có niên đại sớm nhất hiện biết: Liễu Văn đường 1871, Nguyễn Hữu Lập 1870, Liễu Văn đường 1866, Thịnh Mĩ đường 1879. Dù cho sau này có những nghiên cứu khác với GS về quan điểm văn bản Truyện Kiều (Đào Thái Tôn, Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều: bản Liễu Văn đường 1871, NXB Khoa học Xã hội, 2006), nhưng chính ý kiến khác biệt ấy, như tác giả của nó thừa nhận, đã được gợi ý từ phương pháp nghiên cứu của học giả Hoàng Xuân Hãn và công trình nghiên cứu về bản Duy Minh Thị 1872 của GS Nguyễn Tài Cẩn. Lại một lần nữa chúng ta được thấy tính năng sản về mặt phương pháp nghiên cứu của các công trình khoa học mà GS để lại cho đời. Phương pháp nghiên cứu nghiêm cẩn và khoa học ấy vẫn tiếp tục được thực hiện nhất quán trong hai cuốn sách mà GS in sau này (2004, 2008), tạo thành một “trilogy” (bộ ba) công trình nghiên cứu văn bản và từ ngữ Truyện Kiều mà người ta có thể dễ dàng nhận ra kể cả khi chúng không được dán nhãn “made by Nguyễn Tài Cẩn”. Đây chính là một xu hướng nghiên cứu quan trọng cần triển khai trong ngành “Kiều học” thế kỉ XXI mà người đặt những viên gạch nền tảng, không ai khác, chính là GS Nguyễn Tài Cẩn.

Hà Nội, 25-26/2/2011
 
Danh mục công trình nghiên cứu chủ yếu về chữ Nôm của GS Nguyễn Tài Cẩn
1.      Nguyễn Tài Cẩn (1971), Cứ liệu ngữ âm lịch sử với vấn đề thời kì xuất hiện của chữ Nôm, in trong: Tạp chí Ngôn ngữ, số 1; in lại trong: Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 86-118.

2.      Nguyễn Tài Cẩn (1972), Bổ sung thêm một số cứ liệu ngữ âm lịch sử có liên quan đến vấn đề thời kì xuất hiện chữ Nôm, in trong: Thông báo khoa học Trường Đại học Tổng hợp (Văn học – Ngôn ngữ), tập V, Hà Nội, 1972; in lại trong: Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 119-137.

3.      Nguyễn Tài Cẩn (1974), Thử tìm cách đọc Nôm hai chữ “song viết”, in trong Tạp chí Văn học, số 2/1974; in lại trong: Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 181-209.

4.      Nguyễn Tài Cẩn (1975), Bàn thêm về “song viết? song biết? song kiết?”, in trong: Tạp chí Văn học, số 6/1975; in lại trong: Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985, tr. 210-227.

5.      Nguyễn Tài Cẩn,N.V. Stankevitch (1976), Điểm qua vài nét về tình hình cấu tạo chữ Nôm, in trong: Tạp chí Ngôn ngữ, số 2: tr. 15-25; số 3: tr. 14-24. [Bài viết này được in lại nhiều lần trong một số cuốn sách về chữ Nôm của GS Nguyễn Tài Cẩn].

6.      Nguyễn Tài Cẩn (1979), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội; tái bản: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.

7.      Nguyễn Tài Cẩn,N.V. Stankevitch (1981), Chữ Nôm, một thành tựu văn hóa của thời đại Lí – Trần, in trong: Viện Sử học, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lí – Trần, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 476-516.

8.      Nguyễn Tài Cẩn (1985), Một số vấn đề về chữ Nôm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985. [Cuốn sách này bao gồm 10 bài nghiên cứu, chủ yếu đã công bố rải rác từ năm 1971 đến năm 1981. Đây cũng là danh tác khoa học quan trọng nhất của GS Nguyễn Tài Cẩn trong lĩnh vực nghiên cứu chữ Nôm].

9.      Nguyễn Tài Cẩn (1987), Văn hóa chữ Hán và ngôn ngữ Việt Nam: vai trò của các yếu tố gốc Hán trong tiếng Việt hiện đại, in lần đầu bằng tiếng Nhật trong cuốn Hán tự dân tộc quyết đoán, Tokyo, 1987; in lại bằng tiếng Việt trong: Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 424-439.

10.Nguyễn Tài Cẩn (2001), Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

11.Nguyễn Tài Cẩn (2002), Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị 1872, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

12.Nguyễn Tài Cẩn (2004),Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học & NXB Văn học.

13.Nguyễn Tài Cẩn (2008), Tư liệu Truyện Kiều: Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh, NXB Giáo dục.
 
GHI CHÚ:
-     Trên đây không phải là danh mục đầy đủ các công trình nghiên cứu chữ Nôm của GS Nguyễn Tài Cẩn, mà chỉ điểm lại những công trình then chốt  được đề cập trong bài viết.
      -     Vì độ dài bài viết có hạn, xin miễn nêu cụ thể thông tin về công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu khác mà bài viết này đã nhắc tới.
 
 
  Nguồn: http://tuancuonghn.blogspot.com/ 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập47
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm46
  • Hôm nay2,982
  • Tháng hiện tại193,677
  • Tổng lượt truy cập2,003,184
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây