Hội Ngôn ngữ học Hà Nội giới thiệu công trình " Ngôn ngữ văn hóa Thăng Long - Hà Nội 1000 năm"

Thứ hai - 04/10/2010 00:00

Ngày 28 tháng 8 năm 2010 Viện Ngôn ngữ học và Hội Ngôn ngữ học Hà Nội đã phối hợp tổ chức buổi họp giới thiệu sách ...

BUỔI HỌP GIỚI THIỆU SÁCH
NGÔN NGỮ VĂN HÓA THĂNG LONG - HÀ NỘI 1000 NĂM
      

            Ngày 28 tháng 8 năm 2010 Viện Ngôn ngữ học và Hội Ngôn ngữ học Hà Nội đã phối hợp tổ chức buổi họp giới thiệu sách “Ngôn ngữ văn hóa Thăng Long - Hà Nội 1000 năm” của Hội ngôn ngữ học Hà Nội do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành. Đông đảo các nhà khoa học, giảng viên ngôn ngữ học và ngoại ngữ, cán bộ nghiên cứu của Viện Ngôn ngữ học, Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Đại học Mở Hà Nội và bạn đọc đã đến dự. Phóng viên Đài Truyền hình VTV1, Đài PTTH Hà Nội và báo Hà Nội mới đã đến dự và đưa tin.
 
          Các đại biểu và khách mời có các vị: GS TSKH Nguyễn Sĩ Mão, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm, PCT kiêm Tổng Thư kí Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội, TS Lê Huy Hoàng, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, GS TS Nguễn Đức Tồn, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, GS TS Lê Quang Thiêm, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, PGS TS Nguyễn Hồng Cổn, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học Trường ĐHKHXHNV - ĐHQG Hà Nội, PGS TS Phạm Văn Tình, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, Ông Trần Chí Đạt, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông.
 
            Mở đầu buổi họp PGS TS Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Hà Nội đọc bài Còn mãi một tình yêu Hà Nội giới thiệu cuốn sách của tập thể 26 tác giả, nhấn mạnh rằng, xét từ góc độ chức năng xã hội tiếng Hà Nội có một vị thế vô cùng quan trọng: nó là tiếng nói của Thủ đô nghìn năm văn hiến và trên phương diện này có thể coi nó là hạt nhân, cơ sở quan trọng nhất của tiếng Việt tiêu chuẩn, là sự hội tụ của bốn phương, là tinh hoa của một nền văn hóa. Dù chưa là toàn cảnh, nhưng cuốn sách đã đem lại cho người đọc một góc nhìn của Thăng Long – Hà Nội, nơi “lắng hồn núi sông” đang lưu giữ một cơ tầng ngôn ngữ văn hóa đẹp đẽ và quý giá mà ngày nay chúng ta chưa khai thác hết.
           
            GS TSKH Nguyễn Sĩ Mão, PCT Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội trong lời phát biểu chào mừng đã đánh giá cao nỗ lực và hoạt động của Hội Ngôn ngữ học Hà Nội hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cho rằng đây là cuốn sách có thể xem xét là sản phẩm tốt của Liên hiệp Hội Hà Nội. TS Nguyễn Tùng Lâm, PCT kiêm TTK Liên hiệp Hội, vốn trước đây là giáo viên ngữ văn cũng tán đồng với ý kiến của GS Nguyễn Sĩ Mão và bày tỏ mong muốn riêng được tham dự các buổi sinh hoạt khoa học bổ ích về tiếng Việt và giáo dục ngôn ngữ trong trường phổ thông được tổ chức ở Viện Ngôn ngữ học và Hội Ngôn ngữ học Hà Nội.
 
            GS TS Nguyễn Văn Khang, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học và là đồng tác giả của cuốn sách nói: Cuốn sách xuất bản lần này của Hội Ngôn ngữ học Hà Nội là kết quả lao động nhiều năm của tập thể tác giả là các nhà khoa học, giảng viên và cán bộ nghiên cứu trong giới ngôn ngữ học và Việt ngữ học. GS Nguyễn Văn Khang cũng đề cập đến việc nghiên cứu tiếng Hà Nội đi đôi với việc giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt.
 
           PGS TS Phạm Văn Tình, vốn là người yêu văn thơ, đã đọc một cách say sưa và truyền cảm bài thơ Tình yêu sông Hồng của nhà thơ Thanh Thảo, đem lại không khí vui tươi cho buổi họp, đồng thời qua thơ khắc họa những tình cảm gần gũi gắn bó của người dân Thủ đô với con sông Hồng “chở nặng phù sa” mà trong bài viết về tên gọi sông Hồng của GS TS Trần Trí Dõi có nói tới. Cử tọa lắng nghe mà như thấy lòng mình cũng xốn xang theo những vần thơ xuất phát từ con tim mến yêu Hà Nội: Ơi sông Hồng, sông Hồng / Vẫn màu đỏ của em là duy nhất / Anh chưa thấy một dòng sông nào khác/ Âm thầm mà dữ dội như em.
 
            Nhà phê bình văn học GS Phong Lê đến buổi họp với tư cách là đồng tác giả cuốn sách, nhưng đến với Viện Ngôn ngữ học vị GS ngoài 70 xuân như thấy được về với ngôi nhà chung ngày nào của Viện ngôn ngữ học và Viện Văn học ở 20 Lý Thái Tổ. Với phong thái bình dị GS Phong Lê đã nói đến những đóng góp lớn của nhà văn Tô Hoài với Hà Nội qua những chuyên đời và chuyện người mà nhà văn gắn bó suốt 90 năm nay. Trong những nhà văn Việt Nam ở thế kỷ 20 vừa qua có những ấn phẩm ấn tượng viết về Hà Nội thì Tô Hoài là một trong “tứ trụ”nhà văn: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Tô Hoài.
 
            Trong lời phát biểu Phó giám đốc Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông Trần Chí Đạt cám ơn Hội Ngôn ngữ học Hà Nội đã tin cậy giao bản thảo cho Nhà xuất bản và đã cộng tác chặt chẽ trong quá trình biên tập sách, mong muốn được tiếp tục cộng tác với các nhà khoa học của Viện ngôn ngữ học và Hội Ngôn ngữ học Hà Nội trong việc xuất bản những ấn phẩm về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam và Hà Nội.
 
            Buổi họp kết thúc với những cái bắt tay chặt và thân tình giữa những người đồng nghiệp trong giới ngôn ngữ học Hà Nội. Mọi người ra về vui vẻ, có người còn vừa đi vừa ngắm trang bìa cuốn sách. 

                                                                                             HOÀI LÂM

Một số hình ảnh buổi Giới thiệu sách:
 
 

PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Hà Nội
giới thiệu công trình” Ngôn ngữ văn hoá Thăng Long – Hà Nội 1000 năm”
 
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp
các Hội KHKT Hà Nội phát biểu ý kiến
 
PGS.TS Phạm Văn Tình, Phó TBT Tạp chí Từ điển học
Bách khoa thư đọc thơ mừng ngày ra sách
 
Hội Ngôn ngữ học Hà Nội tặng sách cho Khoa Ngôn ngữ học
 

Các đại biểu dự buổi Giới thiệu sách chụp ảnh kỷ niệm

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm39
  • Hôm nay4,344
  • Tháng hiện tại158,447
  • Tổng lượt truy cập1,967,954
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây