55 xây dựng và phát triển

Thứ ba - 11/10/2011 08:26

Ngôn ngữ học được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học Việt Nam từ năm 1956, bắt đầu với Tổ Ngôn ngữ học, thuộc Khoa Khoa học Xã hội, sau đó là Khoa Ngữ Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1996)   

Tiến tới Kỷ niệm 55 Khoa Ngữ Văn và 15 năm Khoa Ngôn ngữ học
 
 
NGÀNH NGÔN NGỮ HỌC- TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN HÀ NỘI :
55 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
 
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn
 
 
Ngôn ngữ học được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học Việt Nam từ năm 1956, bắt đầu với Tổ Ngôn ngữ học, thuộc Khoa Khoa học Xã hội, sau đó là Khoa Ngữ Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1996). Năm 1996, ba năm sau khi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (dưới đây gọi tắt là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) được thành lập trên cơ sở Trường Đại học Tổng hợp, ngành Ngôn ngữ học tách khỏi Khoa Ngữ Văn để trở thành Khoa Ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Như vậy, đến nay ngành Ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã trải qua 55 năm xây dựng và  phát triển. 
 
           1.1 Trong 55 xây dựng và phát triển, ngành Ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều mặt hoạt động,  trước hết  là những thành tựu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Trải qua giai đoạn 10 năm đầu (1956-1965) tích cực xây dựng chương trình, nội dung môn học, xây dựng đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy và nghiên cứu, năm 1965 ngành Ngôn ngữ học chính thức được công nhận như một chuyên ngành đào tạo độc lập, được tuyển sinh riêng từ năm thứ nhất, và sự nghiệp đào tạo chuyên ngành này kéo dài đến tận năm 1996. Có thể nói cùng với chuyên ngành Văn học, chuyên ngành Ngôn ngữ học của Khoa Ngữ Văn đã góp phần tạo nên thương hiệu Văn khoa của Đại học Tổng hợp (1956-1996).
 
Năm 1996, trên cơ sở Bộ môn Ngôn ngữ học của Khoa Ngữ Văn, Khoa Ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội được thành lập, lần đầu tiên ngành Ngôn ngữ học được công nhận như một ngành đào tạo đại học độc lập ở Việt Nam. Trải qua gần 15 năm phát triển, đến nay Khoa Ngôn ngữ học là khoa duy nhất ở Viêt Nam đào tạo ngành Ngôn ngữ học ở cả ba chương trình: Cử nhân (gồm các hệ chuẩn, chất lượng cao và trình độ quốc tế), Thạc sĩ (ngôn ngữ học) và Tiến sĩ (gồm 5 chuyên ngành: lí luận ngôn ngữ, Việt ngữ học, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, ngôn ngữ học so sánh lịch sử và ngôn ngữ học so sánh - đối chiếu).  
 
Tính đến năm 2011, ngành Ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội đã đào tạo được cho đất nước trên 1600 cử nhân, hơn 250 thạc sĩ và 125 tiến sĩ về ngôn ngữ học, Việt ngữ học, ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ học hiện đang làm việc ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan báo chí, truyền thông, văn hoá, giáo  dục… trong nước và nước ngoài. Riêng trong năm học 2011-2012, Khoa Ngôn ngữ học  hnzacđang quản lí đào tạo 150 sinh viên, 285 học viên cao học và nghiên cứu sinh. Nếu so sánh tỉ lệ sinh viên  với học viên sau đại học, thì hiện nay số học viên sau đại học của Khoa có tỉ lệ gần gấp đôi sinh viên hệ cử nhân. Ngoài ra, trong Khoa còn có hơn 300 sinh viên nước ngoài đang tham gia học các chương trình đào tạo khác nhau.
 
         1.2 Cùng với công tác đào tạo, các cán bộ, giảng viên nhiều thế hệ của ngành Ngôn ngữ học cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và đạt được những thành tựu đáng kể. Nhiều cán bộ, giảng viên của Khoa là những người mở đường hoặc trở thành các nhà nghiên cứu dẫn đầu trong các lĩnh vực khác nhau của ngành như: ngữ pháp tiếng Việt (Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Lai, Cao Xuân Hạo, Hoàng Trọng Phiến, Nguyễn Cao Đàm, Đinh Văn Đức, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Hồng Cổn, Đào Thanh Lan…), ngữ âm tiếng Việt (Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Phan Cảnh, Mai Ngọc Chừ, Đinh Lê Thư,…), từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt (Nguyễn Văn Tu, Nguyễn Thiện Giáp, Lê Quang Thiêm, Nguyễn Đức Dân, Vũ Đức Nghiệu, Lê Đông…), lịch sử tiếng Việt (Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Văn Đức, Trần Trí Dõi, Vũ Đức Nghiệu…), phương ngữ tiếng Việt (Hoàng Thị Châu), Phong cách học tiếng Việt (Phan Ngọc, Nguyễn Phan Cảnh, Nguyễn Hữu Đạt…), ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (Bùi Khánh Thế, Đoàn Thiện Thuật, Trần Trí Dõi, Mai Ngọc Chừ, v.v), ngôn ngữ học thần kinh (Nguyễn Hàm Dương), ngôn ngữ học đối chiếu và dịch thuật (Lê Quang Thiêm, Nguyễn Hồng Cổn), ngôn ngữ học văn bản (Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Thị Việt Thanh), v.v.
                             
                                  

Nhiều giáo trình, bài giảng, công trình nghiên cứu khoa học do các cán bộ, giảng viên của ngành Ngôn ngữ học trước đây và Khoa Ngôn ngữ học hiện nay biên soạn có giá trị về mặt học thuật và sư phạm, được các đồng nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, chẳng hạn: Ngữ pháp tiếng Việt: Tiếng - từ ghép - đoản ngữ,  Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại, Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Ngữ âm lịch sử tiếng Việt  (Nguyễn Tài Cẩn), Ngữ âm tiếng Việt (Đoàn Thiện Thuật), Ngữ pháp tiếng Việt - Câu (Hoàng Trọng Phiến), Ngữ pháp tiếng Việt - Từ loại,  Ngữ pháp tiếng Việt : Từ loại  nhìn từ góc độ chức năng (Đinh Văn Đức), Từ vựng học tiếng Việt, Từ và nhận diện từ tiếng Việt (Nguyễn Thiện Giáp), Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ, Ngữ nghĩa học (Lê Quang Thiêm), Từ chỉ hướng vận động tiếng Việt, Ngôn ngữ và sáng tạo văn học (Nguyễn Lai), Các phương ngữ tiếng Việt (Hoàng Thị Châu), Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Lịch sử tiếng Việt (Trần Trí Dõi), Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt (Trần Ngọc Thêm), Thành phần câu tiếng Việt (Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp), Cú pháp tiếng Việt (Nguyễn Văn Hiệp), Phong cách học tiếng Việt (Nguyễn Hữu Đạt), v.v
 
Ngoài ra, hàng năm các cán bộ, giảng viên Khoa Ngôn ngữ học còn công bố hàng chục bài viết trên các tạp chí chuyên ngành và hội nghị khoa học quốc gia, quốc tế, chủ trì và tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp khác nhau. Các công trình nghiên cứu này đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ học và tham gia giải quyết các vấn đề của đời sống văn hoá, xã hội. 
 
1.3 Song song với công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong 55 qua ngành Ngôn ngữ học đã xây dựng và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều cơ sở giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ học và Việt ngữ học ở nước ngoài. Các giảng viên ngành Ngôn ngữ học đã đến nghiên cứu và giảng dạy tại nhiều trường đại học trên thế giới như Đại học Tổng hợp Moskva, Đại học Tổng hợp Saint Petersburg (Nga), Đại học Humbold (Đức), Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Đại học Osaka (Nhật) Đại học Paris 7 (Pháp), Đại học Wisconsin, Đại học Cornell, Đại học California - Fullerton (Mỹ), Đại học Ngoại ngữ Hankuk, Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Đại học Bắc Kinh, Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, Đại học Quảng Tây, Đại học Dân tộc Quảng Tây, Đại học Dân tộc Vân Nam, Đại học Ngoại ngữ Ngoại thương Quảng Đông (Trung Quốc), v.v. Mặt khác, ngành Ngôn ngữ học của Trường cũng đón nhận nhiều sinh viên các nước đến học tập, nghiên cứu theo nhiều chương trình khác nhau. Tính đến năm 2011, ngành Ngôn ngữ học đã đào tạo được 150 cử nhân, 20 thạc sĩ, 6 tiến sĩ người nước ngoài, chưa kể hàng ngàn sinh viên quốc tế tham gia các lớp ngắn hạn (từ 3 tháng đến 1 năm) về tiếng Việt và văn hoá Việt Nam. Riêng trong năm học 2011-2012 có hơn 300 sinh viên nước ngoài đang theo học tại Khoa Ngôn ngữ học, trong đó có trên 40 học viên cao học và nghiên cứu sinh .
 
Hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học cũng được chú trọng. Nhiều hội thảo khoa học quốc tế do Khoa Ngôn ngữ học tổ chức hoặc kết hợp với các đối tác trong và ngoài nước tổ chức trong những năm gần đây đã có được tiếng vang lớn về mặt học thuật như: Hội thảo quốc tế Ngôn ngữ học Liên Á lần thứ VI (Hà Nội, 11/2004), Hội thảo quốc tế về “Nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam – Trung Quốc “(Quảng Tây, 2007; Hà Nội, 2009). Thông qua các chương trình trao đổi hợp tác, nhiều nhà khoa học và giáo sư nước ngoài đã đến tham gia giảng dạy hoặc thuyết trình khoa học tại Khoa Ngôn ngữ học (GS. Michel Ferlus, GS. Nguyễn Phú Phong - Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp, GS. Pallard Denis - Đại học Paris 7, GS. Johan van de Auwera - Tổng biên tập tạp chí Linguistics, GS. Marc Brunelle - Đại học Ottawa, GS. Mark Alves - Đại học Montgomery...) 
 
1.4 Để có được những kết quả về đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trên đây, trong 55 qua ngành Ngôn ngữ học của Trường đã từng bước xây dựng, phát triển và có những chuyển biến rất cơ bản trong công tác tổ chức và cán bộ. Từ một bộ môn thuộc Khoa Ngữ văn trước đây, ngày nay ngành Ngôn ngữ học đã phát triển thành Khoa Ngôn ngữ học độc lập với 5 bộ môn, trực tiếp quản lí việc nghiên cứu và giảng dạy các chuyên ngành đào tạo cơ bản là: Lí luận ngôn ngữ, Ngôn ngữ học ứng dụng, Ngôn ngữ học đối chiếu và khu vực, Việt ngữ học, Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Ngoài ra, Khoa còn có một Trung tâm Ứng dụng ngôn ngữ học và Việt ngữ học, là nơi để các giảng viên trẻ, nghiên cứu sinh và học viên cao học của khoa áp dụng các kiến thức lí thuyết vào thực tiễn giảng dạy và nghiên cứu. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của ngành Ngôn ngữ học cũng cũng phát triển và lớn mạnh không ngừng qua nhiều thế hệ; nhiều người đã trở thành các nhà khoa học đầu ngành, hoặc chuyên ngành, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa và ngành như: GS.TS Nguyễn Tài Cẩn, GS.TS Nguyễn Hàm Dương, PGS. Phan Ngọc, PGS. Nguyễn Kim Thản, PGS. Nguyễn Văn Tu, PGS. Cao Xuân Hạo, GS.TS Nguyễn Lai, GS.TS Đoàn Thiện Thuật, GS.TS Hoàng Trọng Phiến, GS.TS Nguyễn Cao Đàm, GS.TS Hoàng Thị Châu, GS.TS Nguyễn Đức Dân, GS.TS Bùi Khánh Thế, GS.TS Lê Quang Thiêm, GS.TS Đinh Văn Đức, GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, GS.TS Trần Ngọc Thêm, GS.TS Trần Trí Dõi, GS.TS Mai Ngọc Chừ, PGS.TS Vũ Đức Nghiệu, v.v.
 
Ngành Ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội cũng là nguồn cung cấp giảng viên và cán bộ nghiên cứu cho nhiều trung tâm nghiên cứu, giảng dạy về ngôn ngữ học và Việt ngữ học trong cả nước (Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển học và Bách khoa thư, Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam, Trường Đại học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, các Trường Đại học Ngoại ngữ của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, v.v) và nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Pháp, Thái Lan, v.v). Hiện nay, Khoa Ngôn ngữ học có 25 cán bộ và giảng viên, trong đó có 4 GS, 7 PGS, 2 TS, 12 NCS (3 NCS đang học ở nước ngoài). Dự kiến đến năm 2015, 100% giảng viên của khoa Ngôn ngữ học sẽ có trình độ tiến sĩ trở lên. 
 
Do có những thành tích xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Khoa Ngôn ngữ học đã được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2001) và Huân chương Lao động hạng Nhì (2006). Nhiều cán bộ, giảng viên của Khoa đã được nhận các giải thưởng và danh hiệu cao quý của nhà nước như: giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ (GS.TS Nguyễn Tài Cẩn), giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ (PGS. Phan Ngọc, PGS. Nguyễn Kim Thản, GS.TS Hoàng Thị Châu), danh hiệu Nhà giáo nhân dân (GS.TS Bùi Khánh Thế, GS.TS Đoàn Thiện Thuật, GS.TS Lê Quang Thiêm, GS.TS Nguyễn Lai, GS.TS Hoàng Trọng Phiến, GS.TS Hoàng Thị Châu, GS.TS Đinh Văn Đức, GS.TS Nguyễn Thiện Giáp), danh hiệu Nhà giáo ưu tú (PGS. Nguyễn Văn Tu, GS.TS Nguyễn Cao Đàm, Nhà giáo Nguyễn Xuân Lương).

 
2.1 Kế thừa truyền thống 55 phát triển ngành và 15 năm xây dựng khoa, tự hào là một trong những khoa khoa học cơ bản hàng đầu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Ngôn ngữ học đang cùng với các khoa khác trong toàn trường bước vào thập niên thứ 2 của thế kỉ 21, với những thuận lợi rất cơ bản: Khoa có bề dày lịch sử phát triển với nhiều thành tựu; có đội ngũ cán bộ, giảng viên mạnh về chuyên môn, vững về tư tưởng, đoàn kết nhất trí vì lợi ích chung; được sự chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ và Ban Giám hiệu, sự hợp tác, giúp đỡ của các phòng, ban, khoa trong toàn trường, v.v. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, Khoa Ngôn ngữ học cũng phải đối diện với không ít những khó khăn, thách thức:  
 
- Cũng như các ngành khoa học cơ bản khác, mặc dù có vai trò quan trọng đối với xã hội, chủ yếu phục vụ cho lợi ích xã hội, nhưng trong bối cảnh kinh tế thị trường khi mà nhu cầu xã hội thường được đồng nhất với giá trị thực dụng hoặc lợi ích kinh tế, ngành Ngôn ngữ học không phải là một sự lựa chọn hấp dẫn cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là các học sinh, sinh viên xuất sắc.
 
- Chính sách đối với người học, người dạy ngành Ngôn ngữ học cũng như các ngành khoa học cơ bản khác, về cơ bản cũng không có gì khác biệt với các ngành đào tạo những nghề phục vụ cho lợi ích trước mắt của người học và các doanh nghiệp. Ngay cả ở chương trình chất lượng cao hoặc nhiệm vụ chiến lược thì chính sách và thực tế triển khai cũng chưa đủ tạo nên sức hấp dẫn với người học và người dạy, chưa hoàn toàn tương thích với mục tiêu của chương trình là hướng đến chuẩn quốc tế.
 
- Cơ sở vật chất, kĩ thuật phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên mặc dù đã được trang bị đầy đủ hơn trước nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới về phương pháp giảng dạy và học tập (theo tín chỉ), đặc biệt là hệ thống thư viện, phòng tư liệu chuyên ngành, lớp học, phương tiện và kinh phí đi thực tập, thực tế.
 
- Yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và bối cảnh toàn cầu hoá đang đòi hỏi ngành và Khoa phải có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng quốc tế hoá: chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo và hệ thống quản lí đào tạo phải được kiểm định theo các chuẩn mực của khu vực và quốc tế; các sản phẩm nghiên cứu khoa học phải được công bố trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín của khu vực và quốc tế; Khoa phải có một đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ trình độ chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và đào tạo.
 
- Tuy nhiên, chủ thể tạo ra quá trình chuyển biến này là đội ngũ cán bộ, giảng viên lại đang đối diện với hàng loạt thách thức cần phải giải quyết, đó là: khối lượng và trách nhiệm công việc (giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lí) ngày càng lớn; yêu cầu nâng cao kiến thức, trình độ (về chuyên môn, ngoại ngữ, nghiệp vụ) ngày càng cao; nhu cầu giải quyết các vấn đề đời sống (cá nhân và gia đình) ngày càng tăng; v.v.
 
2.2 Những khó khăn và thách thức trên đây là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển, đặc biệt khi ngành và Khoa Ngôn ngữ học bước sang một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế. Để khắc phục những khó khăn, thách thức đó và tiếp tục phát triển, trong thời gian tới,  Khoa Ngôn ngữ học sẽ tập trung vào các giải pháp sau đây:
 
- Tiếp tục thực hiện việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy tất cả các chương trình đào tạo theo hướng quốc tế hoá. Trước mắt cần tập trung nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu của chương trình nhiệm vụ chiến lược, xây dựng và phát triển ngành Ngôn ngữ học đạt chuẩn quốc tế.
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ và giảng viên cả về số lượng và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm khoa học công bố quốc tế. Tăng cường ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào hoạt động đào tạo (biên soạn giáo trình, bài giảng) và phục vụ xã hội (cung cấp các dịch vụ đào tạo và khoa học theo nhu cầu của xã hội).
 
- Đổi mới công tác quản lí đào tạo và nghiên cứu khoa học theo hướng gắn công việc với trách nhiệm và quyền lợi; Tận dụng mọi nguồn lực hỗ trợ về chính sách, nhân lực, tài chính, công nghệ, kinh nghiệm trong nước và quốc tế…đảm bảo cho ngành và Khoa phát triển đúng định hướng.
 
- Duy trì quan hệ hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học với các đối tác truyền thống; tiếp tục tìm kiếm, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới, đặc biệt là các cơ sở đào tạo và nghiên cứu quốc tế có chất lượng cao. Tiếp tục gửi giảng viên đến giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu của nước ngoài theo yêu cầu của đối tác.
 
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đoàn kết, nhất trí, vững về chuyên môn, giỏi về ngoại ngữ, có bằng cấp và trình độ đạt chuẩn khu vực và quốc tế, có khả năng hợp tác quốc tế trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đa dạng hoá đội ngũ giảng viên của Khoa về nguồn đào tạo và nguồn tuyển dụng, kết hợp với việc mời các giảng viên nước ngoài kiêm nhiệm hoặc thỉnh giảng.
 
* *  *
 
55 năm là một chặng đường không dài đối với lịch sử, nhưng với ngành Ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, đó là một chặng đường khá dài, trải gần hết cuộc đời khoa học của ba thế hệ thầy và trò. Kế thừa truyền thống vẻ vang 55 năm, Khoa Ngôn ngữ học biết ơn sự phấn đấu hy sinh và cống hiến thầm lặng của nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên. Nhìn lại những thành tựu đã đạt được để tự hào, thấy những khó khăn và thách thức trước mắt để vươn lên, chúng tôi tin tưởng rằng ngành Ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội nói chung và Khoa Ngôn ngữ học nói riêng sẽ trưởng thành và ngày càng phát triển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1.     Đinh Văn Đức, Nửa thế kỉ, ngành Ngôn ngữ học Trường ta: Một vài kinh nghiệm từ hoạt động thực tế. Báo cáo HNKH Kỉ niệm 65 năm ngày Truyền thống của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2010.
2.     Đinh Văn Đức, Bốn mươi năm - một chặng đường đào tạo và phát triểnNgôn ngữ, số 3, 1996.
3.     Nguyễn Thiện Giáp, Lược sử Việt ngữ học, tập 1. Nxb Giáo dục, 2006.
4.     Trang web của Khoa Ngôn ngữ học: http://ngonnguhoc.org/    
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay1,323
  • Tháng hiện tại156,167
  • Tổng lượt truy cập1,743,765
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây