Nhiều thế hệ sinh viên khoa Ngôn ngữ học, trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội biết câu chuyện cảm động về thầy Nguyễn Xuân Lương - người có gần 80 tuổi đời với hơn 50 năm đứng trên bục giảng.
Thầy Nguyễn Xuân Lương - một người thầy đáng kính
(TuanVietNam) - Nhiều thế hệ sinh viên khoa Ngôn ngữ học, trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội biết câu chuyện cảm động về thầy Nguyễn Xuân Lương - người có gần 80 tuổi đời với hơn 50 năm đứng trên bục giảng.
Chặng đường dài chờ xe buýt
5h chiều, đường Nguyễn Trãi người đông như mắc cửi. Vào giờ tan tầm, người và xe cố chen nhau càng khiến giao thông thêm lộn xộn. Xe buýt trên tuyến này dù có bổ sung gấp đôi cũng không thể đáp ứng được nhu cầu.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Lương
|
Tại bến xe buýt đối diện cổng trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, người ta vẫn thường băt gặp hình ảnh ông cụ tóc bạc phơ, dáng đi tập tễnh ngày ngày cố chen chân lên xe buýt đông nghẹt người. Đó chính là nhà giáo Nguyễn Xuân Lương.
7h tối thầy vẫn chưa lên được xe. Cô sinh viên vẫn lặng lẽ đứng sau không biết có thể giúp gì. Mỗi khi xe tới mắt thầy nheo lại, cố nhìn qua hai mắt kính dầy cộp.
Nhiều lúc chuẩn bị bước lên xe, thầy mới chợt nhận ra không phải xe về nhà. Có lúc nhìn đúng xe số 60 thì cửa xe đã đóng, xe nhả khói, rú ầm rồi biến mất.
Bước chân chậm chạp của thầy không theo kịp tốc độ của cánh lái xe. Nhiều sinh viên nam chạy hùng hục nhiều khi vẫn lỡ. Vậy mà… thầy đã gần tám mươi.
Dáng thầy khấp khểnh vừa bước vừa gọi với theo khàn khàn “cho tôi lên với”. Cũng rất nhanh, giọng thầy lại chìm dần trong âm thanh hỗn tạp, ồn ào của giờ tan tầm trên đường Nguyễn Trãi.
Không lên được xe, thầy đưa bước chầm chậm quay về bến chờ xe buýt. Trong buổi chiều muộn, thầy cũng không nhớ được đã để lỡ bao nhiêu chuyến xe như thế. Hôm nay cũng giống như bao ngày thầy chờ xe buýt.
Trên forumngonguhoc.org, nhiều sinh viên ước “những chiếc xe buýt có mắt để nhìn thấy thầy thì nhất định phải dừng lại chờ thầy lên”. Một sinh viên có nick Minhminh đã tâm sự “ước gì thầy không bao giờ phải chờ xe quá mười phút".
Đó là tình cảm yêu quý, kính trọng mà những cô cậu sinh viên dành cho người thầy đáng kính của mình. Đoạn đường khoảng 2km từ trường về nhà đối với thầy sao dài thế. Sau hơn hai tiếng, khi bến xe bắt đầu vắng khách thầy mới chen chân lên được tuyến xe về nhà.
Vịnh về cuộc đời thầy, những thế hệ đi sau mới có câu thơ rằng:
Phơ phơ tóc bạc trên đầu
Mà sao vẫn cứ dãi dầu nắng mưa
Hết đi sớm lại về trưa
Một mình… lại tự đón đưa chính mình
Hàm chẳng có, đạo vẫn vinh
Đã là sen chẳng sợ tanh mùi bùn…
Hình ảnh một người thầy tận tụy với mái đầu trắng, tay cầm cặp đen, bước đi tập tễnh trong ánh chiều tà sẽ mãi là những gì những thế hệ sinh viên ghi nhớ mỗi khi nhắc về nhà giáo Nguyễn Xuân Lương.
Cả đời phụng sự
Thầy sinh ra trong một gia đình gia giáo, nề nấp ở Cẩm Khê (Hà Tĩnh). Dòng dõi là một gia tộc có uy tín trong làng, là một gương sáng về lối sống hòa thuận kính trên nhường dưới, được vua Bảo Đại tặng một bức “tứ đại đồng đường” đến nay nhiều người còn biết. Cụ Phan Bội Châu còn tặng gia đình nhà giáo Nguyễn Xuân Lương một câu đối nổi tiếng.
“Tứ đại đồng đường, hoan hỉ chúng sinh năng hữu kỷ
Hồng sơn dư vượng khí, ngũ châu tâm vận Á như Âu”
Thầy Lương vẫn đứng trên bục giảng khi đã ở tuổi xưa nay hiếm
|
Kế tục truyền thống gia đình, thầy bắt đầu dạy học từ năm 1948 và sau khi tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Hà Nội, thầy được giữ lại trường giảng dạy.
Đồng lương ít ỏi khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn nhưng thầy vẫn yêu nghề, yêu trường. Các khóa học gần đây vẫn truyền nhau câu chuyện cảm động về thầy.
Cách đây 5 năm, ở cái tuổi “xưa nay hiếm” thầy vẫn lặn lội dẫn sinh viên đi thực tập ở Lào Cai không may thầy gặp tai nạn. Đôi chân của thầy cũng vì thế mà kém linh hoạt hơn trước. Đã có lúc tưởng như không qua khỏi nhưng bằng tình thương học trò, thầy đã vượt lên để ngày ngày tới lớp.
Câu chuyện về những năm tháng công tác của thầy cũng khiến nhiều người nghe xong phải ngỡ ngàng xúc động. Đang giảng dạy ở bộ môn, thầy được rút lên làm công tác Đảng.
Thầy kể, trước đây thầy từng làm quyền Bí thư Đảng uỷ, có lúc lại từng làm Trưởng phòng tổ chức cán bộ của ĐH Tổng hợp Hà Nội. Trong những năm làm công tác quản lý, thầy có công thúc đẩy hợp tác với nhiều trường đại học trên thế giới và các trường khắp ba miền đất nước.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt (khoa Ngôn ngữ học - ĐHKHXH&NV) từng nhận xét: “Thầy Lương là một người thầy đáng kính, thầy tiêu biểu cho một lớp người dành cả đời phụng sự Đảng, phục vụ Tổ quốc”.
Khi cấp trên yêu cầu, thầy sẵn sàng gác mọi công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thầy sẵn sàng bỏ qua những cơ hội đi học tập ở nước ngoài để chuyên tâm cho công tác quản lý ở ĐH Tổng hợp theo đúng nghĩa.
Khi về già thầy vẫn luôn cố gắng cống hiến hết những gì có thể mà không mảnh may đòi hỏi quyền lợi cho mình. Có lẽ trong các thế hệ bậc thầy ở khoa Ngữ văn chỉ có thầy là người duy nhất cho tới khi về hưu không có bất kì một danh hiệu nào: không huân chương, huy chương, không học hàm, học vị, không Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.
Thầy vẫn chỉ là cử nhân theo đúng nghĩa trong khi bạn bè, các thế hệ học trò đều đã có hàm này chức kia, đều có những danh hiệu cho riêng mình.
Thầy hay kể chuyện về “cậu Thuyết” (GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, nhi đồng, Đại biểu Quốc hội) trước kia ở chính lớp thầy làm chủ nhiệm. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng chính là cậu lớp trưởng mà thầy rất ấn tượng qua bao năm làm công tác giảng dạy.
Tôi ngỡ ngàng vì thầy đã từng giữ các chức vụ quan trọng bậc nhất của trường đại học lớn nhất Việt Nam nhưng chưa một lần thầy tư lợi một chút cho riêng mình.
Tiếp chuyện với thầy, tôi cảm nhận được sự hiền hòa trong con người ông. Bởi vậy, suốt bấy nhiêu năm, dù không có danh hiệu cho riêng mình thầy vẫn vui lòng, không một lời đòi hỏi. Sự gản dị, chân chất là điều luôn được bộc lộ từ thầy và thầy luôn luôn gìn giữ.
Trong cuốn “Văn khoa chân dung ký”, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt đã từng tâm sự “Thương ông, mà lại chẳng có quyền nên chẳng có cách nào giúp ông được”.
Niềm vui của tuổi già
Nhiều người yêu quý thầy cũng ấm lòng khi biết thầy được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú trong dịp kỉ niệm 20/11 vừa qua (2008). Phần thưởng tuy nhỏ bé thôi nhưng là sự ghi nhận công lao tận tụy một đời của thầy.
Nhưng chắc chắn ràng niềm vui lớn nhất đời thầy là được thấy các con, các cháu giờ mỗi ngày một thêm khôn lớn, trưởng thành. Đó có lẽ cũng là phần thưởng lớn nhất cuộc đời này đã dành tặng thầy.
Vào các dịp lễ Tết, thầy lại nhận được rất nhiều thiệp chúc mừng của học trò từ các nước gửi về. Họ đều là những người nước ngoài được học thầy, được thầy truyền cho tình yêu Tiếng Việt và văn hóa Việt. Thầy kể có cậu học trò ở Nhật Bản vì quý mến thầy đã có lần sang tận Việt Nam cùng thầy đón Tết.
Nghe kể về cuộc đời thầy, nhiều sinh viên đã khóc. Chuyện về thầy được truyền đi ở trong trường và ra cả ngoài trường. Đến bây giờ, sinh viên của thầy, không ai bảo ai tình nguyện đưa thầy về mỗi buổi chiều khi thầy có giờ trên lớp.
Thầy tôi đã không còn phải chờ xe buýt.
Phạm Thịnh
(*) Bài trên Vietnamnet, ngonnguhoc. org đăng lại, có thay đổi tiêu đề.