NGND.GS.TS Đoàn Thiện Thuật: Một thầy giáo nghiêm túc, một nhà khoa học ...

Thứ tư - 12/03/2008 06:53

Sample ImageGiáo sư Đoàn Thiện Thuật sinh năm 1934 trong một gia đình trí thức nho học ở thôn Cự Lộc, xã Nhân Chính, nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ngay từ nhỏ việc học hành của ông đã được cha mẹ quan tâm săn sóc rất chu đáo.

 NGND, GS.TS ĐOÀN THIỆN THUẬT

                                            MỘT THẦY GIÁO NGHIÊM TÚC 
                               MỘT NHÀ KHOA HỌC PHỤC VỤ CUỘC SỐNG

Sample Image

Giáo sư Đoàn Thiện Thuật sinh năm 1934 trong một gia đình trí thức nho học ở thôn Cự Lộc, xã Nhân Chính, nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ngay từ nhỏ việc học hành của ông đã được cha mẹ quan tâm săn sóc rất chu đáo. Cha ông giỏi tiếng Pháp nhưng cũng rất am tường về Hán học, và hiểu biết sâu sắc về những nét đẹp của văn hóa truyền thống. Chính vốn tri thức quý báu đó đã được cha ông dày công truyền lại cho ông ngay từ khi còn nhỏ. Đó là những mẩu truyện Thủy Hử, Tam quốc, kể cho con nghe khi con bốn năm tuổi. Đó là những trang kinh thi, luận ngữ viết trong thư gửi cho con khi con đi  học xa nhà. Đó là cách cầm bút lông khi mới tập viết ban đầu. Chính những bài học đầu đời về Hán học đã tạo cho ông từ quan niệm sống đến cốt cách xử thế của con nhà thi lễ và đã giúp ông rất nhiều trên con đường dạy học sau này

           Đang học dở chương trình trung học, ông theo gia đình tản cư về Bắc Ninh, Bắc Giang. Ông tiếp tục việc học tại Trường Hàn Thuyên nổi tiếng. Khi bị bắt về tề (Hà Nội) và nhất là sau ngày giải phóng Thủ đô, chàng thanh niên Đoàn Thiện Thuật luôn là người dẫn đầu, giữ những vị trí chủ chốt trong các phong trào học sinh, sinh viên. Khi đang học đại học, ông đã là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam.

          Đam mê với những hoạt động phong trào nhưng không vì thế mà ông xao nhãng nhiệm vụ học tập. Dù học ở bậc trung học hay dự bị đại học và cũng như sau này khi đã trở thành sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bao giờ ông cũng là một tấm gương, tiêu biểu cả về ý thức và thành tích học tập. Cẩn thận, chỉn chu, nghiêm túc và sáng tạo, đó là những nét về phẩm chất mà bạn bè cùng khóa thường nhớ đến đầu tiên, mỗi khi kể về GS Đoàn Thiện Thuật.

          Vốn đã đậu tú tài Ban sinh ngữ, thông thạo hai thứ tiếng Anh và Pháp, lại tốt nghiệp đại học ngành Văn học (niên khóa 1956 - 1959), mong muốn được gắn bó với chuyên ngành Văn học, nhưng do sự phân công của tổ chức nên phải theo một chuyên ngành mới ra đời lúc đó là Ngôn ngữ học. Việc được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy là điều ông không lường trước, nó như cái duyên hạnh ngộ, như một sự sắp xếp đặt sẵn mà số phận đã "ban tặng" cho chàng cử nhân Hà thành giỏi giang. Tình yêu ông dành cho Ngôn ngữ học cứ lớn dần theo thời gian cùng với những thành tựu khoa học và giờ đây có thể khẳng định rằng khoa học ngôn ngữ đã trở thành một phần tất yếu không thể thiếu trong cuộc đời ông. Điều đó không chỉ được minh chứng bằng nụ cười hạnh phúc, tự hào khi ông tâm sự với mọi người về "tuổi nghề" 40 năm có lẻ của mình.

           Với thói quen được rèn rũa từ nhỏ, lại thêm nếp sống tất bật vừa làm công tác đòan thể, vừa giảng dạy, vừa tự học, ông đã vươn lên đạt được học vị tiến sĩ khá sớm so với bạn bè. Ở GS Đoàn Thiện Thuật đã hình thành một tác phong làm việc rất chuẩn mực, một phong cách giảng dạy độc đáo, nghiêm túc, cặn kẽ, chậm rãi, rành mạnh. "Cái gì nắm vững thì được diễn đạt sáng sủa", đó là một danh ngôn Pháp thường được ông nhắc đến khi nói về cách thức giảng bài của mình. Do đọc nhiều lại luôn chuẩn bị bài giảng kỹ trước khi lên lớp nên ông cũng đòi hỏi khá cao ở sinh viên khi làm bài tập hay thi cử. Nhưng không vì thế mà học trò xa lánh ông, đa số họ thường bảo rằng "Trên giảng đường thày Thuật nghiêm khắc bao nhiêu thì trong cuộc sống hàng ngày thày lại gần gũi, yêu thương bấy nhiêu, còn trong nghiên cứu khoa học, thày là một tấm gương sáng cho học trò noi theo".

            Ông thường nói: "Tự học là chính". Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên) ông đã giảng chuyên đề lý thuyết về âm vị học. Và cũng năm tháng ấy dưới ngọn đèn dầu ông đã viết bản thảo cuốn Ngữ âm tiếng Việt. Đó là một giáo trình dạy cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ, nên ông không bằng lòng với những sách lưu hành đương thời. Ông đã dốc toàn lực, đem tất cả những gì đã tích lũy được và đặc biệt là xem xét lại mọi vấn đề dưới ánh sáng mới của Đông phương học mà GS Nguyễn Tài Cẩn là người đã có công đem về sau những năm tiếp cận với ngôn ngữ học Xô Viết. Ông đã biết ranh giới của hình vị trùng với ranh giới âm tiết. Về mặt lý thuyết có thể nói trong tiếng Việt âm tiết trùng với âm vị, hoặc chi ít cũng chỉ nên nói đến Thanh mẫu và Vận mẫu như lý thuyết truyền thống Trung Hoa, nhưng trong thực tiễn chúng ta đang sử dụng chữ Quốc ngữ, việc dạy học ở nhà trường bắt buộc chúng ta không thể làm như vậy. Việc phân tích âm tiết thành những đơn vị nhỏ hơn là cần thiết, song việc phân định ra 3 thành tố trực tiếp của âm tiết là âm đầu, phần vần và thanh điệu vẫn thể hiện một quan điểm Đông phương rõ rệt. Chính cái mới của sách Ngữ âm tiếng Việt so với những sách vở trước nó là ở chỗ ấy. Nó cũng xuất phát từ đặc điểm của tiếng Việt, vốn là một ngôn ngữ không biến hình, mà khẳng định các phụ âm đầu và phụ âm cuối là những đơn vị riêng biệt nằm trong hai hệ thống âm vị riêng biệt, không chấp nhận khái niệm biến thể vị trí của cùng một âm vị, khi được phân bố ở đầu, khi ở cuối âm tiết. Điều đó cũng nói lên đặc thù của tiếng Việt. Cuốn sách này do đó đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá cao. Nó đã được tái bản nhiều lần và đang là cơ sở cho việc biên soạn sách dạy âm và chữ tại các trường học trong cả nước, ở bậc đại học cũng như bậc phổ thông.

            Là một nhà giáo đã đứng lâu năm ở giảng đường đại học, là một giáo sư có uy tín, ông hiểu rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu không phải để lấy thành tích hay danh vị mà quan trọng hơn cả là phải hướng dẫn đến mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, đào tạo. Ông tâm sự: "Phải gắn bó lâu năm, tôi mới nhận ra rằng Ngôn ngữ học là một ngành khoa học chứa đựng nhiều điều thú vị. Nó có những ứng dụng hiệu quả trong y tế, trong kỹ thuật, công nghệ, trong nghệ thuật biểu diễn (điện ảnh, sân khấu, thanh nhạc), nghệ thuật sáng tác (thi ca, tiểu thuyết). Tôi đã có những thể nghiệm, tôi yêu quý, trân trọng khoa học Ngôn ngữ và kiên quyết bác bỏ quan niệm cho rằng Ngôn ngữ học chỉ là một bộ phận trong nghiên cứu Văn học. Vì đề cao tính ứng dụng của các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ mà trong suốt mấy chục năm qua tôi đã lặn lộn với những đề tài phục vụ thực tế, phục vụ xã hội. Tôi cũng đã dùng những đề tài ấy để kết hợp nghiên cứu và đào tạo. Những công trình như "Xác định tiếng chuẩn của ngôn ngữ Tày Nùng" (1966 - 1970) hay "Ngôn ngữ trẻ em" (1971-1974) mà tôi đã bỏ công sức cùng với đồng nghiệp và học trò theo đuổi trong một thời gian dài là minh chứng cho quan điểm về nghiên cứu và đào tạo của tôi".

                               GS. Đoàn Thiện Thuật cùng với BS. Phạm Kim
                 và BS. Nguyễn Thị Liên trong Đề tài “ Nghiên cứu ngôn ngữ trẻ em”

           Khi trường sơ tán lên Thái Nguyên được chính quyền địa phương (khi đó là khu tự trị Việt Bắc) đang có một khó khăn trong trong việc lựa chọn tiếng chuẩn của ngôn ngữ Tày Nùng để dùng vào việc phát thanh, và một số chuyên gia trước đó đã giúp đỡ giải quyết nhưng không thành công. Cả tổ bộ môn ngôn ngữ học đã ra quân đợt đầu trong một tháng để thăm dò, sau đó quyết định đưa cả sinh viên đi vào nghiên cứu. Một hai thày giáo đưa một số sinh viên năm thứ tư tách khỏi trường đến các vùng có người Tày Nùng, ăn ở trong nhà dân, để học tiếng, đồng thời hàng ngày vẫn lên lớp học chuyên đề. Hình thức "học tập tại thực địa" đó lần lượt được thực hiện mỗi năm ở một tỉnh, từ Lạng Sơn đến Cao Bằng rồi Bắc Cạn. Trong khi đó cứ mỗi đợt thực tập hàng năm của các lớp dưới, sinh viên lại đi thu thập tư liệu tiếng Tày Nùng ở các tỉnh khác như Hà Giang, Tuyên Quang. Tóm lại cả thày lần trò đều đã làm việc cùng nhau. Tư liệu thu được hết sức phong phú, được chuyển cho sinh viên năm cuối để làm "luận văn tốt nghiệp" GS Đoàn Thiện Thuật đã đích thân quản lý các đợt "học tập tại thực địa" đó, đồng thời hướng dẫn tất cả các sinh viên năm thứ tư bảo vệ một luận văn tập thể, một tập bản đồ ngôn ngữ học (trong đó có nhiều phần, mỗi sinh viên chịu trách nhiệm một phần). Ông đã sử dụng phương pháp vẽ bản đồ của Ngôn ngữ học địa lý để tìm ra vùng quy tụ của những tiếng địa phương tương đồng về mặt ngữ âm, từ vựng.

           Tất cả sinh viên tốt nghiệp khóa tiếp theo cũng cùng tham gia một công trình chung - một "luận văn tốt nghiệp" tập thể - dưới sự hướng dẫn của ông. Lần này phương pháp nghiên cứu định lượng (tức thống kê ngôn ngữ học) được áp dụng để tìm ra một cách chính xác những nét phổ biến về ngữ âm, từ vựng trong những tiếng địa phương đã được xác định trong công trình trước (Mỗi sinh viên phụ trách về một bộ phận, ví dụ về phụ âm đầu, về nguyên âm, về thanh điệu…). Những số liệu thống kê đã chỉ ra được tiếng nói của một vùng mang "tính phổ biến" nhất (tức bao gồm được nhiều nhất những nét chung của các tiếng địa phương).

            Kết quả thu lượm được từ các công trình trên được trình bày tại nhiều hội nghị tri thức dân tộc và đã được thừa nhận là xác đáng. Tiếng nói của khu vực tìm được đem sử dụng để phát thanh. Đồng bào Tày Nùng trên hầu hết địa bàn Việt Bắc đều dễ hiểu và chấp nhận.

           Cách xác định tiếng chuẩn ở đây không theo sách vở truyền thống, tức là chọn tiếng nói của vùng nào có trình độ kinh tế, chính trị, văn hóa phát triển cao hơn làm tiếng chuẩn. Cách làm đó căn cứ vào những yếu tố bên ngoài ngôn ngữ, mà thực tế địa phương khu Việt Bắc cho thấy không có vùng nào trội hẳn về các mặt trên và nếu có thì lại là vùng có đa số người kinh cư trú. Cách làm của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà GS. Đoàn Thiện Thuật thực hiện là căn cứ vào những nét tương đồng của các tiếng địa phương, tức là dựa vào những yếu tố bên trong ngôn ngữ, vào bản thân ngôn ngữ. Cách làm này phù hợp với những "khu vực đang phát triển". Đây là một đóng góp về mặt phương pháp mang tính đại cương trong ngôn ngữ học.

           Hai tập bản đồ ngôn ngữ về các tiếng địa phương Tày Nùng là hai tập Atlas đầu tiên được thực hiện trong giới ngôn ngữ học ở nước ta.

          Mặt khác việc thực hiện đề tài này còn có một ý nghĩa to lớn xét về phương thức đào tạo. Đưa sinh viên đi "học tập tại thực địa", việc lấy yêu cầu của xã hội làm đề tài nghiên cứu và thi cử có thể coi là một mô hình đẹp đẽ của sự kết hợp giữa nhà trường và xã hội, giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa lý luận và thực tiễn. Đây là một chủ trương sáng tạo của Tổ bộ môn, của ngành Ngôn ngữ học khi mới ra đời, mà GS Đoàn Thiện Thuật là người tích cực thực hiện.

          Đề tài Nghiên cứu ngôn ngữ trẻ em được thực hiện trong ba năm tiếp theo cũng thể hiện mô hình đào tạo ấy. Đứng trước yêu cầu của thực tế nước ta là xây dựng những mức chuẩn (norme) của Việt Nam trong quá trình phát triển của trẻ  từ 0 đến 3 tuổi về sinh lý, tâm lý, trong đó có ngôn ngữ. Ngành ngôn ngữ học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trong những năm 1971 - 74 đã động viên cả thày lẫn trò vào việc điều tra thực tế. Các đợt thực tập hàng năm, một bộ phận lớn "luận văn" tốt nghiệp được tập trung vào đề tài này. GS Đoàn Thiện Thuật lại đóng vai trò "tổng chỉ huy". Ông đã bàn bạc phân công với các đồng nghiệp, trực tiếp hướng dẫn sinh viên đến các nhà trẻ trong thành phố, ở nông thôn, ở các tỉnh, từ Hưng Yên đến Quảng Ninh. Mỗi "luận văn" miêu tả tình hình ngôn ngữ của trẻ ở một lứa tuổi khác nhau, về các mặt khác nhau (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) về một vùng miền khác nhau.

          Không phải ngẫu nhiên trong những năm 70 của thế kỷ trước, vị thế của Ngành ngôn ngữ Đại học Tổng hợp Hà Nội được đánh giá cao và trong sự nghiệp nghiên cứu của Tổ Bộ môn Ngôn ngữ học trường này cho đến ngày nay những cán bộ lâu năm của trường vẫn hay nhắc đến để tài "Xác định tiếng chuẩn của ngôn ngữ Tày Nùng". Nhà trường đã lựa chọn đề tài này để tham gia vào cuộc Triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân tại Giảng Võ trong thời kỳ đó.

          GS Đoàn Thiện Thuật đã đóng góp tích cực trong việc thực hiện chủ trương trên. Có thể nói ông là một thày giáo lăn lộn với cuộc sống. Trước 1975 từ địa đầu của đất nước đến bờ sông Bến Hải không đâu là không có dấu chân ông. Sau ngày thống nhất đất nước ông lại nhận nhiệm vụ làm trưởng đoàn khảo sát liên bộ (gồm đại diện của Bộ Đại học, Bộ giáo dục, Bộ Văn hóa và hai cơ quan ngang Bộ là Ban Dân tộc Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương) do Chính phủ thành lập để điều tra yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Nam muốn học tiếng và học chữ dân tộc, nhằm làm chính sách ngôn ngữ đệ trình Quốc hội. Thế là một lần nữa ông lại lên đường đi suốt từ Mũi Cà Mau đến sông Bến Hải, trong một khoảng thời gian khá dài. Ông cũng có dịp được biết sớm nhất bức tranh toàn cảnh của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở miền Nam Trung bộ và Nam bộ. Ông tuy viết không nhiều nhưng có nhiều tư liệu và hiểu biết khá rộng, song điều quan trọng hơn là ông đã đào tạo được một thế hệ sinh viên giỏi thực hành. Chính họ hiện nay đang phát huy được thế mạnh của mình ở các cương vị chủ chốt ở các trường Đại học, các Viện.

           Ông có ý thức kèm cặp cho các học trò của mình. Trong chuyên môn hẹp của ông ít ra cũng có được những cán bộ kế cận giảng dạy giỏi về ngữ âm học ở hai khoa trong trường. Khi thành lập Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam (sau trở thành Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa và nay là Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển), ông đã tập hợp và rèn cập được trên 10 cán bộ, có năng lực giảng dạy và nghiên cứu với chất lượng cao. Tất cả đều đã tham gia viết sách, một số đã bảo vệ thạc sĩ, tiến sĩ xuất sắc. Ở GS Đoàn Thiện Thuật có hai con người, một thày giáo và một nhà nghiên cứu. Hai con người đó luôn gắn chặt với nhau song không vì thế mà bị hạn chế về mặt nào. Khi cùng với GS Phan Huy Lê thành lập và tham gia quản lý Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam, trực thuộc trường Đại học, tức độc lập với các khoa (1989 - 2004) ông vẫn là có nhiều bài, nhiều báo cáo khoa học công bố ở trong và ngoài nước. Ông viết về việc dạy học ở trường phổ thông hoặc về tiếng Hội An, về ngôn ngữ San chí, (2 báo cáo tại 2 hội thảo quốc tế), viết về tập Atlas ngôn ngữ - dân tộc học của trường Cao học Khoa học Xã hội Pháp (bài viết bằng tiếng Pháp đăng tải trên Tạp chí chuyên ngành Lingua - ở Hà Lan), hoặc tập chuyên khảo "Tiếng Tày Nùng ở miền bắc Việt Nam" (viết bằng tiếng Anh do Viện Á Phi - Đại học Ngoại ngữ Tokyo - xuất bản).

           Đó là chưa kể đến cuốn sách cực kỳ quý giá đối với học thuật nước nhà, mà ông đã hoàn thành trước lúc nghỉ hưu, cuốn "Chữ Quốc ngữ thế kỷ XVIII". Đây là tập tư liệu công bố dưới dạng ảnh, kèm theo chú thích và khai thác về các mặt Văn tự, Ngữ âm, Ngữ pháp, Từ vựng và Phong cách học. Tập tư liệu này gồm những bức thư viết tay của các giáo dân gửi cho bề trên, cả người Pháp lẫn người Việt và ngược lại. Các thư này được lưu trữ tại Hội truyền giáo nước ngoài tại Paris. GS Thuật đã xin phép tự chụp ảnh các thư ấy và mang về. Trong nghiên cứu lịch sử chữ quốc ngữ từ trước tới nay nhiều người đều biết đến các tư liệu thế kỷ XVII và XIX, còn khoảng giữa đó chưa được biết đến. GS Thuật đã sưu tầm được các tư liệu đủ lấp được khoảng trống đó. Những tư liệu này từ trước đến nay chưa có ở nước ta. Mỗi bức thư đều có đề ngày tháng và là của một cá nhân. Tập thư liệu này cho biết một cách chính xác về tình hình chung của cả một thời kỳ. Người nghiên cứu do vậy tránh được ngộ nhận nếu như chỉ tiếp xúc với một tác phẩm của một cá nhân nào đó. Cuốn sách không chỉ cần thiết cho việc nghiên cứu lịch đại đối với chữ viết mà đối với ngôn ngữ nói chung. Nó hữu ích với những nhà nghiên cứu tôn giáo, lịch sử, xã hội học… Đây là một đóng góp đáng trân trọng cho học thuật nước nhà.

           Tóm lại ông luôn luôn cố gắng trên cả hai mặt, giảng dạy và nghiên cứu, nhưng nói đến GS Đoàn Thiện Thuật nhiều người đều nghĩ đến một thầy giáo tận tụy với nghề. Suốt 45 năm giảng dạy chưa buổi nào ông lên lớp vội vàng qua loa. Những năm mới vào nghề ông thường thức trắng đêm để soạn bài giảng, để tra từ điển, cẩn trọng đến từng chữ. Học trò của ông có lẽ tới cả trăm đã thành danh. Ai cũng nhắc đến thày Thuật với một tấm lòng yêu mến, cảm phục. Mặc dù ngữ âm học là một môn học khô khan, khó hiểu, nhưng giờ giảng của GS Đoàn Thiện Thuật vẫn nhẹ nhàng, hấp dẫn. Ông có một phương pháp dạy hay, thiết thực, chú ý đến thực hành. Ông luôn khơi gợi cho học sinh trò những vấn đề còn bỏ ngỏ, khuyến khích ở họ lòng ham thích tìm hiểu và nghiên cứu. Vốn kiến thức sâu rộng, chắc chắn về chuyên môn cùng với những sự kiện bên ngòai cuộc sống mà ông tích cóp, liên hệ và giải thích cặn kẽ làm cho bài giảng của ông sinh động, phong phú, dễ hiểu.

            45 năm qua những người được nghe ông giảng, trong số đó có nhiều người giờ đây đã trở thành những nhà khoa học có uy tín, những nhà quản lý, nhà lãnh đạo ở các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, các cơ quan từ trung ương đến địa phương, đều gắn bó, gần gũi với ông. Đã có một thời trai trẻ từng hoạt động trong phong trào sinh viên nên ông hiểu họ, yêu mến họ, cởi mở và chân thành với những gì và họ cần ông chia sẻ.

           Tình cảm quý mến và kính trọng của các thế hệ sinh viên là phần thưởng quý giá đối với ông. Nhà nước cũng biết đến công lao đóng góp của ông, đã phong tặng ông danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba và nhiều huy chương khác.

           Tuy đã nghỉ hưu theo chế độ nhưng lúc này ông đã và đang viết ra những điều tâm đắc của ông trong các bài giảng, các chuyên đề ông đã dạy trước đây mà bấy lâu ông không thể trình bày hết được, hoặc viết ra, do khuôn khổ thời gian quy định của môn học.


                                    Theo Minh Trường (trong mục Chân dung nhà giáo)
                                           Tạp chí Đại học Quốc gia Hà Nội số 189

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây