Nguyễn Văn Tu- người đầu tiên xây dựng môn Từ vựng học tiếng Việt

Thứ bảy - 03/05/2008 06:34
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ làm cho lớp thanh niên học sinh, sinh viên và công chức trẻ hồ hởi, đi vào công tác cách mạng đầy nhiệt huyết. Nguyễn Văn Tu cũng ở trong lớp thanh niên đó. Trước cách mạng, Nguyễn Văn Tu làm ở Sở học chính Đông Dương, đã tham gia tích cực công tác vận động cách mạng. Khi cách mạng thành công, ông được chuyển sang làm công tác ở Văn phòng Bộ Giáo dục Quốc gia

            Nguyễn Văn Tu – Người đầu tiên xây dựng môn
                            Từ vựng học tiếng Việt


                                                                                                 Nguyễn Thiện Giáp



       Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ làm cho lớp thanh niên học sinh, sinh viên và công chức trẻ hồ hởi, đi vào công tác cách mạng đầy nhiệt huyết. Nguyễn Văn Tu cũng ở trong lớp thanh niên đó. Trước cách mạng, Nguyễn Văn Tu làm ở Sở học chính Đông Dương, đã tham gia tích cực công tác vận động cách mạng. Khi cách mạng thành công, ông được chuyển sang làm công tác ở Văn phòng Bộ Giáo dục Quốc gia. Cuối năm 1946 ông cùng một số bạn được cử sang phục vụ ở Ban thường trực Quốc hội giúp việc Ban thư kí kì họp lúc đó. Sau ngày 19/12/1946 vì không có điều kiện đi theo Bộ Giáo dục, Nguyễn Văn Tu về quê tham gia các công việc tuyên truyền kháng chiến ở một khu gồm nhiều xã ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam mà người phụ trách tuyên truyền ở huyện là ông Đào Văn Tập vốn là cố Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội của nước ta. Năm 1948, ông được cử làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến xã Lam Kiều, Thượng Hí, Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Năm 1950, ông được cử sang ngành giáo dục và khi địch đến chiếm đóng huyện Duy Tiên thì ông được cử vào Thanh Hoá, dạy ở trường PTTH Nguyễn Biểu về khoa học xã hội.

     Đến cuối năm 1951, Nguyễn Văn Tu được cử đưa một số bạn học sinh sang khu học xá Nam Ninh, rồi dạy trường Sư phạm sơ cấp ở đó.


      Có thể nói, sự nghiệp ngôn ngữ học của Nguyễn Văn Tu bắt đầu khi ông được cử đi Đại học Bắc Kinh dạy tiếng Việt cho sinh viên Trung Quốc năm 1953.

     Làm việc ở Khoa Đông phương học Đại học Bắc Kinh, Nguyễn Văn Tu dần dần nhận ra mình đã dấn thân vào một ngành khoa học về tiếng Việt. Muốn dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, phải có kiến thức về tiếng Việt: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp v.v... Hơn nữa, chọn những bài đọc (văn bản) đủ tư cách để cho sinh viên học cũng không phải dễ. Ông thấy dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hay người Việt là một môn Khoa học nên phải học lí luận ngôn ngữ học và nghiên cứu tiếng Việt dưới ánh sáng của ngôn ngữ học kết hợp với thực tiễn của tiếng mẹ đẻ. Thế là một quá trình tự học đầy gian khó đã mở ra. Ngoài giờ giảng dạy, Nguyễn Văn Tu đã đi nghe giáo trình Dẫn luận ngôn ngữ học của GS. Cao Danh Khải ở lớp Văn học và Báo chí của Trường Đại học Bắc Kinh. Mặc khác, vì thiếu những sách ngôn ngữ học của Pháp, Anh, Mĩ v.v... Nguyễn Văn Tu đã cố học thêm tiếng Nga để có thể đọc được các giáo trình ngôn ngữ học của Liên Xô.

        Kết quả học tập ấy thể hiện ngay trong việc giảng dạy và nghiên cứu của ông. Dạy tiếng Việt cho sinh viên Trung Quốc, ông đã vận dụng những kinh nghiệm học được từ những sách giáo khoa dạy tiếng Nga cho người nước ngoài. Ông đã tự viết những bài đọc có những từ ngữ, những vấn đề ngữ pháp, những âm cần thiết cho việc giảng dạy và học tập theo trình tự của một chương trình nhất định được vạch ra. Muốn chóng đọc được sách bằng tiếng Nga, ông chọn một bài báo về "Vấn đề từ trong tiếng Anh" của Smirniski viết bằng tiếng Nga với một bản dịch của bài đó sang tiếng Hán. Nguyễn Văn Tu bắt đầu vừa học vừa tập dịch đồng thời phải vận dụng ngay những kiến thức về từ này mà viết một bài báo về vấn đề từ của tiếng Việt. Công việc này đem lại hai kết quả một lúc.

1.
Học được tiếng Nga để dần dần đọc sách chuyên môn ngôn ngữ học

2. Hoàn thành một bài báo về từ tiếng Việt có thể đăng báo được

         Bài "Vấn đề từ và ngữ ngôn" của Nguyễn Văn Tu được GS. Trần Huy Liệu thẩm dịch và đăng ở tạp chí Nghiên cứu Văn Sử Địa, số 30 năm 1957 là bài báo khoa học đầu tiên của Nguyễn Văn Tu, và chính nó đã giúp ông phấn khởi, tự tin để bước vào ngôn ngữ học

        Tháng 6/1957 Nguyễn Văn Tu về nước, công tác ở tổ Ngôn ngữ học, Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tổ ngôn ngữ học lúc đó gồm có các ông Phan Ngọc, Lưu Vân Lăng, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Phan Cảnh, Nguyễn Kim Thản và Nguyễn Văn Tu, do ông Nguyễn Kim Thản làm tổ trưởng. Đây chính là những người đầu tiên gây dựng ngành ngôn ngữ học ở các trường đại học Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tu được phân công nghiên cứu và dạy từ vựng học cơ bản, vừa dạy vừa nghiên cứu từ vựng học tiếng Việt. Có thể nói ông là người đầu tiên xây dựng môn từ vựng học tiếng Việt. Bước đầu này quả có nhiều khó khăn. Tuần nào cũng phải một bài giảng, vừa nghiên cứu xong tư liệu vừa viết bài giảng, in rônêô cho sinh viên. Thật là một công việc mày mò đòi hỏi sự cố gắng hết sức. Vừa phải đọc lí luận, học kinh nghiệm của các sách từ vựng học tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, vừa vận dụng vào tiếng Việt. Sau này, nghĩ lại công việc của mình đã làm, ông cũng phải rùng mình và tự hỏi là người tự học, tự nghiên cứu lại có thể làm được như thế?

PGS Nguyễn Văn Tu và các đồng nghiệp trong Tổ Ngôn ngữ học. Từ trái qua phải là:
GS.TS Hoàng Trọng Phiến, GS.TS Nguyễn Đức Dân, GS.TS Nguyễn Thiện Giáp,
GS.TS Bùi Thanh Quất, GS.TS Lại Văn Toàn, GS.TS Nguyễn Hàm Dương,
PGS. Nguyễn Văn Tu, GS.TS Nguyễn Tài Cẩn, GS.TS Đoàn Thiện Thuật,
GS. TS Bùi Khánh Thế, GS.TS Hoàng Thị Châu

         Năm tháng trôi đi, các thế hệ sinh viên không bao giờ quên cuốn sách giáo khoa đại học đầu tiên ở Việt nam về ngôn ngữ học là cuốn "Khái luận ngôn ngữ học" do Nguyễn Văn Tu, Lưu Vân Lăng và Nguyễn Kim Thản biên soạn, Nxb Giáo dục xuất bản năm 1961. Trong cuốn sách này, các chương 1, 2, 3 nói về vấn đề chung của Ngôn ngữ học (bản chất, nguồn gốc và sự phát triển của ngôn ngữ) do Lưu Vân Lăng viết. Các chương 4, 5, 6 do Nguyễn Kim Thản viết về ngữ âm học, phân loại ngôn ngữ, văn tự. Nguyễn Văn Tu được phân công viết ba chương 9, 10, 11 về từ vị học, ngữ pháp học và tu từ học.

Cuốn "Từ vựng học tiếng Việt hiện đại" do Nguyễn Văn Tu biện soạn và được Nxb ĐH&TCHCN xuất bản năm 1968 cũng là cuốn sách giáo khoa về từ vựng học tiếng Việt đầu tiên ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đến năm 1976, cuốn "Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại" ra đời và tái bản năm 1978, đánh dấu một bước tiến mới trong công tác khoa học của ông. Trong hai giáo trình này, Nguyễn Văn Tu đã đề cập đến những vấn đề có tính thời sự trong từ vựng học như: bản chất của từ về mặt cấu tạo và ý nghĩa, tính hệ thống của vốn từ,... Khi xem xét từ và vốn từ tiếng Việt, ông không chỉ dừng lại ở việc miêu tả trạng thái đồng đại, mà còn chú ý đến quá trình lịch sử, không chỉ chú trọng "khía cạnh ngôn ngữ", mà còn quan tâm đến những "yếu tố xã hội", không chỉ chú trọng đến những vấn đề có tính chất chung, tính chất lí luận" mà còn bám sát những nhiệm vụ thực tiễn đang được đặt ra đối với tiếng Việt. Tờ Le Courrier du Vietnam đã giới thiệu và nhận xét về cuốn Từ và vốn từ tiếng Việt của Nguyễn Văn Tu như sau: "Sous directeur de la section des langues de l’université de Hanoi, l’auteur a fait une analyse approfondie de la langue Vietnamienne quant à la structure des mots et à leur affinité à le structure et au contenu de son vocabulaire de base" (Là Phó chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, tác giả đã phân tích sâu sắc tiếng Việt về cấu trúc từ vựng và quan hệ lẫn nhau giữa các từ, về cấu trúc và nội dung của vốn từ vựng cơ bản).

        GS. Nguyễn Đình Hoà dạy ở Đại học Illinoi (Mĩ) đã điểm cuốn sách này trên tạp chí Language (vol.55, No.4, 1979) của Hội Ngôn ngữ học Mĩ. Trong phần kết luận, ông đã có nhận xét tổng quát: "Cuốn sách nhỏ này có ích cho sinh viên Việt Nam, hi vọng rằng với sự phong phú của tài liệu mà cuốn sách có được và sự sáng tạo của tác giả, một nhà từ vựng học có kinh nghiệm sẽ có được một cuốn sách có tổ chức, có chọn lọc và sửa bản in tốt hơn trong lần tái bản sau".

         Ngay khi dạy tiếng Việt ở Đại học Bắc Kinh, Nguyễn Văn Tu đã quan tâm tới việc giảng các nhóm từ đồng nghĩa cho sinh viên Trung Quốc. Ông nhận thấy muốn giảng dạy tốt các sắc thái ngữ nghĩa của các từ đồng nghĩa tiếng Việt, cần phải tập hợp các nhóm từ đồng nghĩa và giải nghĩa chúng cho rõ ràng, tiến tới biên soạn một cuốn từ điển đồng nghĩa. Suốt năm 1955–1956, Nguyễn Văn Tu đã soạn được nhiều nhóm từ đồng nghĩa tiếng Việt, công việc này được ông kiên trì theo đuổi khi về nước công tác. Đầu năm 1982, ông đã hoàn thành công trình "Những nhóm từ đồng nghĩa tiếng Việt" trên 500 trang. Công trình này đã được Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp ấn hành năm 1982 ở Hà Nội. Ngay lập tức, cuốn sách được dư luận hoan nghênh và năm 1985 tác giả đã tu chỉnh thêm và tái bản với nhan đề "Từ điển đồng nghĩa tiếng Việt". Dư luận báo chí thời đó đánh giá "đây là một cuốn sách không thể không có trong tủ sách gia đình vì lần đầu tiên ta có một cuốn Từ điển đồng nghĩa" (Báo Đoàn kết, số tháng 4 năm 1987).

         Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là lãnh tự vĩ đại của nhân dân Việt Nam mà còn là một danh nhân văn hoá thế giới. Từ khi người còn sống đến khi người qua đời, đã có biết bao công trình nghiên cứu của các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, các nhà hoạt động chính trị và văn hoá có uy tín trong và ngoài nước về các giá trị tư tưởng, giá trị giáo dục, giá trị nghệ thuật trong các tác phẩm của Người. Trong dàn hợp xướng đa dạng đó, ngay từ năm 1981, Nguyễn Văn Tu đã có một chuyên luận về Hồ Chủ tịch. Đó là cuốn "Một số vấn đề về ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh" do Đại học Tổng hợp Hà Nội xuất bản. Tư tưởng khoa học của ông trong chuyên luận này còn được trích đăng trong các những công trình có tính tuyển tập về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: "Học tập phong cách ngôn nx gữ Chủ tịch Hồ Chí Minh" (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1980), "Hồ Chí Minh: tác gia, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ" (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003).

         
  PGS. Nguyễn Văn Tu và TS.Trần Trí Dõi đi điền dã với GS. Haudricourt tại Pháp



          Đáng chú ý, Nguyễn Văn Tu đã nghiên cứu kĩ cách chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng từ vựng để đả kích kẻ thù như: khai thác triệt để vốn đại từ chỉ người trong tiếng Việt; cách chơi chữ trong phiên âm; cách rút gọn từ làm phương tiện châm biếm; cách dùng từ có nghĩa tốt với ý trái ngược; cách dùng từ nghĩa xấu để trực tiếp đả kích kẻ địch; cách dùng tiếng Pháp, tiếng Anh xen với tiếng Việt; cách lảy Kiều để đả kích kẻ thù; cách dùng từ chỉ động vật để chỉ người, gây sắc thái đả kích v.v...

         Ngoài những sách viết riêng, Nguyễn Văn Tu còn hợp tác tốt với đồng nghiệp để biên soạn những công trình tập thể. Cuốn "Tiếng Việt trên đường phát triển" (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1982) ông viết chung với Nguyễn Kim Thản và Nguyễn Trọng Báu; cuốn "Từ điển Pháp – Việt – Anh theo chuyên đề" (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997), ông viết chung với Nguyễn Kim Thản.

         Một mảng đề tài khác cũng được Nguyễn Văn Tu dành nhiều tâm huyết, đó là vấn đề giảng dạy tiếng Việt cho học sinh phổ thông. Ông đã trực tiếp viết sách giáo khoa Tiếng Việt, lớp 6, tập 1 và 2 (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1986) và nhiều bài trao đổi, thảo luận về vấn đề này, chẳng hạn, bài "Việc dạy tiếng Việt cho người người Việt" (báo cáo tại hội nghị quốc tế về Việt Nam học, tháng 7, 1997), "Nên quan niệm môn ngữ văn ở cấp 2 trường phổ thông như thế nào?" (Ngôn ngữ và Đời sống, số 4, 1996), "Cần cung cấp cho học sinh Tiểu học những kiến thức thật cơ bản về môn tiếng Việt" (Nghiên cứu giáo dục, số 4, 1997), v.v... Những năm cuối đời, ông đi vào những vấn đề rất thiết thực cụ thể như: "Ông kèm cháu học ở nhà" (lớp 1 và 2) (Ngôn ngữ và Đời sống, số 2/1997; "Ông kèm cháu ở nhà" (lớp 3) (Ngôn ngữ và Đời sống, số 3/1997).

        Những bài báo khoa học khác của Nguyễn Văn Tu đều xoay quanh chủ đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

        Nguyễn Văn Tu sinh năm 1919 tại xã Tân Tiến, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Kể từ năm 1945 đến lúc về hưu năm 1988, ông đã tham gia công tác trên 43 năm, chủ yếu ở ngành giáo dục, trong đó 35 năm ở ngành đại học: 4 năm ở Trường Đại học Bắc Kinh, 31 năm ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong đó có hai năm (1984–1986) là giáo viên thỉnh giảng ở Đại học Paris VII, nước Cộng hoà Pháp.

        Trong quá trình công tác ở ngành đại học, Nguyễn Văn Tu đã nỗ lực tự học, tự nghiên cứu và đã đạt được những thành tựu xứng đáng. Ông đã để lại dấu ấn sâu đậm về một người thầy hết lòng vì sinh viên, hết lòng vì công việc, mộc mạc, chân tình cùng mọi người. Ông được phong Phó giáo sư từ năm 1980, năm 1994 được phong Nhà giáo Ưu tú. Nhà nước Trung Quốc đã tặng ông Huy chương hữu nghị; Nhà nước Việt Nam đã tặng ông Huân chương chống Pháp hạng ba, Huân chương chống Mĩ hạng nhất và Huy chương vì sự nghiệp giáo dục.


                                                                                 Nguồn: 100years.vnu.edu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây