Năm 2009, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ấn hành giáo trình “Dẫn luận ngôn ngữ học” của các tác giả Vũ Đức Nghiệu và Nguyễn Văn Hiệp, góp thêm một đầu sách nữa vào loạt giáo trình dẫn luận ngôn ngữ học được xuất bản ở nước ta từ những năm 1960 đến nay, đặc biệt là những năm gần đây, tuy tên gọi ít nhiều có khác nhau như: “Dẫn luận ngôn ngữ học” hay “Nhập môn ngôn ngữ học” hoặc “Cơ sở ngôn ngữ học”.
Đọc sách "Dẫn luận ngôn ngữ học"
Năm 2009, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ấn hành giáo trình “Dẫn luận ngôn ngữ học” của các tác giả Vũ Đức Nghiệu và Nguyễn Văn Hiệp, góp thêm một đầu sách nữa vào loạt giáo trình dẫn luận ngôn ngữ học được xuất bản ở nước ta từ những năm 1960 đến nay, đặc biệt là những năm gần đây, tuy tên gọi ít nhiều có khác nhau như: “Dẫn luận ngôn ngữ học” hay “Nhập môn ngôn ngữ học” hoặc “Cơ sở ngôn ngữ học”.
Giáo trình gồm 18 chương (PGS.TS Vũ Đức Nghiệu chủ biên và viết 14 chương, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp viết 4 chương), được biên soạn theo chương trình đã được Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt. Do thấy rõ “trong những năm gần đây, có khá nhiều vấn đề về lí luận ngôn ngữ học và lĩnh vực, bộ phận của ngôn ngữ đã được khai mở, nghiên cứu, cần được cập nhật, bổ sung”, nên mặc dù là giáo trình dành cho sinh viên năm đầu, các tác giả vẫn cố gắng lựa chọn những nội dung cập nhật để trình bày. Các chương 1, 2, 3, 4 trình bày những nội dung về bản thể ngôn ngữ như: bản chất của ngôn ngữ, hệ thống và cấu trúc của ngôn ngữ, nguồn gốc và diễn tiến của ngôn ngữ, bức tranh khái quát về các ngôn ngữ trên thế giới; các chương 5, 6, 7, 8 trình bày những nội dung về ngữ âm, âm vị học và chữ viết; các chương 9, 10, 11, 12, 13, 14 dành cho những nội dung về ngữ pháp và cấu tạo từ; hai chương 15, 16 trình bày những nội dung về ngữ nghĩa, nghĩa của từ và nghĩa của câu; hai chương 17 và 18 trình bày một số nội dung về ngữ dụng học như: quy chiếu, hành động ngôn từ, hội thoại, nghĩa hàm ẩn.
Giáo trình được thể hiện bằng một lối viết rất giản dị, thận trọng và kĩ lưỡng, mạch lạc và tường minh.
Điều đầu tiên có thể nhận thấy là giáo trình đưa đến cho người đọc một cảm giác khá thoải mái, dễ chịu, vì:
a. Với tính chất là một tài liệu giáo khoa dẫn nhập, các tác giả của giáo trình đã có ý thức tránh sự ôm đồm bởi những tranh biện phức tạp chưa cần thiết đối với sinh viên đang bắt đầu làm quen với môn học, mà chỉ trình bày, cung cấp những vấn đề thuộc kiến thức cơ bản, sao cho có thể giúp sinh viên thấy được những điểm chính trong quan niệm cũng như phương pháp được đề cập trong môn học của mình. (Việc giới thiệu, so sánh, mở rộng sang những cách tiếp cận khác, hoặc gia giảm về nội dung, sẽ tuỳ theo điều kiện và sự lựa chọn của giảng viên và sinh viên). Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là giáo trình đã “gọt chân cho vừa giầy”, cắt xén bỏ bớt các nội dung. Ngược lại, bên cạnh các nội dung về ngữ nghĩa học, ngữ dụng học được xem như mới bổ sung để giáo trình mang tính cập nhật hơn, những vấn đề “cổ điển” về hệ thống, cấu trúc và về các đơn vị của ngôn ngữ, về cấu tạo từ... cũng vẫn được minh định nhưng với một cách chặt chẽ hơn để người đọc dễ hình dung hơn.
b. Giáo trình được thể hiện bằng một lối viết rất giản dị, thận trọng và kĩ lưỡng, mạch lạc và tường minh, với cách nêu vấn đề, dẫn dắt và trình bày dễ tiếp thu, không gây ấn tượng hàn lâm, khó hiểu cho người đọc, nhất là đối với sinh viên ở năm thứ nhất, thứ hai. Vì vậy, ngay cả phần ngữ âm, âm vị học, thường được sinh viên cho là “khó nhằn” nhất, cũng đã được các tác giả trình bày rất gọn gàng với lối dẫn dắt và diễn giải tự nhiên “như kể chuyện”, làm cho người đọc thấy “nhẹ cả người”.
Với cơ cấu nội dung và cách trình bày như vậy, giáo trình đã tránh được cảm giác cồng kềnh và ấn tượng “cũ kĩ”. Làm được như vậy, theo chúng tôi, không phải là dễ dàng.
Mục tiêu của giáo trình đặt ra là “giúp cho sinh viên sau khi học sẽ nắm được những kiến thức cơ bản, mở đầu về bản thể ngôn ngữ và một số tri thức về những bộ phận, lĩnh vực cốt yếu của ngôn ngữ học; đồng thời biết và thực hiện được một số thao tác, kĩ năng đơn giản trong phân tích, miêu tả ngôn ngữ học”.
Giáo trình đã tránh được cảm giác cồng kềnh và ấn tượng 'cũ kĩ'.
Mục tiêu này, theo ý kiến của chúng tôi, giáo trình đã đạt được. Không chỉ trình bày những tri thức “kinh điển” có tính khai mở về ngôn ngữ và ngôn ngữ học, mà các tác giả giáo trình còn rất lưu tâm trình bày cho người đọc cách thực hiện các thao tác, kĩ năng nghiên cứu (thao tác, kĩ năng phân tích và miêu tả ngôn ngữ học như cách phân xuất âm vị, cách xác định âm vị và biến thể của âm vị, cách trình bày và “đọc” các quy tắc biến đổi ngữ âm, trình bày và “đọc” các quan hệ cú pháp...). Đây là một những nét mới thuộc định hướng cập nhật của giáo trình, đúng như các tác giả đã xác định “nhiệm vụ của giáo trình là giới thiệu một cách thật giản dị các kiến thức hữu quan, chú ý cung cấp các nguồn ngữ liệu để sinh viên làm quen, giới thiệu và luyện cho sinh viên thực hiện được một số thao tác, kĩ năng phân tích, miêu tả”.
Một ưu điểm đáng ghi nhận nữa của giáo trình là các ngữ liệu để phân tích và minh hoạ được thu thập từ nhiều nguồn, đa dạng và đáng tin cậy. Điều đó khiến cho các nhận định và các luận điểm lí luận được kiểm chứng, có tính thuyết phục, chắc chắn hơn.
Ở cuối mỗi chương, giáo trình đều cung cấp danh sách một số tài liệu đọc bổ sung để giúp sinh viên dễ tìm kiếm tham khảo. Trong số đó, những tài liệu in bằng tiếng nước ngoài đều được tác giả của giáo trình chỉ dẫn thêm cần đọc chương, mục nào, và/hoặc từ trang nào đến trang nào. Những chỉ dẫn như vậy sẽ rất thiết thực và nhất là “khả thi” đối với sinh viên.
Cuốn sách này thực sự gây được hứng thú cho người đọc. Tôi tin chắc rằng không chỉ các bạn sinh viên năm thứ nhất, thứ hai cần nó mà cả các bạn sinh viên năm sau cũng sẽ thấy nó rất cần khi phải kiểm đếm lại những kiến thức của thuở ban đầu.
Tôi xin trân trọng giới thiệu cùng ban đọc giáo trình “Dẫn luận ngôn ngữ học” của hai tác giả Vũ Đức Nghiệu và Nguyễn Văn Hiệp.
• GS.TS Nguyễn Đức Tồn
(Nguồn: vnu.edu.vn)