Nhà phê bình văn học Đặng Tiến: "Gửi độc giả niềm tin và tình yêu Việt Nam"

Chủ nhật - 05/04/2009 15:58
(TT&VH) - Ra mắt tháng 3/2009, công phu và đồ sộ, Thơ - Thi pháp và chân dung (475 trang, NXB Phụ nữ ) của Đặng Tiến là cuốn sách phê bình văn học đầu tiên của một người Việt Nam sống tại nước ngoài, in ở trong nước.
alt
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến:
"Gửi độc giả niềm tin và tình yêu Việt Nam"
 
 (TT&VH) - Ra mắt tháng 3/2009, công phu và đồ sộ, Thơ - Thi pháp và chân dung (475 trang, NXB Phụ nữ ) của Đặng Tiến là cuốn sách phê bình văn học đầu tiên của một người Việt Nam sống tại nước ngoài, in ở trong nước. Hơn cả một sự kiện của cá nhân hay với văn đàn, tác giả Đặng Tiến cùng tác phẩm của mình đã chất chứa bao tình cảm dồn cho quê hương, dù cách xa 43 năm. Ông dành riêng cho TT&VH cuộc trò chuyện trước khi bay về Pháp.
 
                                                           
Đặng Tiến đã chứng tỏ bản lĩnh nghề nghiệp, kiến thức sâu rộng và sự tài hoa khi viết về thơ Việt Nam qua các tác giả ở nhiều thế kỷ, hoàn cảnh, địa lý khác nhau, trong nỗi nhớ thiết tha với quê Việt, tiếng Việt. Từ bài mở đầu “Thơ là gì?”, cùng 2 bài viết về nhà ngữ học Roman Jakobson (1896 – 1982) và nhà bác học Claude Lévi – Strauss (SN 1908) với kiến giải kỹ càng về thi Pháp, Đặng Tiến đã đi sâu phê bình nhiều tác giả với xúc cảm và phương pháp luận kỹ càng của một nhà khoa học, nghiên cứu sâu mà vẫn có nhiều câu xuất thần, bất ngờ, khai thác nhiều vẻ đẹp, sâu và mới cho tác phẩm. Đặt sòng phẳng chuyên môn với các nhà phê bình Việt Nam, bỏ yếu tố địa lý nơi sinh sống, Thơ - thi pháp và chân dung là của hiếm của một sức viết đáng nể.

Cầm cuốn sách trên tay, ông tâm sự:

- Tôi rất sung sướng, cảm động, không ít gian nan mới có được cuốn sách này. Đây là cuốn đầu tiên của tôi in trên đất nước Việt Nam thống nhất.
 
* Sống ở phía Nam, rồi sang Pháp, nhưng ông đã viết về các nhà thơ của cả 3 miền. Hành trình của ông đến với văn chương như thế nào? Tại sao ông lại chọn thơ?

- Cuộc đời tôi di chuyển nhiều, rời VN khi còn trẻ. Lúc còn trong nước, ở phía Nam, nhưng tôi luôn đọc, dõi theo các tác giả phía Bắc, từ xưa Nguyễn Trãi, Bà Huyện Thanh Quan, đến Tản Đà, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Quang Dũng, Văn Cao, Tú Mỡ, Lê Đạt, Vũ Cao cùng các nhà thơ ở Sài Gòn. Văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung không phân chia giới hạn.

Tôi sinh 1940 tại xã Hòa Tiến, TP. Đà Nẵng. Năm 1960, vào Sài Gòn học Đại học Văn Khoa – 1963 ra trường, đi dạy tại trường cấp 3 A.Yersin (Đà Lạt). Tôi học trường Pháp từ nhỏ, nên có điều kiện tiếp xúc nhiều sách báo Pháp, thuận lợi trong giao tiếp, mở mang. Từ 1966, tôi sang Berne (Thụy Sĩ) làm ngoại giao, ở đây tôi có quen Hoàng Minh Nguyệt (SN 1950) là vợ tôi sau này. Từ 1968, tôi về Pháp, học thêm ở Đại học Paris và bắt đầu công việc dạy Pháp văn 4 ngày (18 giờ)/tuần cho một trường cấp 3 ở Orléans (cách Paris 100km) – nơi chúng tôi sống đến nay. Cùng với GS Tạ Trọng Hiệp, tôi lập ra Ban Việt học tại ĐH Paris 7, giảng dạy ở đây từ 1969 - 2005, với 4 giờ/1 tuần.

Tôi chọn thơ ngay từ đầu, vì nắm quy luật, đọc và giải mã được. Thú thật là với tôi, thơ đọc nhanh, viết dễ hơn văn xuôi.

* Trước khi dừng dạy văn học VN, với 36 năm liên tục, ông đã giới thiệu được văn Việt, tiếng Việt ở Đại học Paris thế nào?

- Ngoài dịp lễ hay sự kiện có thể về Paris nhiều hơn, mỗi tuần tôi đi ô tô lên Paris 1 lần dạy học, sau này lớn tuổi thì đi tàu khứ hồi. Mỗi dịp có các nhà văn VN, sang tôi cũng mời được Xuân Diệu, Lê Đạt, Dương Tường trao đổi với sinh viên, giảng viên của Ban Việt học. Ba ông đều nói tiếng Pháp tốt. Ngoài ra, còn có GS Hoàng Châu Ký (tuồng), TS Nguyễn Thị Minh Thái. Tôi có nhiều bài viết in báo trong nước, các bài nói chuyện ở Paris vào các dịp tưởng niệm hay hội thảo chuyên đề. Đáng chú ý, năm 2003, tôi tham luận hội thảo ở thư viện quốc gia Pháp Francois Mitterand với các bài: Ảnh hưởng của phương Tây trên các nền văn chương Đông Nam Á; Ảnh hưởng của tiểu thuyết Pháp trên tiểu thuyết Việt Nam; Ảnh hưởng của thơ Pháp trên sự thành hình thơ Việt Nam. Những bài trên đang được sử dụng làm tài liệu ở thư viện quốc gia Pháp. Tại Nhà VN và Foyer du VN, tôi cũng có những cuộc nói chuyện chuyên đề về Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Vi Thuỳ Linh, Ly Hoàng Ly.
alt
Đặng Tiến (trái) và Dương Tường

* Với lượng bài nhiều như vậy, độc giả có thể chờ đợi những cuốn tiếp theo của ông trong thời gian tới?

- Lượng bài của tôi đủ in 5 cuốn dày thế này nữa. Hy vọng, cuốn thứ 2 ra trong năm nay, viết về văn xuôi, âm nhạc, hội họa.

* Ông yêu hội họa. Tôi biết thế, khi thấy trong các cuộc gặp ở Paris, ông quan tâm đến tranh và ở cuốn sách mới này, bìa 1 in bức tranh màu phấn “Mác thảo” của Nguyễn Gia Trí, bìa 4-chân dung ông - ký họa của Văn Cao. Ngoài sách, chắc chắn tài sản quý của ông là tranh?

 
- Tôi sưu tập tranh lâu, vì mê hội họa nên có nhiều bạn họa sĩ, phần được tặng, phần mua. Tôi có tranh Bùi Xuân Phái, sơn dầu của Văn Cao, Thái Tuấn, Trọng Kiện, Nguyễn Trung, Trịnh Cung. Về Paris lần này, tôi cũng mang 1 ống tranh, gồm tranh của Bùi Suối Hoa và mấy họa sĩ Đà Nẵng tặng.

* Tên cô con gái đầu lòng Nhất Lập, thể hiện rõ ông chờ đợi đất nước thống nhất và độc lập. Ông đã mang tình yêu nước vào bút danh. Như vậy, nghề nghiệp và cuộc sống của ông là sự hòa trộn ý nghĩa. Ông có thể nói đôi chút về cuộc sống gia đình?

- (Đưa ra cuốn hộ chiếu do ĐSQVN tại Pháp cấp). Ít người biết rằng, xa đất nước hơn 40 năm, vợ chồng tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam (có thẻ cư trú lâu dài nên mọi quyền lợi như người Pháp)

Trong nhiều bài viết, tôi kí tên Nam Chi, tức cành Nam (Việt điểu sào Nam chi). Vợ tôi gốc Nam Định, chúng tôi cưới năm 1971, tới 1975 có con gái đầu lòng Nhất Lập. Cháu là giáo viên Pháp văn cấp 3, đã lấy chồng Pháp và có con trai 8 tháng ở Paris, cùng cô em Lãm Thuý (1978) là kiến trúc sư. Cậu út Đặng Tam (1980) làm marketing ở Toulouse. Vợ chồng tôi ở Orléans.

* Kế hoạch tiếp theo của ông về VN?

- Ngoài in sách, tôi có hứa với Đại học Hà Nội sẽ giảng dạy về ngôn ngữ thơ Việt Nam. Năm ngoái, tôi đã có 3 buổi giảng ở Khoa ngữ văn, ĐHQG Việt Nam luôn là điểm hẹn để trở về và không thể chối từ. Tôi cũng mong sẽ an cư, nhà HN đắt quá, nên có lẽ tôi sẽ chỉ mua được nhà ở Đà Nẵng. Tôi hy vọng nỗ lực của tôi bao năm giới thiệu thơ Việt Nam, tiếng Việt cho SV Pháp, cho kiều bào ở Pháp, sẽ góp phần khuấy lên tình yêu thơ, yêu tiếng Việt cho những người Việt Nam ở đây qua các cuốn sách in trong nước, khi mà thơ đang bị quên, bị thờ ơ.
 
 alt
 Đặng Tiến thuyết trình về ngôn ngữ thơ tại Khoa Ngôn ngữ học
Trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

* Tháng 12/1970, ở phần kết bài Đức tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử, ông viết: “Lòng thành khẩn đó, của riêng tôi, nhân mùa Hy vọng, còn là cánh hoa huệ một lưu vực xa xôi gửi về cho Quê hương yêu dấu”. Giờ thì ông đã trực tiếp gửi sách đến tận tay bạn đọc, đúng mùa xuân khi loa kèn nở những cánh đầu mùa.

- Trước đây, tôi viết văn như ném cái chai xuống biển. Giờ đây, tôi đã có “của tin gọi một chút này làm ghi”. Tôi luôn là người VN, yêu tiếng Mẹ, qua ngôn ngữ đẹp nhất: nghệ thuật.

* Xin cảm ơn ông!
Vinh Nhi (thực hiện)
      (Nguồn: TT&VH 04/4/2009)
 
 
alt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây