GS.TS Phạm Đức Dương - người anh thân tình và kính mến

Thứ năm - 23/09/2010 21:28

GS.TS Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Đông Nam Á, Chủ tịch Hội nghiên cứu Đông Nam Á của Việt Nam,là một chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ và văn hoá Đông Nam Á, và là giáo sư kiêm nhiệm của Khoa Ngôn ngữ học. Nhân dịp GS.TS Phạm Đức Dương tròn 80 tuổi, ngonnguhoc.org xin giới thiệu bài viết của GS.TS Trần Trí Dõi về nhà khoa học và nhà giáo đáng kính này.

GS.TS PHẠM ĐỨC DƯƠNG - NGƯỜI ANH THÂN TÌNH VÀ KÍNH MẾN
 
              GS.TS Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Đông Nam Á, Chủ tịch Hội nghiên cứu Đông Nam Á của Việt Nam,là một chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ và văn hoá Đông Nam Á, và là giáo sư kiêm nhiệm của Khoa Ngôn ngữ học. Nhân dịp GS.TS Phạm Đức Dương tròn 80 tuổi, ngonnguhoc.org xin giới thiệu bài viết của GS.TS Trần Trí Dõi về nhà khoa học và nhà giáo đáng kính này.
 
            Vào một ngày tháng 4 năm 2010, trong một buổi tham dự “Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên” của khoa Ngôn ngữ học, anh Phạm Đức Dương phàn nàn với tôi:
            - Dõi à, hồi này tai mình có kém đi. Nghe không còn rõ như ngày xưa.
            Tôi cười và nói đùa với anh:
            - Anh tham vừa vừa chứ! Không gì anh cũng là ông “lão tám mươi” rồi. Cũng phải cho cái gì đó nó già đi một chút ít chứ! Bền mãi làm sao được hả anh. Như chúng em đây, mới qua tuổi năm mươi được dăm sáu năm mà đã thấy “tay mỏi chân chồn” rồi kia mà.
            Anh cười khà, giọng âm vang và sảng khoái. Cái giọng cười ấm, chân tình và luôn sảng khoái của anh lây sang tôi, khiến cho tôi tuy có chợt giật mình về câu nói đùa của mình khi dùng chữ “tham vừa vừa” đối với anh nhưng được giải toả ngay. Tính anh là như vậy đấy. Nếu câu nói đó của tôi mà nói với một “cụ” khác, chắc bị giận không biết đến bao giờ.
            Anh Phạm Đức Dương nhiều tuổi hơn tôi khoảng một phần tư thế kỷ. Tôi biết và quen anh từ thời viết luận văn tốt nghiệp đại học (bây giờ gọi là khoá luận) ở khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1977. Như vậy là, tôi đã quen biết anh một quãng thời gian ba mươi ba năm. Quãng thời gian ấy, theo tôi là không ngắn đối với cuộc đời một con người.
 
 
GS.TS Phạm Đức Dương tại HNKHSV Khoa Ngôn ngữ học 2010
 
            Lý do tôi quen và biết anh thật đơn giản. Hồi ấy, khi làm luận văn tốt nghiệp đại học, tôi được GS Nguyễn Tài Cẩn định hướng cho việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, mà cụ thể là ngữ âm lịch sử tiếng Việt. Vào lúc bấy giờ, ở địa hạt này, không có nhiều nhà ngôn ngữ học ở Việt Nam quan tâm. Tôi quen biết anh Dương, bác Vương Lộc, anh Cung Khắc Lược và một vài người khác nữa cũng từ nguyên do đó. Mặc dù lúc giờ là sinh viên năm cuối, tôi vẫn đánh bạo đến gặp anh vì những bài viết của anh. Nghe đâu hồi ấy, anh đã là “trưởng ban trưởng biếc” gì đó ở Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Và nghe nói, chức ấy cũng to to như một ông Viện trưởng gì ấy. Nhưng khi gặp và mãi về sau này, không rõ vì nguyên cớ gì mà tôi đã xưng “anh - em” với anh (trong khi tôi luôn gọi bác Vương Lộc là “bác”). Có lẽ, con người anh lúc ấy tuy đã năm mươi nhưng vẫn sôi nổi, trẻ trung và thân tình với một cậu học trò quê xứ Thanh như tôi. Những gì cụ thể anh nói với tôi, tôi không còn nhớ nữa. Nhưng có một điều chắc chắn là những gì anh nói và bài viết về nhóm Việt - Mường anh công bố hồi 1975 đã kích thích tôi, cùng với lời động viên và định hướng của GS Nguyễn Tài Cẩn, đã khiến tôi vào năm 1981 dành tới hơn ba tháng liền chỉ với một chiếc xe đạp Thống nhất rong ruổi khắp miền Tây ba tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An bây giờ để đi đến tận nơi, nhìn tận mắt, nghe tận tai những thổ ngữ Việt - Mường đã được anh nêu ra. Ba tháng trời hồi đó đối với tôi là một kỷ niệm không thể nào quên. Chỉ tiếc hồi ấy, tuy phải trèo đèo, lội suối, được ăn và sống với người dân nhưng vì máy ảnh không có, máy ghi âm cũng không có nữa nên tôi chỉ ghi chép được gì thì thu được chừng nấy. Chuyến đi đó, vì chủ yếu là bằng đi bộ và xe đạp nên đối với tôi thực sự có giá trị. Tôi “thuộc” địa bàn nhóm ngôn ngữ Việt - Mường là nhờ chuyến đi “tay không bắt giặc” đó.
 
            Từ quen biết chuyển sang “thân quen” anh, đối với tôi còn một lý do khác. Phải nói là, từ khi tôi quan tâm đến nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, anh ít khi dành thời gian cho việc nghiên cứu thêm về nhóm ngôn ngữ này. Bởi vì anh bận, bận làm Viện trưởng Viện Đông Nam Á. Tôi đoan chắc là để cái viện mà anh làm Viện trưởng có bề thế như bây giờ, anh có quá nhiều công việc phải làm. Mà ở vị thế của anh là “một ông Viện trưởng”, còn tôi một cậu cán bộ giảng dạy đại học bình thường (mà người xã hội thường ngày hay gọi đùa theo chữ viết tắt CBGD) quen nhau đã là quá đủ. Nhưng giữa anh Dương và tôi, từ chỗ quen biết chuyển sang dần mức độ thân quen nhau. Tôi không rõ đối với tôi, anh có mức độ thân quen đó nhiều ít hay không. Còn đối với tôi, tôi tự nhận mình có sự thân quen với anh. Cái cảm nhận ấy, tôi nhận thấy rất rõ từ người bạn đời của anh. Vì lần nào có việc đến nhà mà chị ra mở của hay gọi điện đến cho anh, tôi cảm nhận cái giọng Hà Tĩnh bình dị của chị mới thân thiết làm sao. Chị thường nói: “Chú vào nhà đi, anh Dương đang ở trên nhà chờ chú đấy”.  
 
            Có ba lý do mà tôi thấy sự quen biết của mình với anh Dương trở nên thân quen. Hình như là anh “bỏ qua” tính cách của tôi. Cứ lấy cái điểm yếu của mình ra để nhìn thì biết. Tôi vốn là xuất thân từ dân nửa làm ruộng, nửa làm nghề biển nên trong lời ăn tiếng nói không biết cách “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” mà thường có kiểu như câu nói đùa với anh Dương ở trên. May thay, hơn ba mươi năm rồi, đã nhiều lần nói chuyện với anh cả về chuyên môn cũng như cuộc sống, tôi chưa bị anh “giận” lần nào cho dù trong quãng một thời gian dài anh đã là Viện trưởng, là Giáo sư. Nhờ đó mà tôi có cảm nhận là anh thân thiết với tôi, bỏ qua điểm yếu cố hữu của tôi. Rồi nữa, cái cách mà anh dành “ưu ái” cho tôi trong công việc cũng khiến cho tôi thấy thân thiết với anh. Hồi anh còn làm Viện trưởng, mỗi lần có dịp ra viện Đông Nam Á để tìm tài liệu, anh không những chỉ dẫn chi tiết mà còn cậy mình là viện trưởng ưu tiên cho tôi vào tìm tự do trong kho tư liệu của viện. Cái chính là, anh giúp tôi thân tình như vậy một cách rất vô tư. Còn tôi, tuy là biết cảm ơn anh nhưng chỉ cảm ơn bằng tấm lòng chứ ở địa vị và cuộc sống của tôi, tôi có giúp gì cho anh được đâu.
 
            Nhưng có lẽ, cái mà tôi thấy tôi thân quen với anh hơn cả là “định hướng” về cái mà mình quan tâm. Chẳng là, năm 1986, nhân một dịp may được sang Đại học Paris VII để hợp tác khoa học với Ban Việt học, tôi được GS Haudricourt cho đi cùng trong một chuyến đi “chơi điền dã” ở một cánh rừng phía bắc Paris suốt cả một ngày. Trong chuyến đi đó, có cố GS.TS Nguyễn Phú Phong là người thực hiện công việc hợp tác về phía Pháp và cố PGS Nguyễn Văn Tu, thầy lúc bấy giờ đang dạy ở Ban Việt học Đại học Paris VII. Buổi đi chơi điền dã ấy, GS Haudricourt nói nhiều về chung quanh câu chuyện nghiên cứu ngôn ngữ học. Trong nhiều câu nói của giáo sư, câu dặn dò của giáo sư “Các anh nên nhớ rằng cái đích của ngôn ngữ học là văn hoá” làm tôi về sau này hiểu ra nhiều điều. Câu dặn của GS Haudricourt được thầy Nguyễn Văn Tu dịch lại cho tôi nghe. Mà tôi tin thầy Tu, một người đã từng làm công chức cho Pháp thời Pháp thuộc không thể dịch sai câu ấy được. Hồi bấy giờ, thực sự là tôi chưa hiểu gì cả cái ý nghĩa câu nói của giáo sư. Nhưng rồi theo thời gian, tôi cũng dần dần ngộ ra điều mà giáo sư cần nói. Chính vì vậy mà sau đó tôi là một “anh ngôn ngữ học” nộp đơn để thành “Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam”. Rồi sau đó nữa, trong hoạt động khoa học của mình, tôi đã gắng từ cái nhìn thuần ngữ âm lịch sử để có những “tập tễnh ban đầu” hướng tới những vấn đề cụ thể của văn hoá. Và anh Phạm Đức Dương lại cũng đã là một trong những người đi trước rất lâu về hướng đi này. Vậy là, tôi đã có thêm một người “cùng đường” mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn nghe đâu đó nhiều người cảnh báo tôi cho rằng cách làm của anh Dương là “chưa thực sự ngôn ngữ học”. Vì có cùng một định hướng quan tâm nên những lần có dịp trao đổi với nhau, có dịp đi công tác nước ngoài gặp nhau, chúng tôi thoải mái trò truyện với nhau. Do vậy, tôi thấy anh là một người thân thiết trong công việc của mình. Đương nhiên, tuy hướng quan tâm của tôi và anh trong chuyên môn là như nhau, nhưng vì những hạn chế của mình, tôi chỉ dừng lại ở khả năng giải thích một vài hiện tượng văn hoá theo cách nhìn ngôn ngữ học lịch sử chứ không dám xây dựng những “giả thuyết” văn hoá từ cách nhìn ngôn ngữ học như anh. Tôi nghĩ, theo được anh cũng còn phải “hắt xì hơi”. 
 
            Tuy chưa bao giờ hỏi anh về cuộc đời, nhưng tôi vẫn nghe các bậc lão thành trong giới ngôn ngữ học nói về thời trai trẻ của anh, nói về quá trình học tập của anh. Tôi thấy kính trọng về tuổi trẻ của anh khi anh là một “chiến sỹ” đã sống nhiều năm ở Lào và đã biết học tiếng Lào để sau này có thể phục vụ cho chuyên môn của mình. Tôi cũng kính trọng anh vì biết chắc chắn rằng cái hướng văn hoá mà anh theo đuổi là một quá trình tự học hỏi của anh, do môi trường công tác đòi hỏi chứ chưa được cung cấp ở nhà trường. Sự tự học hỏi là yêu cầu đương nhiên của bất cứ người nào làm nghiên cứu khoa học, nhưng cái khác ở anh chính là vượt ra khỏi cái cái phạm vị được đào tạo của mình và với cách nhìn của cá nhân tôi, anh có những thành công đáng kính nể của riêng anh.
 
            Sau khi không còn làm “quan” nữa, ở tuổi sáu mươi và bảy mươi anh góp phần cùng với khoa Ngôn ngữ học đào tạo sinh viên khoa Ngôn ngữ học. Những năm tháng ấy, anh là giáo sư kiêm nhiệm ở Bộ môn “Ngôn ngữ và Văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam” do tôi phụ trách. Từ đó anh gắn bó với chúng tôi nhiều hơn. Tôi nhận thấy, sinh viên dù là Đại học hay Sau Đại học, sau khi được anh giảng dạy đều kính trọng anh, thân thiết với anh. Có lẽ sự chân tình, cởi mở và hoà đồng của một người thầy là một tính cách sẵn có ở nơi anh. Vào tuổi bảy mươi, anh có thể ngồi uống và tán gẫu với “cánh trẻ” ở tuổi hai mươi tới bảy hay tám chín mười vại bia, hất ngược mái tóc dài, nói thao thao những điều anh suy nghĩ. Cái sự hoà đồng ấy, chúng tôi muốn lắm cũng không thể làm được. Cái đó, như người ta thường nói, là nhờ ở ơn trời. Ở tuổi bảy mươi, thậm chí vào tuổi tám mươi anh mới thấy “hồi này tai mình có kém đi” một chút thì thật là một hạnh phúc mà không phải ai cũng có được. Tôi trộm nghĩ, chỉ bấy nhiêu thôi, tôi thấy anh Dương thật là hạnh phúc. Dân gian ta đã có câu “bảy mươi tuổi chưa què hãy khoe thân”. Anh đã ở tuổi tám mươi mà như anh phàn nàn mới chỉ “kém đi một chút” thì thật là sung sướng. Không có nhiều người có được cái sung sướng ấy như anh.
 
            Vào hồi tháng bảy năm nay, anh nói với tôi là anh sắp tập hợp các “bài viết kỷ niệm” của bạn bè về anh nhân dịp anh tám mươi tuổi. Anh nói rằng: “Tớ với cậu mà cậu không viết thì tớ buồn đấy”. Tôi thật sự cảm động về câu nói ấy. Ấy vậy mà suốt tháng tám, đã gõ trên máy được vài dòng, vì quá nhiều công việc tới mức lu bù nên tôi bỏ dở. Ngẫm trong lòng thật áy náy. Tháng chín mùa thu này, tôi cố sắp xếp công việc để viết một đôi dòng về anh để cảm ơn sự giúp đỡ của anh đối với tôi và cả gia đình tôi. Những dòng viết này, tôi mong nhận ở anh một nụ cười kỷ niệm, để anh thêm sảng khoái vào tuổi tám mươi, để hình ảnh  “hất ngược mái tóc dài, nói thao thao” những điều anh nghĩ còn đọng mãi trong chúng tôi, thế hệ đàn em của anh.
 
                                                            Hà Nội, ngày 12 tháng 09 năm 2010.
                                                                               Trần Trí Dõi.
                                                                         Khoa Ngôn ngữ học.
                                                 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây