Nhớ Cao Vũ Trân

Chủ nhật - 09/09/2012 15:14

Kết thúc một mùa chấm thi tuyển sinh, nắng, nóng. Năm nay, vắng hẳn tiếng tán chuyện “mất trật tự” và tiếng cười tắc tắc chả lẫn với ai của Cao Vũ Trân.Anh đã bỏ anh em, bỏ lại tất cả, rẽ sang đường khác gần một năm trời… Sắp giỗ đầu. “Người ngỡ đã xa xưa"... 

 

Nhớ Cao Vũ Trân

               Kết thúc một mùa chấm thi tuyển sinh, nắng, nóng. Năm nay, vắng hẳn tiếng tán chuyện “mất trật tự” và tiếng cười tắc tắc chả lẫn với ai của Cao Vũ Trân. Anh đã bỏ anh em, bỏ lại tất cả, rẽ sang đường khác gần một năm trời… Sắp giỗ đầu. “Người ngỡ đã xa xưa”… 

Lần đầu chúng tôi gặp nhau vào mùa hè năm 1970, rồi 1971. Ty Giáo dục Nam Hà gọi tập trung ở Hải Phú, Hải Hậu và Phố Cháy, Ý Yên để luyện thêm kiến thức cho “đội học sinh giỏi” của tỉnh.  Không nhớ tôi đã đi đến đấy bằng cách nào. Trẻ con, ở nông thôn nghèo, chẳng biết đâu vào đâu. Tứ xứ tụ lại thành lớp, rồi nên bạn.

Sau lớp mùa hè 1971, chúng tôi ai về trường nấy. 1972, tôi vào học Khoa Ngữ văn, Đaị học Tổng hợp. Cùng một khoá với Đạm, Tửu, Bích. Hội vào khoa Lịch sử. Không thấy Trân. Sau này mới biết anh thi vào Đại học Bách khoa. Năm 1973-74 quay lại học khoa Ngữ văn.  Tôi được đào tạo thành giảng viên ở khoa Ngữ Văn, rồi Trân cũng vậy. Cả một lớp anh em với nhau, mấy khoá liền kề, hơn kém nhau vài ba  tuổi, khá đông.


Nhà giáo Cao Vũ Trân (1955 -2011)

Trời sinh mỗi người mỗi tính. Trân thích tán chuyện tào lao “mua vui” cho anh em. Nói theo cách bây giờ là hay “chém gió”. Cho sôi động những cuộc chuyện. Vui vẻ, vô thưởng vô phạt. Anh em đã biết tính, càng hỏi nhiều, anh trả lời, kể chuyện càng hăng. Toàn chuyên trời ơi. Đốt những quãng lặng …
  
Tầm phào cho vui thì thế, nhưng hễ ai nhờ làm việc gì mà “trúng giằm” của mình là anh tông tốc tính giúp ngay, rất nhiệt tình, bất biết kết quả thế nào. Đối với sinh viên học trò, anh lại càng thế. Việc chung ở khoa, anh em bầu phụ trách công đoàn, lại chỉn chu, đúng điệu, nhất là khi có lễ tết, họp hành.

Có một thời gian, không hiểu sao, anh toàn đóng bộ “xe ôm”, mũ cối đội đầu, khăn bông vắt vai, đến trường. Ai đời, giao làm chủ nhiệm lớp tại chức, anh vẫn thường đóng bộ ấy đến lớp đôn đốc việc quản lý, học hành, rồi có khi ra ngồi đợi đâu đó, cuối buổi học lại vào nhắc nhở, điểm danh, phổ biến lịch học… Cũng lạ. Mỗi người ghé chơi với cõi đời này bằng một tiếng nói theo cách riêng chăng.

Năm ngoái, tin anh ra đi nhanh quá, làm mọi người vô cùng đột ngột. Đang ngồi họp, nghe anh Nguyễn Hùng Vĩ thảng thốt báo tin qua điện thoại “Ng. ơi, Cao Vũ Trân mất rồi”, tôi thoáng “đơ” trong tắc tích rồi hấp tấp bảo Vĩ (nghĩ lại, thấy rất vô duyên): “Nghe tin ở đâu thế. Việc này không đùa được đâu. Hỏi lại cho cẩn thận nhá”. Hồi sau, Vĩ gọi lại, bảo “Phương [anh Đoàn Đức Phương] khẳng định đấy”. Tôi im. Chẳng còn bụng dạ nào họp hành nữa.

Sáng hôm tiễn anh đi, trời lắc rắc mưa như mưa ngâu. Anh Đoàn Đức Phương và mấy anh em nữa ở khoa Văn học cùng với tôi, sáng sớm tập trung ở trường để ra nhà tang lễ bệnh viện Bạch Mai, cùng với mọi người lo làm lễ tiễn Trân. Trên xe, nặng trĩu buồn. Chẳng ai muốn nói gì.

Tới nơi, lụi cụi bước gần hết mấy bậc tam cấp, tôi ngẩng lên, gặp ngay gương mặt anh trên tấm ảnh thờ. Vẫn như hôm nào. Hơi ngả ra sau một tí, như thể để nhìn người đối diện cho rõ hơn. Lại tiếng cháu Ngọc con gái anh đang huơ huơ tấm áo cũ gọi vong linh bố về. Tôi không cầm lòng được nữa.  

Đông người đến tiễn biệt anh. Vẫn mưa. Có lúc nặng hạt. Nhiều mái tóc bạc của các thầy chúng tôi bết nước. Đứng trong đám anh em, thấy cô Đặng Thị Hạnh khoác cái áo len mỏng, dáng đi như đã hơi còng còng. Cảm động quá, mà tôi không dám bước tới chào. Lúc lâu sau, xuống chỗ nhà tiếp khách, gặp cô Lê Hồng Sâm. Cô nắm lấy tôi, giọng lạc đi: “Em ơi, lẽ ra Trân nó phải làm việc này cho cô, mà bây giờ nó trốn cô để cô phải thế này à”. Giữa rất đông người mà sao tôi thấy lòng mình bỗng trở nên hoang vắng quá ...  

Chợt nhớ, khi Trân ở Pari để nghiên cứu về văn học Pháp năm 2001, tôi cũng có dịp sang đấy làm việc. Hai anh em cùng ở với nhau một thời gian. Lúc rảnh là tranh thủ tán chuyện. Tôi thường gợi đủ thứ để anh nói. Cũng có những nỗi niềm riêng. Hỏi về nghiên cứu văn chương Pháp, gần như không lần nào anh không tỏ sự kính trọng, mến mộ “Cụ Hiểu”, “Cô Sâm”, “Cô Hạnh” (nguyên lời Cao Vũ Trân) - những bậc tiền bối trong “tổ Phương Tây” của anh. Rồi đang từ chuyện văn chương, anh chuyển sang, khi thì hướng dẫn tôi cách mò đường metro để đến chỗ này chỗ khác, khi thì hướng dẫn mua bán những gì, ở đâu, cho sinh hoạt hàng ngày. Lại bảo tôi, anh sắp về nước, tôi có con nhỏ, nên mua quà gì cho cháu, để anh cầm về cho…

Mười năm sau, có một ngày, thoắt cái, thế là đi mãi… 

Ai biết đâu được “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Làm sao nghe ra những lời gì trong tiếng gió về đêm… Trong đám bạn kể trên kia, Hội cũng bị tai nạn, mất đã gần chục năm.

Đêm mưa chuyển mùa, trời về sáng có vẻ như đã se se. Lẩm cẩm nghĩ: “Mình nằm ấm áp thế này, mà NÓ lạnh thế kia”… Rồi không dám nghĩ gì nữa.

Bây giờ, thỉnh thoảng có những lúc có cuộc vui nho nhỏ cuối ngày nào đó, anh em gặp nhau, vẫn có những giây phút dành cho nhau đấy.

Nhìn về phương kia, thấy “đường xa và nắng chiều quạnh quẽ”. Ngoảnh lại với anh em nơi này, vẫn “có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên”...
    
                                                    15.8.2012.
     Vũ Đức Nghiệu

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay8,091
  • Tháng hiện tại154,565
  • Tổng lượt truy cập1,742,163
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây