Bài phát biểu của Giáo sư Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Giáp

Thứ ba - 24/11/2020 14:39
Tôi xin nhiệt liệt chào mừng 70 sinh viên mới nhập học, 15 học viên cao học và 9 nghiên cứu sinh mới năm 2020 của Khoa Ngôn ngữ học chúng ta. Thực ra, đối với tôi, người kết thúc buổi dạy cuối cùng cho lớp NCS và Cao học của Khoa vào năm 2017, thì tất cả các em sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của khoa Ngôn ngữ học thuộc tất cả các khóa đều là những người bạn mới.

Bài phát biểu trong buổi Gặp mặt chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 – 2020 và chào đón tân sinh viên khóa 65 của Giáo sư Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Giáp

 

 Kính thưa quý vị đại biểu, các cô, các thầy và toàn thể các em sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh Khoa Ngôn ngữ học thân yêu.

Thật vinh dự cho tôi được lên đây chia sẻ tình cảm của mình trong ngày vui, nồng ấm nghĩa tình này.

Trước hết, xin trân trọng kính chúc quý vị đại biểu, các cô, các thầy và toàn thể các em mạnh khỏe, tràn ngập niểm vui và gặt hái được nhiều thành công trong đời sống riêng tư cũng như trong sự nghiệp của mình.

Tôi xin nhiệt liệt chào mừng 70 sinh viên mới nhập học, 15 học viên cao học và 9 nghiên cứu sinh mới năm 2020 của Khoa Ngôn ngữ học chúng ta. Thực ra, đối với tôi, người kết thúc buổi dạy cuối cùng cho lớp NCS và Cao học của Khoa vào năm 2017, thì tất cả các em sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của khoa Ngôn ngữ học thuộc tất cả các khóa đều là những người bạn mới. Xin nhiệt liệt chúc mừng các bạn đã trở thành một phần máu thịt của khoa Ngôn ngữ học thân yêu của chúng ta.

Tôi xin chúc mừng các bạn đã bước vào một ngành khoa học lâu đời nhất và một khoa chuyên ngành độc đáo nhất Việt Nam. Đối với xã hội, ngành ngôn ngữ học có vẻ xa lạ. Nhiều em sinh viên ngôn ngữ học, khi được hỏi học ngành gì thường được hỏi lại, thế học tiếng Anh hay tiếng Pháp! Nhưng các em có biết không, 7 môn học cổ nhất của loài người có một môn là ngữ pháp đấy. Nói như thế để thấy ngành học mà các em chọn nó cơ bản và quan trọng đến nhường nào. Hiện nay, từ bảy môn học ban đầu đã phát triển thành rất nhiều ngành khoa học khác nhau, nhưng rất ít khi Ngôn ngữ học được tách ra thành một khoa độc lập. Ở Ấn Độ, có khi nó nằm trong khoa Triết học, ở Mĩ, có khi nó nằm trong khoa Nhân học, ở nhiều nước khác trong đó có Việt Nam, Ngôn ngữ học gắn bó với Văn học để tạo thành Khoa Ngữ Văn. Khoa Ngôn ngữ học của chúng ta là khoa chuyên ngành duy nhất ở Việt Nam. Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh cũng muốn thành lập Khoa Ngôn ngữ học, đã tách Bộ môn Ngôn ngữ học khỏi Khoa Ngữ Văn để trở thành một bộ môn trực thuộc, và chỉ mới có quyết định thành lập khoa cách đây mấy ngày.

Khoa Ngôn ngữ học của chúng ta có một lịch sử đầy kiêu hãnh. Vào thư viện, tiếp xúc với các tài liệu ngôn ngữ học, các em bắt gặp ngay tên tuổi các nhà khoa học nổi tiếng trong cả nước như Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Văn Tu, Nguyễn Hàm Dương, Nguyễn Cao Đàm, Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo, Hoàng Thị Châu, Nguyễn Lai, Nguyễn Kim Thản, Lưu Vân Lăng, … Xin bật mí với các em rằng tất cả những tên tuổi đó đều từ khoa Ngôn ngữ học của chúng ta cả đấy.

 Tiền thân Khoa ngôn ngữ học của chúng ta chính là Bộ môn ngôn ngữ học Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày xưa, mà những tên tuổi trên đây là những người xây nền đắp móng.

Các em và tôi là những bạn đồng môn, cùng được đào tạo trong môi trường ngôn ngữ học vẻ vang đó, với sự dẫn dắt của những người thầy đáng kính đó. Tôi là sinh viên khóa 7, các em mới nhập học năm 2020 là sinh viên khóa 65. Trước chúng ta còn có anh Hoàng Trọng Phiến thân thương, người cùng có mặt với chúng ta hôm nay, là sinh viên khóa 1 nữa đấy.

Trong buổi gặp mặt thân tình này, tôi xin phép quý vị đại biểu, các cô, các thầy, được tâm sự đôi điều với tư cách một đồng môn lớn tuối với các bạn đồng môn nhỏ tuổi hơn.

 

Các em quý mến.

Ngay khi mới học lớp 5, tôi đã có một ước mơ: hoặc trở thành giáo viên cấp 1, hoặc trở thành giáo viên đại học. Trẻ con như tờ giấy trắng, được phác họa những nét bút đầu tiên lên tờ giấy trắng đó thì hạnh phúc biết bao! Mỗi chúng ta ngồi đây, khi đã trưởng thành ai mà không nhớ thương và biết ơn sâu sắc với những thầy cô đã dạy dỗ mình thời thơ bé. Học sinh cấp 2, cấp ba dở người lớn dở trẻ con, các thầy cô phải vừa dạy vừa dỗ để dìu dắt các em nên người. Ở bậc đại học, bản chất mối quan hệ thầy trò là quan hệ hợp tác giữa những công dân trẻ, khỏe đầy năng động và những công dân già dặn hơn, kinh nghiệm hơn để cùng nhau chinh phục những đỉnh cao khoa học. Tôi hạnh phúc vì đã đạt được một trong hai nguyên vọng đầu đời của mình.

Năm thứ 3 dại hoc, tôi được phân làm khóa luận với Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn. Tôi còn nhớ rõ buổi gặp đầu tiên ở cánh gà Hội trường Mễ Trì. Khi đó thầy Cẩn là một nhà khoa học nổi tiếng, mới bảo vệ luận án PTS ở Liên Xô về (1960) và là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thầy hỏi tôi kết quả học tập thế nào. Tôi thưa tất cả các môn từ văn học Việt Nam đến văn học Trung Quốc, triết học, ngoại ngữ… tôi đều được điểm 5 (điểm tối đa). Thầy chỉ im lặng, chẳng nói gì. Lát sau, thầy bảo, rõ ràng em chưa có chí hướng gì! Tôi sực tỉnh, hóa ra lâu nay tôi chỉ thuộc loại “con ngoan, trò giỏi”, làm vui lòng người lớn mà thôi. Từ câu chuyên này, tôi muốn khuyên các bạn, thôi đừng “ngoan ngoãn nghe lời” như thế hệ tôi nữa mà sớm có chí hướng, xác định ước mơ hoài bão của riêng mình và sớm quyết tâm theo đuổi nó. Các bạn biết đấy, bất cứ công việc cưỡng bức nào cũng không có hiệu quả. Thầy giáo thể dục bắt các bạn chạy 100 m đã thấy mệt bở hơi tai, nhưng nếu bạn mê bóng đá, chạy theo quả bóng suốt ngày vẫn không thấy mệt.

Cuộc đời này thật là rộng lớn. Nếu chỉ để mưu sinh, bạn có thể chọn nhiều trường cao đẳng, dạy nghề và những đại học nhiều tính thực hành khác, nhưng đã dấn thân vào Đại học Quốc gia Hà Nội, lại vào một ngành chuyên sâu như ngôn ngữ học, các em trước hết hãy thắp lên ngọn lửa say mê khoa học, hãy làm bùng lên khát khao khám phá tri thức mới, những đỉnh cao khoa học mới.

Tôi muốn nói với các em một điều bí mật. Được ăn ngon cũng hạnh phúc, được mặc đẹp cũng hạnh phúc, được người mình yêu đáp lại càng hạnh phúc. Nhưng còn một thứ hạnh phúc sâu thăm thẳm mà có khi các em chưa biết. Đó chính là niềm hạnh phúc khi hiểu được những điều mình khao khát khám phá. Niềm hạnh phúc đó như bừng sáng từ bóng tối, nó âm ỉ không nguôi, đi suốt cuộc đời bạn, những thứ khác có thể mất nhưng bạn không bao giờ mất nó.

So với các thế hệ đi trước các em có nhiều ưu thế. Các em đang được sống và làm việc trong một cơ sở đào tạo hàng đầu của đất nước ngay giữa thủ đô Hà Nội. Sách báo, tạp chí, giáo trình, tài liệu nghiên cứu nước ngoài, trong nước không thiếu thứ gì. Các em biết không, những khóa sinh viên ban đầu, giáo trình còn chưa có, ngoài bài giảng của thầy trên lớp, sinh viên đón chờ từng trang sách dịch của các thầy làm tài liệu tham khảo. Ngay cuốn Từ điển Việt - Bồ- La của A.de.Rhodes cả nước cũng chỉ có ba bản đánh máy. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, nhà ngôn ngữ học số một của đất nước mới được mượn đọc trong một tuần. Chờ đến khi in được ra sách phải mất 10 năm, cho nên để có tài liệu nghiên cứu, thầy Cẩn không nỡ đọc một mình mà đã giao cho tôi nhiệm vụ phải ngày đêm chép tay cuốn đó để kịp trả lại cho chủ nhân.

Được sống và học tập trong điều kiện nhiều thuận lợi như hiện nay, các em nhớ đừng chủ quan nhé. Trong thời đại công nghệ thông tin này, các bạn em ở tận Tân Trào hay Đắc Lắc heo hút, ở tận Sơn La hay Trà Vinh xa xôi, nếu có trí lực vẫn có cách tiếp cận với thông tin mới để qua mặt các em dễ dàng nếu các em ngủ quên trên những ưu thế của mình. Tôi mong các em luôn luôn ở tuyến đầu.

Bí quyết thành công là sự cần cù. Nhưng thế nào là cần cù lại là một câu chuyện cần bàn. Làm việc suốt ngày, đọc suốt ngày đã chắc gì là cần cù. Cần cù là dù đang đọc một cuốn sách vô cùng hấp dẫn vẫn có thể gấp lại đi ngủ đúng giờ. Cần cù là biết tập trung vào vấn đề mình đang tìm hiểu không bị sao lãng, lôi cuốn bởi những thứ hấp dẫn khác. Cần cù là phải giành thời gian đọc sách (càng nhiều trang càng tốt) chứ không chỉ mải thu thập thông tin trên báo, trên mạng (thường là thông tin hiện tượng, bề mặt), bởi vì chỉ các tác giả sách mới đủ độ lùi để đi vào bản chất của sự vật hiện tượng, điều rất cần cho nghiên cứu khoa học. Nhân loại đã phải trả giá khá đắt để rút ra một kinh nghiệm có vẻ đơn giản thế đấy.

Các em yêu quý.

Khuyên các em thổi bùng lòng đam mê nghiên cứu khoa học không có nghĩa ngôn ngữ học chỉ là lĩnh vực hàn lâm mà các em cần sớm có việc làm để mưu sinh có thể nản lòng. Tôi có một người bạn vong niên (gọi là vong niên vì anh ấy kém tôi gần chục tuổi), đó là tiến sĩ Nguyễn Tuấn Tài ở Đại học Đà Lạt. Trong lúc cao hứng anh đã tuyên bố một câu xanh rờn: Chỉ cần học Ngôn ngữ học có thể làm mọi thứ!. Câu nói có vẻ bốc đồng ấy, ngẫm kĩ, không phải không có lí phần nào. Các em biết không, thế giới này thật là rộng lớn, nhưng xét cho cùng cũng chỉ gồm ba thứ thôi: thực tế khách quan - tư duy và ngôn ngữ. Ngôn ngữ học nghiên cứu cả ba thứ đó. Một khi đã nắm vững ngôn ngữ, tư duy và thực tế khách quan cùng mối quan hệ giữa chúng thì có gì mà không làm được. Các ngành khoa học khác chẳng qua chỉ là chi tiết hóa những nguyên lí mà chúng ta bàn luận trên giảng đường thôi. Bằng chứng thực tế là, các khóa sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học hơn 20 năm qua đều có công ăn việc làm, đều phát huy được năng lực của mình trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống.

Tôi cũng xin cung cấp thêm cho các bạn một thông tin nữa. Sinh viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ học ở Mĩ rất dễ tìm việc làm mà lương lại khá cao, khoảng 5000 đô la/tháng. Tuy nhiên, phải nói thêm rằng, những sinh viên như thế, ngoài những kiến thức truyền thống cần có, phải có những kiến thức hiện đại như Ngôn ngữ học tính toán, ngôn ngữ học kho ngữ liệu, để có thể sử dụng máy tính giải quyết những công việc bộn bề của đời sống có liên quan đến ngôn ngữ. Vừa rồi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có một tuyên bố rất đáng chú ý, đó là nên dạy ba thứ ngôn ngữ cho học sinh phổ thông: tiếng Việt, tiếng Anh và ngôn ngữ lập trình. Trong thời đại 5G này, muốn tiến nhanh, tiến mạnh không thể chỉ sử dụng các phương pháp thủ công mà cần am tường kĩ thuật số để giải quyết các vấn đề đặt ra. Khoa Ngôn ngữ học của chúng ta đã có những tiền đề như vậy. Một số luận án tiến sĩ về ngôn ngữ học kho ngữ liệu, ngôn ngữ học tính toán đã được thực hiện thành công ở khoa ta.

Kết luận lại, tôi mong muốn các bạn vững tin vào ngành học mà mình đã chọn, làm hết sức mình để tạo ra một trang sử mới cho ngành ngôn ngữ học của chúng ta.

Trên đây là vài lời tâm sự cùng các bạn đồng môn nhỏ tuổi vô cùng yêu quý của tôi.

Một lần nữa xin chúc quý vị đại biểu, các cô, các thầy cùng toàn thể các em mạnh khỏe và hạnh phúc.

Xin trân trọng cám ơn.

                                              Ngày 16 tháng 11 năm 2020

 Nguyễn Thiện Giáp

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay7,467
  • Tháng hiện tại153,778
  • Tổng lượt truy cập1,963,285
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây