Xung quanh ý tưởng “thêm 4 ký tự W, Z, J, F vào bảng chữ cái tiếng Việt để sử dụng trong công nghệ thông tin và hệ thống giáo dục”, VietNamNet trao đổi với GS Trần Trí Dõi, khoa Ngôn ngữ học,.
Có cần thêm F,J,W,Z trong bảng chữ tiếng Việt?
Xung quanh ý tưởng “thêm 4 ký tự W, Z, J, F vào bảng chữ cái tiếng Việt để sử dụng trong công nghệ thông tin và hệ thống giáo dục”, VietNamNet trao đổi với GS Trần Trí Dõi, khoa Ngôn ngữ học,.
GS Trần Trí Dõi: Về mặt ngôn ngữ học không có chuyện “tiếng Việt và chữ viết của nó” lại là trở ngại cho việc nó hòa nhập quốc tế.
Ảnh: Nguyễn Hường
|
Thưa GS, tiếng Việt được sáng tạo trên việc sử dụng ký tự Latinh để ghi âm tiếng Việt nhưng có phải tiếng Việt đã phức tạp hóa các chữ cái Latinh là W, Z, J, F thành các chữ kép? Đây có phải là lý do khiến tiếng Việt khó hòa nhập quốc tế?.
GS Trần Trí Dõi: Lập luận như vậy là không đúng. Nói rằng “Tiếng Việt được sáng tạo trên việc sử dụng ký tự Latinh để ghi âm tiếng Việt nhưng có phải tiếng Việt đã phức tạp hóa các chữ cái Latinh là W, Z, J, F thành các chữ kép” là nói ngược bản chất của vấn đề.
Đúng ra là “tiếng Việt là như vậy, khi sáng tạo ra chữ viết bằng ký tự Latinh, người đặt chữ viết đã dùng những con chữ tương thích đã có để phản ánh tiếng Việt”. Do đó, hoàn toàn không có chuyện “tiếng Việt đã phức tạp hóa các chữ cái Latinh là W, Z, J, F thành các chữ kép”. Nói như thế là một kiểu “bốc lửa bỏ bàn tay”, đổ vạ cho chữ viết của tiếng Việt.
Cho nên việc đặt tiếp câu hỏi “Đây có phải là lý do khiến tiếng Việt khó hòa nhập quốc tế?” thì mọi người có thể tự trả lời.
Nhân đây, tôi xin nói rằng về mặt ngôn ngữ học không có chuyện “tiếng Việt và chữ viết của nó” lại là trở ngại cho việc nó hòa nhập quốc tế. Cái trở ngại là do người sử dụng nó, người nhận nhiệm vụ làm cho nó hòa nhập thế giới không đủ hiểu biết để thực hiện nhiệm vụ nên đã đưa ra lý do để biện minh cho mình mà thôi. Nhiều chữ viết trên thế giới có thuận lợi bằng chữ viết của tiếng Việt đâu mà người ta vẫn không đặt ra vấn đề “khó hòa nhập quốc tế”.
Nếu đưa các ký tự này vào bảng chữ cái, chúng ta có nên thay đổi cách cấu tạo nên các từ trong tiếng Việt?
GS Trần Trí Dõi: Câu hỏi này đặt ra hai vấn đề khác nhau hết sức quan trọng đối với chữ viết tiếng Việt.
Đó là “đưa các ký tự này vào bảng chữ cái” của tiếng Việt hay là “thêm các ký tự này” dùng cho “công nghệ thông tin”.
Câu hỏi nêu ra thuộc vào vấn đề thứ nhất. Nếu mà định đưa các ký tự này vào bảng chữ cái, để từ đó làm thay đổi cách cấu tạo chính tả các từ trong tiếng Việt hiện nay, theo ý kiến riêng của tôi, sẽ là một “thảm họa” đối với chữ viết tiếng Việt. Và thảm họa này nó sẽ kéo theo thảm họa kép về giáo dục, về xã hội, về in ấn, về sự tiếp nối truyền thống văn hóa v.v.
Chúng ta nên nhớ, hậu quả của quy định về cách viết “i” hay “y” trong chính tả tiếng Việt xuất phát từ sự “tiện lợi” của máy tính đã hành hạ xã hội, hành hạ giáo dục ba mươi năm nay và vẫn sẽ chưa biết đến khi nào kết thúc. Bây giờ lại thêm việc “đưa các ký tự này vào bảng chữ cái, thay đổi cách cấu tạo nên các từ trong tiếng Việt” thì không biết sự hành hạ ấy sẽ lớn đến mức nào và sẽ kéo dài cho đến khi nào.
Còn nếu chỉ là việc “thêm các ký tự này” dùng cho “công nghệ thông tin” thì không liên quan gì đến bảng chữ cái tiếng Việt.
Môn học này, hay tài liệu giới thiệu về “công nghệ thông tin” chỉ cần nêu “phàm lệ” là đủ, không cần phải điều chỉnh bản chữ cái của tiếng Việt làm gì.
Nhân đây, tôi xin nói thêm rằng tiếng Việt là một vấn đề của ngôn ngữ học nên bản chất của nó là một vấn đề xã hội chứ không đơn thuần là một vấn đề của kỹ thuật. Cách suy nghĩ xuất phát từ kỹ thuật và nói rằng ngôn ngữ không đáp ứng cái yêu cầu của mình nó gần giống như việc người đóng giầy yêu cầu khách đẽo chân cho vừa với giầy mình đóng.
GS có ý kiến gì trước 3 lý do để đưa những ký tự này vào bảng chữ cái:
- Trong cộng đồng người sử dụng máy tính, các ký tự trên đã rất quen thuộc chủ yếu để cấu tạo nên các chữ cái ă, ư, â, ê, ơ.
- Ở một số môn học trong nhà trường, nhóm ký tự trên cũng được sử dụng, nhất là môn toán. Trong nhiều văn bản, sách báo đều có sử dụng các ký tự trên. Ví dụ chữ viết tắt của từ “trung ương” (TW).
- Trong các nhà trường hiện nay đều dạy công nghệ thông tin, công nghệ thông tin được xem là kiến thức cần phải phổ cập trong thời đại hiện nay”.
GS Trần Trí Dõi: Ba lý do trên chưa thể là ba lý do đủ để thuyết phục mọi người. Bởi vì:
- Nếu “Trong cộng đồng người sử dụng máy tính, các ký tự trên đã rất quen thuộc chủ yếu để cấu tạo nên các chữ cái ă, ư, â, ê, ơ.” thì việc có hay không có chúng đã thực sự không còn là trở ngại trong việc “ sử dụng máy tính”. Đã không có trở ngại, lại đặt thêm ra để làm phức tạp hóa bảng chữ cái của tiếng Việt. Làm như thế có phải là giống như người “không có việc gì nữa thì đặt việc ra mà làm vậy”.
- Còn như nói rằng “Ở một số môn học trong nhà trường, nhóm ký tự trên cũng được sử dụng, nhất là môn toán. Trong nhiều văn bản, sách báo đều có sử dụng các ký tự trên. Ví dụ chữ viết tắt của từ “trung ương” (TW).” thì lại càng không thuyết phục được. Bởi vì, trong môn toán chữ Việt vẫn là chữ Việt. Khi dùng chữ Việt trong môn toán, chữ viết ấy không đơn thuần chỉ là “ký tự” nữa mà nó đã trở thành “ký hiệu”, do đó các ký tự này cũng giống như những ký hiệu khác không phải ký tự. Nếu xuất phát từ môn toán, chắc cũng không ai đưa những ký hiệu như “>” vào “bảng chữ cái tiếng Việt”.
Còn như cho rằng tiếng Việt có cách viết “trung ương” (TW)” thì cần có thêm “W”. Nhưng trong tiếng Việt cũng có cách viết “trung ương” là (TƯ)”. Vậy vì lý do gì để phải dùng (TW) chứ không phải (TƯ)?
- Cuối cùng cách lập luận “Trong các nhà trường hiện nay đều dạy công nghệ thông tin, công nghệ thông tin được xem là kiến thức cần phải phổ cập trong thời đại hiện nay” để cho rằng xuất phát từ “kỹ thuật dạy công nghệ thông tin” cần phải điều chỉnh bảng chữ cái tiếng Việt thì càng không nên. Trong các nhà trường hiện nay kiến thức cần phải phổ cập đâu chỉ riêng công nghệ thông tin.
Nhân đây cũng xin nói rằng đúng là công nghệ thông tin cần phải phổ cập trong thời đại hiện nay nhưng cách phổ cập ở nước ta hơi có “đặc thù” một chút.
Đúng là trong khoảng bốn chục năm qua, công nghệ thông tin đã làm thay đổi thế giới. Nhưng nó có thành quả như vậy là nhờ những người làm công nghệ thông tin bằng chữ viết tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung v.v tạo ra kỹ thuật “thân thiện” với người dùng. Nét “đặc thù” ở nước ta là hình như người làm ra công nghệ thông tin luôn “muốn người dùng” thân thiện với người làm ra kỹ thuật.
Thực ra thì người đưa ra ý tưởng cho biết, việc đưa các ký tự này vào bảng chữ cái không nhằm mục đích thay đổi cách viết và phát âm tiếng Việt. Vậy nếu đưa vào, chúng ta nên có quy định riêng, lý giải riêng đối việc sử dụng các ký tự đặc biệt này? Ví dụ: dùng trong các ký hiệu hóa học, toán học, một số cách viết tắt…và xuất hiện trong các từ tiếng Anh được Việt hóa như quần Jean… theo kiểu từ mượn.
GS Trần Trí Dõi: Nếu như thế thì không nên đặt vấn đề “đưa các ký tự này vào bảng chữ cái” tiếng Việt. Bởi vì khi đưa vào tuy không nhằm mục đích thay đổi cách viết và phát âm tiếng Việt nhưng ký tự chữ viết của mỗi ngôn ngữ là một hệ thống hoàn chỉnh. Sự thêm bớt ký tự sẽ làm thay đổi giá trị của nó trong hệ thống. Lúc đó, làm sao mà ngăn chặn được tác động tự bản thân hệ thống được.
Cho nên, muốn dùng trong các ký hiệu hóa học, toán học, một số cách viết tắt…thì chỉ cần có quy định riêng là đủ. Còn từ tiếng Anh cho dù theo kiểu từ mượn được viết là Jean để chỉ một loại quần thì đó không phải là Việt hóa mà là “Anh hóa”.
Nếu vậy, chúng ta nên giới thiệu các ký tự này ở bậc học nào?
GS Trần Trí Dõi: Ở bậc học khi học môn “công nghệ thông tin” hay môn cần phải học.
Nếu không dùng để cấu tạo từ tiếng Việt, chúng ta có nhất thiết đưa vào bảng chữ cái, hay chỉ cần giới thiệu như một nội dung trong môn tiếng Việt? Việc đưa vào như vậy có ảnh hưởng đến bảo toàn sự trong sáng của ngôn ngữ truyền thống?”
GS Trần Trí Dõi: Về việc dạy và dùng tiếng Việt, không nên và không cần đặt ra vấn đề thêm bớt hay thay đổi bảng chữ cái hiện tiếng Việt đang dùng. Nếu có việc thay đổi ấy, đâu chỉ là chuyện có ảnh hưởng đến việc bảo toàn sự trong sáng của ngôn ngữ truyền thống.
Trường hợp quy định về cách viết “i” hay “y” trong chính tả tiếng Việt cho đến bây giờ đã ngã ngũ đâu và hậu quả vô hình của nó là không nhỏ. Còn môn học nào cần bổ sung như một “ký hiệu” thì chỉ nên giới thiệu hay quy định ở môn học ấy là đủ.
“Đối với sự thay đổi ngôn ngữ, chữ viết truyền thống của dân tộc, GS có khuyến cáo gì đối với dự thảo sắp tới sẽ được công bố hoặc với những đề xuất khác?”
GS Trần Trí Dõi: Nhân câu hỏi này, tôi nghĩ đã đến lúc cần phải nói một cách thật thà cho dù biết rằng “nói thật thì mất lòng nhau”.
Tiếng Việt và chữ viết hiện nay của tiếng Việt đủ đảm bảo cho dân tộc chúng ta phát triển sánh vai với các quốc gia khác nếu biết sử dụng đúng.
Như bạn biết, thông tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết: “Chủ trương soạn thảo thông tư này không phải bây giờ mới có. Trước đây, Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học - công nghệ) và Bộ Thông tin - truyền thông cũng từng đặt vấn đề soạn thảo thông tư chuẩn hóa một số vấn đề của tiếng Việt nhưng chưa làm được”.
Bạn thử suy nghĩ vì sao chủ trương điều chỉnh chữ viết tiếng Việt không phải bây giờ mới có và Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học - công nghệ) rồi đến Bộ Thông tin - truyền thông cũng từng đặt vấn đề soạn thảo thông tư chuẩn hóa một số vấn đề của tiếng Việt nhưng chưa làm được không?
Theo suy nghĩ của tôi, nói rằng Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học - công nghệ) đặt vấn đề soạn thảo thông tư chuẩn hóa một số vấn đề của tiếng Việt nhưng chưa làm được là chưa cân nhắc kỹ. “Chưa làm được” hay “không nên làm”, rất có thể là một trong hai lý do đó chứ. Đâu có phải là các vị thuộc Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước trước đây thấy cần thiết mà “không chịu làm”?
Còn Bộ Thông tin - Truyền thông cũng từng đặt vấn đề soạn thảo thông tư chuẩn hóa một số vấn đề của tiếng Việt nhưng chưa làm được lại là chuyện khác. Vì tiếng Việt và chuẩn hóa tiếng Việt là một vấn đề của khoa học xã hội.
Ở nước ta, có viện “Ngôn ngữ học” của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, có các khoa chuyên Ngôn ngữ học của các trường Đại học nhưng những đơn vị này có được giao nhiệm vụ đâu. Chỉ mình Bộ Thông tin – Truyền thông với chức năng “thông tin - truyền thông” thì khi bàn về “chuẩn hóa một số vấn đề của tiếng Việt” liệu có làm tốt không.
Còn vào lúc này Bộ GD-ĐT lại giao cho những nhà làm “công nghệ thông tin” chủ trì soạn thảo thông tư chuẩn hóa một số vấn đề của tiếng Việt thì đúng là cách làm “vào thời buổi giáo dục bây giờ”. Chắc là những nhà làm “công nghệ thông tin” của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm được những gì mà và Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học - công nghệ) rồi đến Bộ Thông tin - truyền thông đã chưa làm được? Tôi không nghĩ như vậy vì ở đây vẫn lẫn lộn chuyên môn.
Vì thế, bạn hỏi tôi “có khuyến cáo gì đối với dự thảo sắp tới sẽ được công bố hoặc với những đề xuất khác?” hay không thì tôi chỉ xin đề nghị như sau:
Nếu như chỉ xuất phát từ yêu cầu “điều chỉnh” của “công nghệ thông tin” thì chỉ là công việc của riêng môn “công nghệ thông tin”. Không nên gắn nó với việc điều chỉnh bảng chữ cái chính tả tiếng Việt liên quan đến hoạt động giáo dục hiện nay, vì chữ viết và chính tả là một vấn đề xã hội. Việc điều chỉnh bảng chữ cái chính tả tiếng Việt liên quan đến hoạt động giáo dục chắc chắn sẽ tiêu tốn rất nhiều “tiền thuế của dân” và nhiều chuyện chi phí vô hình khác. Liệu chúng ta đảm bảo với người dân việc chi tiêu ấy chắc chắn đã đến lúc là cần thiết và có kết quả tốt?
-Xin cảm ơn GS!
Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin: Sẽ công bố và tiếp thu ý kiến trong vòng 60 ngày
Hiện nay, ban soạn thảo bao gồm các nhà ngôn ngữ học, chuyên gia công nghệ thông tin và các nhà giáo vẫn đang tiếp tục hoàn chỉnh bản dự thảo thông tư.
Những thông tin ban đầu về nội dung dự thảo thông tư này chưa đầy đủ và không chính thức. Còn nhiều vấn đề ban soạn thảo vẫn đang phải tiếp tục thảo luận và tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn.
Theo quy trình, sau khi hoàn thành dự thảo sẽ được công bố trên trang web của Bộ GD-ĐT để tiếp thu ý kiến góp ý trong 60 ngày. Sau đó chúng tôi cũng sẽ tổ chức hội thảo với các chuyên gia về ngôn ngữ và công nghệ thông tin. Vì vậy, khi thông tư còn đang trong quá trình soạn thảo, mọi sự đánh giá, góp ý đều không có cơ sở.(Theo Tuổi Trẻ)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT, người phát ngôn của Bộ: “Thông tư Ban hành Quy định về sử dụng font chữ tiếng Việt trên máy tính trong hệ thống giáo dục quốc dân” chưa có phiên bản đầu tiên.
Trong công văn gửi tới báo chí chiều 10/8, ông Hùng nói rõ thêm: Trong hai ngày vừa qua, một số báo có thông tin về việc trong dự thảo “Thông tư Ban hành Quy định về sử dụng font chữ tiếng Việt trên máy tính trong hệ thống giáo dục quốc dân” của Bộ GD-ĐT có nội dung: “thêm ký tự F, J, W, Z trong bảng chữ cái tiếng Việt”. Về việc này, Bộ GD-ĐT có ý kiến như sau:
1. Việc đề xuất “Thêm ký tự F, J, W, Z cho bảng chữ cái tiếng Việt” chỉ là ý kiến cá nhân một số cán bộ nghiên cứu của Cục Công nghệ Thông tin. Các ý kiến này chưa được đưa ra thảo luận trong Ban soạn thảo, càng không phải là chủ trương, ý kiến của Bộ GD-ĐT.
2. Theo quy định, trong quy trình xây dựng Thông tư, có việc xin ý kiến rộng rãi qua mạng. Nhưng đến nay, bản dự thảo vẫn chưa có được phiên bản đầu tiên, chưa có nội dung cụ thể để phát triển thành văn bản của Thông tư, nên chưa đến giai đoạn công bố để xin ý kiến rộng rãi.
|
Nguồn: Vietnamnet, 11/8/2011