Về Truyện Hoa Tiên, trước nay thường có những băn khoăn, như :
---Nguyễn Thiện nhuận sắc Hoa Tiên vào khoảng những năm nào ?
---Sự nhuận sắc Hoa Tiên xẩy ra trước hay sau khi Truyện Kiều hoàn thành ?
---Câu nào Truyện Kiều chịu ảnh hưởng của Hoa Tiên ? Câu nào, ngược lại, Hoa Tiên chịu ảnh hưởng của Truyện Kiều ?
vân vân.
Nguyễn Tài Cẩn
1.
Về Truyện Hoa Tiên, trước nay thường có những băn khoăn, như :
---Nguyễn Thiện nhuận sắc Hoa Tiên vào khoảng những năm nào ?
---Sự nhuận sắc Hoa Tiên xẩy ra trước hay sau khi Truyện Kiều hoàn thành ?
---Câu nào Truyện Kiều chịu ảnh hưởng của Hoa Tiên ? Câu nào, ngược lại, Hoa Tiên chịu ảnh hưởng của Truyện Kiều ?
vân vân.
Để làm sáng rõ những vấn đề như vậy, trước hết cần phải quay trở lại các văn bản cổ nhất có thể có. Theo ý chúng tôi, trong tình hình hiện nay, nên đặc biệt chú ý đến 3 bản cổ sau đây :
---Bản chép tay còn lại 1532 câu (không kể 2 bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán), do cụ Đào Duy Anh đã tìm được ở gia đình Nguyễn Huy Tự tại Lai Thạch ; Cụ Đào Duy Anh đã nộp bản Nôm cho Bảo Tàng lịch sử còn bản phiên Quốc ngữ thì Cụ đã công bố.
--- Bản chép tay HOA TIÊN KÍ (đệ bát tài tử) DIỄN ÂM, 1844 câu, kí hiệu thư viện là AB-269, có tựa năm 1829 của Vũ Đại Vấn và tựa năm 1843 của Cao Chu Thần ; theo ý kiến chung, có thể gọi đây là bản của Vũ Đại Vấn.
--- Và bản HOA TIÊN NHUẬN CHÍNH 1766 câu, in mộc bản năm 1875./1/. Bản này giới nghiên cứu thường cho là của Nguyễn Thiện.
2.
Vấn đề then chốt cần phải chọn ra để giải quyết trước tiên, khi nghiên cứu ba bản cổ đã đề nghị, có lẽ đó là vấn đề kị huý.
Chúng tôi cho rằng chữ huý chính là cái chìa khoá có thể mở ra nhiều hướng suy nghĩ nên trước đây cũng đã có đề cập sơ qua. Nay xin bàn đến nhiều chi tiết hơn, và xin tập trung đi sâu hơn vào bản HOA TIÊN NHUẬN CHÍNH, tức bản in năm 1875.
Nhận định số một của chúng tôi là : bản HOA TIÊN NHUẬN CHÍNH là bản hoàn toàn không theo lệnh kị huý năm 1803 đầu đời Gia Long.So sánh với các bản Kiều in đồng thời với nó như Liễu Văn Đường (LVĐ, 1866,1871), Duy Minh Thị (DMT, 1872), Quan Văn Đường (QVĐ, 1879), Thịnh Mĩ Đường (TMĐ,1879)... chúng ta thấy :
---Chữ LAN là tên huý mẹ cả Gia Long, lệnh năm 1803 bắt phải thay bằng HƯƠNG. Trong Truyện Kiều có 6 chữ LAN, bản DMT thay triệt để 100%, các bản LVĐ, QVĐ,TMĐ cũng thay 4 trên 6 chữ.
Nhưng bản HOA TIÊN NHUẬN CHÍNH vẫn để nguyên 9 chữ LAN, hoàn toàn không kị huý.
---Chữ CHỦNG /đọc Nôm thì thành GIỐNG/ là tên huý Gia Long. Theo lệnh 1803, phải thay CHỦNG / GIỐNG bằng chữ THỰC. Tuy văn cảnh không cho phép dùng THỰC, nhưng bản Kiều nào cũng gắng chấp hành triệt để, tìm cách tối đa để thay GIỐNG bằng chữ này hay chữ nọ : bản DMT thay được 6 trên 7 trường hợp ; bản TMĐ thay được 5 trên 7, hai bản LVĐ, QVĐ cũng thay được 4 trên 7 lần (thay bằng THÓI, CHỐN, HỆT, TẠC, KHÉO, HẠI...).Trong các trường hợp không tìm ra chữ thay thế được, nhìn chung cả 4 bản đều phải dùng biện pháp thay đổi tự dạng. Chỉ có một lần duy nhất, ở câu 853, là bản LVĐ/1871 vẫn in đúng chữ CHỦNG / GIỐNG. Nhưng đó là do lỗi của nhà in, vì lần in trước, bản LVĐ/1866 vẫn nhớ kị huý, thay bộ HOÀ bằng bộ THỦ.
Trong HOA TIÊN tình hình khác hẳn thế : ở thơ chữ Hán, bản AB-269 không kị huý CHỦNG ; ở thơ Nôm, câu 164, bản in năm 1875 có kị huý, nhưng chậm mãi về sau, và không phải kị huý theo lệnh như bên TRUYỆN KIỀU / 2/. Ở câu Kiều
Làm chi đem THÓI khuynh thành trêu ngươi
tất cả 4 bản Kiều DMT, LVĐ,QVĐ,TMĐ đều nhất luật thay GIỐNG bằng THÓI !
Nhưng ở câu 164 bên HOA TIÊN NHUẬN CHÍNH
Làm chi đem GIỐNG khuynh thành trêu ai
chữ GIỐNG vẫn không bị thay, người biên tập bản 1875, chắc vì sợ nên chỉ đổi bộ HOÀ thành bộ KHẨU cho khác tí chút về mặt tự dạng mà thôi !
Với cứ liệu kị huý như vậy, rõ ràng là các giả thuyết trước đây không thể đứng vũng :
--- như ý kiến Cụ Hoàng Xuân Hãn sơ bộ đề ra ở Thanh Nghị : “Hoa Tiên được nhuận sắc trước 1815-1820” ;
--- hay như ý kiến của Cụ Đào Duy Anh trong Tri Tân : “Hoa Tiên được nhuận sắc sau khoảng 1805-1809” ;
---hay như ý kiến sơ kết năm 1961 của G.S. Lại Ngọc Cang : “Thời gian nhuận sắc nằm vào khoảng trong ngoài 1810 vài năm “/2/.
Lẽ nào một lệnh nghiêm ngặt như lệnh mới ban ra năm 1803 mà một người nhuận sắc Hoa Tiên ngay trong đời Gia Long lại dám không tuân thủ như thế ?
3.
Để tránh một sự khó hiểu như vậy, chúng tôi nghĩ rằng nên đẩy lùi sự nhuận sắc của Nguyễn Thiện lên khoảng 10 năm cuối cùng của thế kỉ XVIII. Chúng tôi ngờ rằng trong HOA TIÊN NHUẬN CHÍNH đang còn những chứng cớ : đó là các vết tích kị huý may mắn còn sót lại từ thời Lê Trịnh.
Nếu cứ tạm cho rằng mọi trường hợp in chép không đúng với tên vua chúa đều là trường hợp nghi vấn, đặt vấn đề có khả năng kị huý, thì chúng ta cần phải cùng nhau cân nhắc kĩ về các trường hợp sau đây.
a) Trước hết là trong bản HOA TIÊN NHUẬN CHÍNH, in năm 1875 :
---Trường hợp có thể có kị huý vua Lê Trang Tôn (1533-1548), ông vua đầu tiên của thời Trung hưng. Tên huý của vua là chữ NINH với nghĩa là "yên lặng ". Trong bản 1875, ở câu 684 và câu 1270 chữ NINH đó viết bỏ chữ TÂM, ở câu 1679 nó lại viết tắt.
---Trường hợp có thể có kị huý ngọai tổ các chúa Trinh : trong bản HOA TIÊN NHUẬN CHÍNH in năm 1875, chữ KIM đã viết theo tự dạng chữ CHÂM ở bốn câu 465,527,973,1476. (Bản AB-269 thì vẫn để nguyên chữ KIM, vì có lí do sẽ nói sau !)
---DẦM DỀ là dạng xát hoá của ĐẦM ĐÌA, vì vậy DẦM thường viết bằng chữ ĐÀM. Nhưng ĐÀM lại là tên huý của vua Lê Thế Tông (1573-1600). Do đó trong Hoa Tiên -- cũng như trong các bản Kiều LVĐ, DMT, QVĐ, TMĐ -- đã phải dùng thanh phù DÂM thay cho cách viết ĐÀM : như ở câu 1449 trong bản 1875.
--- Chữ THANH trong tước THANH VƯƠNG của chúa Trịnh Tráng (1623-1657), bản in năm 1875 đã lược bỏ bộ THUỶ ở câu 1470n:
Rồi ra lá kệ, phiếu kinh
Mặc tiêu sái đấy cho THANH THẢ đời
--- Ở hai câu 1229, 1230 bản 1875 có chữ TÂY nằm trong tước TÂY VƯƠNG của chúa Trịnh Tạc (1657-1682 ).
Bấy lâu một tấm riêng TÂY
Ái ân này đến đêm này là xong
Chữ TÂY đó cũng in chép không bình thường : bộ phận ở dưới chép trông như trong chữ DIỆN với nghĩa là “mặt”.
---Cũng đáng chú ý là cách viết khá phổ biến chữ ĐÀO (đài bộ MỘC lên trên !!!) để né tránh khả năng nhầm lẫn với tên huý vua Hiển Tông (1740- 1786)
---Trường hợp tên huý chúa Trịnh Doanh (1740-1767) với nghĩa là “cây cột trước nhà”, theo vận thư thì phải đọc là DINH (vì thuộc thanh mẫu DĨ, vận bộ THANH, tam đẳng, bình thanh, khai khẩu), xưa nay ta quen đọc DOANH là do đã kị huý. Trong Hoa Tiên chỉ có chữ DOANH (với nghĩa là “chỗ quân lính ở”, thuộc thanh mẫu DĨ, vận bộ THANH, tam đẳng, bình thanh, hợp khẩu) Nhưng chữ này cũng đọc DINH như trong DINH THỰ nên trong các văn bản cũng đã kị huý : ở bản 1875, câu 448, ĐÀI DINH của Nguyễn Huy Tự đã được đổi thành ĐÀI SEN.
---Tên huý hai vua Thần Tông (1619-1662) và Chiêu Thống (1787-1788) vốn đọc khác nhau, nếu theo vận thư, nhưng người Việt đã đồng âm hoá thành KÌ cả. Trong HOA TIÊN NHUẬN CHÍNH, ở chữ CỜ câu 433, bộ MỘC đã thay bằng bộ THỦ và ở trên đầu lại thêm ba chấm theo lối gia dạng : đó chắc là cách tránh cho xa tự dạng tên huý THỊ+KỲ của Thần Tông.
Còn về việc tránh âm cả Thần Tông cả Chiêu Thống thì ở câu188, bản 1875 đã đổi “Trăng KÌ tròn khuyên” thành “Trăng KHI tròn quyền” (QUYỀN như trong HỔ QUYỀN, với nghĩa là nơi có tường cao vây tròn để đấu hổ hay nuôi hổ).
b) Bản AB-269 chắc đã chịu ảnh hưởng của NguyễnThiện nên nó cũng có lưu lại một số vết tích :
---như ở câu 1288, chữ TÂM trong NINH cũng bị lược bỏ còn ở câu 1733 thì chữ NINH (kị huý bằng viết tắt trong bản 1875 ) lại bị thay bằng chữ khác, xin so sánh :
Ở bản 1875, 2 câu 1678, 1679 :
Mấy lời sắt đá ĐINH NINH
Khúc tằm đem mối TƠ TÌNH gỡ ra
Ở bản AB-269, câu 1733:
Duyên kia người đã GIÚP NÊN
Khúc tằm đem mối TƠ PHIỀN gỡ ra
---Ở câu 106 DÂM cũng thay cho cách viết ĐÀM ;
---Ở câu 450 bản AB-269 đổi ĐÀI SEN trở lại thành ĐÀI DINH và chữ DINH lại kị huý theo kiểu trong các bản Kiều DMT, LVĐ, QVĐ, TMĐ : thay bộ MỘC trong tên chúa bằng bộ THẢO. Cũng có người chú thích vào bên cạnh là nên kị huý thành ĐÀI GƯƠNG.
--- Ở câu 1124 bản AB-269 đã đổi “nhân KỲ phó cử” thành “nhân KHI phó cử”. Ngoài ra, ở câu 1133, bản AB-269 lại còn đổi “Mây gió gặp KÌ” thành “Mây gió gặp THÌ”.
Nói đến thi cử thì người ta thường nói KỲ THI chứ không ai nói THÌ THI. Rõ ràng cũng như KHI, THÌ chỉ là một vết tích còn lại của việc tránh âm KÌ.
4.
Nói chung có thể có người không tin các vết tích kị huý trên đây. Họ có thể viện dẫn những cách giải thích hoàn toàn khác, chẳng hạn :
---Chữ CỜ ở câu 433, chữ TÂY ở câu 1229 chỉ là những trường hợp in sai, bất thành tự ;
---chữ NINH thiếu bộ TÂM, chữ DOANH có bộ THẢO tuy ít gặp hay không có mặt trong chữ Hán, nhưng trong chữ Nôm chúng lại được phép dùng ;
---ĐÀO (= THỦ+ TRIỆU) và ĐÀO (= THỦ trên TRIỀU) chỉ là 2 cách viết của cùng một chữ, đều chấp nhận được cả, ngay trong tiếng Hán ;.
---KIM với CHÂM, ĐÀM với DÂM,THANH có bộ THUỶ hay bỏ bộ THUỶ v.v. đều là những cặp chữ chỉ khác nhau trong tiếng Hán, nhưng trong chữ Nôm chúng lại có thể có vai trò thay thế được nhau ;
---Còn đổi ĐÀI DOANH thành ĐÀI SEN, đổi KÌ thành KHI, THÌ v.v. thì đó chỉ là chuyện nhuận sắc rất bình thường, ở văn bản nào cũng có thể gặp.
---vân vân và vân vân.
5.
Chúng tôi cũng biết có những hiện tượng như vậy trong chữ Nôm. Nhưng nếu chỉ dựa vào đặc điểm của chữ Nôm, coi đó là nguyên nhân duy nhất có thể giải thích tất cả thì e rằng có những câu hỏi chúng ta sẽ không thể trả lời được, ví dụ :
---Tại sao những chuyện trên đây lại đều chỉ tập trung ở tên vua Lê chúa Trịnh và tập trung khá nhiều như vậy ? và không những chỉ ở Hoa Tiên mà ở cả Truyện Kiều ?
--- Tại sao có những hiện tượng Nôm chỉ xẩy ra ở bản 1875 mà không xẩy ra ở bản AB-269
(như chuyện “chép sai” chữ CỜ, chữ TÂY... hay chuyện đổi KIM thành CHÂM... ) ?
---Hoặc tại sao có những tỷ lệ khác nhau quá lớn như vậy giữa hai bản 1875 và AB-269 ? So sánh :
để chỉ hoa đào, giữa hai cách viết MỘC trên TRIỆU và MỘC bên trái TRIỆU bản 1875 đã chọn theo tỷ lệ 12 và 8 trong khi bản AB-269 lại chỉ chọn tỷ lệ 1 và 22 !!
Rõ ràng cần phải nghĩ thêm đến nguyên nhân kị huý. Để chắc chắn, chúng ta hãy xét hai trường hợp phổ biến sau đây : trường hợp kị huý ông tổ chung của cả họ Trịnh, họ Nguyễn và trường hợp kị huý vua Lê Cảnh Hưng ( Hiển Tông ).
+++Bản 1875 bốn lần đổi KIM thành CHÂM còn bản AB-269 không đổi một lần nào, vì sao ?
Xin thưa : vì hai họ Trịnh Nguyễn có chủ trương khác nhau ! Phía họ Trịnh, năm 1736, chúa Trịnh Cương chủ trương phải đổi khác tự dạng chữ KIM ; phía họ Nguyễn, ngược hẳn thế, năm 1825, Minh Mạng lại chỉ bắt “ tránh âm CAM (hay CÁM,CẢM ? ) và không được dùng để đặt tên người chữ có cấu trúc THỦY+ KIM”.
Vậy có sự khác nhau là do chỗ bản 1875 theo họ Trịnh, còn bản AB-269 lại theo họ Nguyễn.
+++Cũng vậy, vì sao bản 1875 còn 12 (trên tổng số 20) vết tích viết chữ ĐÀO với bộ MỘC ở trên chữ TRIỆU trong lúc bản AB-269 lại chỉ có tỷ lệ 1 trên 23 ? Ai cũng biết kinh nghiệm kị huý cho thấy bộ THỊ rất dễ nhầm với bộ MỘC /3/, viết chữ ĐÀO theo lối bình thường (MỘC + TRIỆU ) thì rất dễ nhầm với chữ DIÊU ( THỊ + TRIỆU), tên huý vua Lê Cảnh Hưng. Nguyễn Thiện đã kiêng né chữ huý chúa Trịnh Doanh trị vì từ năm 1740, kiêng âm cả tên huý vua Chiêu Thống trị vì trong khoảng 1787-1788 thì lẽ nào không kiêng huý ông vua Lê đã làm vua suốt khoảng 46 năm ấy ? Đó là lí do vì sao còn 60% chữ ĐÀO viết tránh xa chữ DIÊU ở HOA TIÊN NHUẬN CHÍNH. Bản AB-269 dầu có chịu ảnh hưởng của Nguyễn Thiện, nhưng biên soạn mấy mươi năm về sau :dễ hiểu vì sao nó còn giữ được chỉ 1 chữ ĐÀO kiêng huý mà thôi, 22 trường hợp còn lại đều viết với bộ MỘC bên trái theo cách bình thường.
6.
Rõ ràng bản nhuận chính của Nguyễn Thiện có vết tích kị huý Lê Trịnh. Chắc Nguyễn Thiện nhuận sắc Hoa Tiên vào khoảng trong thập kỉ cuối cùng của thế kỉ XVIII : sau năm 1790 là năm Nguyễn Huy Tự mất và cũng là năm Nguyễn Du đã phác thảo xong Đoạn trường tân thanh ! Nguyễn Huy Tự có mất rồi thì Nguyễn Thiện mới dám mạnh tay nhuận sắc, không sợ mang tiếng bất kính đối với bậc trưởng thượng. Đoạn trường tân thanh có hoàn thành rồi thì Nguyễn Thiện mới có cái hào hứng và cái mẫu mực để noi theo.
Đặt thời điểm như vậy thì quan hệ giữa Hoa Tiên và Đoạn trường tân thanh từ đây cũng dễ thấy : có chỗ thì rõ ràng Nguyễn Du đã tiếp thu từ Nguyễn Huy Tự ; có chỗ thì lại chính Nguyễn Du đã ảnh hưởng đến Nguyễn Thiện.
---Không khó khăn để tìm ra những câu Kiều chứng tỏ Kiều học theo nguyên bản Hoa Tiên : chỉ cần so sánh một trường hợp sau đây là đủ thấy :
*** N.H.Tự, câu 95: Thiên nhiên sẵn đúc dầy dầy
N. Du, câu 1312: Dầy dầy sẵn đúc một toà thiên nhiên
Câu N. H.Tự viết trước, vậy câu của Nguyễn Du là câu học theo.
---Và cũng không khó khăn để tìm ra những câu Hoa Tiên chứng tỏ chiều hướng ngược lại :bản nhuận chính đã bắt chước theo Kiều. So sánh :
***N.H.Tự, câu 319 : Chối từ sinh hãy rón lời
N. Du, câu 1985 : Dối quanh sinh mới liệu lời
N. Thiện, câu 317 : Dối quanh sinh hãy chọn lời
Nguyễn Thiện nhuận sắc Hoa Tiên sau khi Đoạn trường tân thanh đã hoàn thành. Vậy rõ ràng Nguyễn Thiện đã chữa Nguyễn Huy Tự theo lối Nguyễn Du.
7.
Tìm ra được một cách chắc chắn trình tự trước sau giữa ba bản A (NGUYỄN HUY TỰ), B (NGUYỄN THIỆN) và C ( V.ĐẠI VẤN ) thì cũng dễ dàng hình dung được 5 khả năng thay đổi khác nhau giữa chúng :
---Khả năng 1/ A A A
---Khả năng 2/ A A C
---Khả năng 3/ A B B
---Khả năng 4/ A B A
---Khả năng 5/ A B C
Trường hợp 1 : văn bản N.Huy Tự được tôn trọng, hai bản 1875 và AB-269 vẫn giữ nguyên như thế, ví dụ trong hai câu :
Gió thanh hây hẩy gác vàng
Thảnh thơi chèo Phó, nhẹ nhàng gánh Y
Trường hợp 2 : bản 1875 theo đúng nguyên tác, chỉ đến Vũ Đại Vấn mới thay đổi ; Ví dụ hai câu có ở NH.Tự, N.Thiện :
Phong nghi khác giá, từ chương tót loài
Gấm hoa tài mạo gồm hai
sang đến bản AB-269 thì chuyển thành :
Phong TƯ ĐIỂM giá, từ chương tót lòai
MẶT hoa, tài GẤM gồm hai
Trường hợp 3 : Nguyễn Thiện chữa nguyên tác và Vũ Đại Vấn theo Nguyễn Thiện, xin so sánh :
---Ở NH.Tự : Trâm thân có đấng họ Lương truyền nhà
---Ở bản 1875 và bản AB-269 : KHÍ THIÊNG ĐÚC LẠI họ Lương MỘT nhà
Trường hợp 4 : Nguyễn Thiện chữa Ng. Huy Tự nhưng Vũ Đại Vấn lại phục hồi theo nguyên tác. Xin so sánh :
---Ở NH. Tự : huý Phương Châu, tự Diệc Thương
---Ở N. Thiện : Phương Châu BIỂU TỰ Diệc Thuơng
---Ở VĐ.Vấn : huý Phương Châu, tự Diệc Thương
Trường hợp 5 : Cả ba bản đều khác nhau. So sánh :
---Ở NH.Tự : Rằng Tô Châu, dải Ngô Giang
---Ở N. Thiện : CÕI Tô Châu, dải Ngô Giang
---Ở VĐ.Vấn : MIỀN Tô Châu, dải Ngô Giang
Sự giống khác nhau giữa ba bản có khả năng thể hiện ra không những ở từ ngữ bên trong câu như vừa thấy trên đây mà còn có khả năng thể hiện ra ở cả việc bỏ câu, thay thế câu hay thêm số lượng câu nữa. Nhưng những điều này đều đã được các nhà nghiên cứu trước đây phân tích, thống kê và cho dẫn liệu khá đầy đủ, vì vậy chúng tôi xin phép được miễn bàn thêm.
Nguyễn Tài Cẩn
Chú thích:
1/ Xin thành thực tri ân anh Al. Lê đã in photocopie, gửi cho đầy đủ hai loai văn bản sau.
2/ Xin xem Lại Ngọc Cang - Truyện Hoa Tiên, Nhà xuất bản văn hoá, 1961. Riêng về việc thay đổi ý kiến của cụ Hoàng Xuân Hãn, xin xem Tạp chí Văn học, số 3-1997.
3/Sự dễ nhầm lẫn giữa bộ THỊ và bộ MỘC đã được đề cập đến trong lệnh kiêng huý lần thứ năm đời Thiệu Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn