Khoa Ngôn ngữ học

https://ling.ussh.vnu.edu.vn


Tưởng nhớ anh Phạm Đán Bình

Nhà giáo Phạm Đán Bình, nguyên là Trưởng Ban Việt học của Đại học Paris 7, một người đồng nghiệp, một người bạn thân thiết của Khoa Ngôn ngữ học mới từ trần tại Paris ngày 24 tháng 2 năm 2011. Để tưởng nhớ nhà giáo Phạm Đán Bình, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Đặng Tiến về anh, đăng trên Diễn đàn (Pháp).

Tưởng nhớ anh Phạm Đán Bình
(1936-2011)

                                                                    Đặng Tiến

Nhà giáo Phạm Đán Bình, nguyên là Trưởng Ban Việt học của Đại học Paris 7, một người đồng nghiệp, một người bạn thân thiết của Khoa Ngôn ngữ học mới từ trần tại Paris ngày 24 tháng 2 năm 2011. Để tưởng nhớ nhà giáo Phạm Đán Bình, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Đặng Tiến về anh, đăng trên Diễn đàn (Pháp).
 
Anh Bình với tôi là chỗ cố tri, một phút đã trở thành cố sự. Anh qua đời ngày 24 tháng 2, trong thời gian tôi nhập viện và còn nằm trên giường hồi sức.

Tôi quen anh vào khoảng 1968 – sau tháng 5/1968 – sau khi mở hoà hội Paris về Việt Nam, thời gian nhiều xao động tại Pháp.

Sống tạm bợ tại Paris, tôi tìm được chân dạy học phù động, dạy Pháp văn trong một tư thục Orléans, và Bình cũng có dạy ở đó. Anh thân thiết và tha thiết với gia đình anh Nguyễn Văn Châu, cùng dạy học, đông con.

Trước đấy, thời sinh viên ở Sài gòn, tôi viết văn và có quen với Phạm Đình Khiêm nhà văn trong Tinh Việt Văn Đoàn, là anh ruột Phạm Đán Bình. Sơ giao thôi, nhưng cũng là chút duyên làm cầu nối giữa chúng tôi. Bình là tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, mê say văn học, tánh tình trẻ trung, sức khỏe dồi dào, đi mà tuyên úy cho hướng đạo sinh Thiên Chúa, mùa hè nào cũng đi leo núi, cắm trại. Có lúc tôi đi theo, hụt hơi.

Anh không tiếp tục dạy học, muốn dành trọn thì giờ cho luận án văn chương, về ảnh hưởng thơ Pháp trên sự thành hình của Thơ Mới Việt Nam, dường như dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Le Dantec.

Anh Phạm Đán Bình bình sinh là người chân chỉ, chăm chỉ, thận trọng đến chậm chạp, luôn luôn hòa nhã, độ lượng và tận tụy phục vụ người khác. Anh ngày ngày đi mobylét vào thư viện ghi chép tư liệu rồi lên phiếu để tích lũy kiến thức. Cho đến một hôm mất cặp, mất phiếu, và mất tinh thần.
Vào khoảng 1970, anh thường đến Hội Huynh Đệ Việt Nam, 18 Cardinal Lemoine, của Cha Nguyễn Đình Thi, để than thở. Công việc do đó, chậm đi, nhưng rồi cuối cùng vẫn viên mãn.

Cũng vào thời gian này, Đại học Paris 7, đóng ở Censier, mở ban Việt học, phụ theo với ban Hán học do Giáo sư Jacques Gernet phụ trách. Ông Gernet giao cho anh Tạ Trọng Hiệp mở ban Việt Học ; lúc đầu chủ yếu là dạy tiếng Việt, vào niên khóa 1969. Anh Hiệp yêu cầu tôi phụ trách phần dạy tiếng Việt và cần một « huấn luyện viên » (moniteur) luyện giọng tại phòng thính âm. Tôi đề nghị anh Bình vì trong khả năng của anh : anh phát âm giọng Bắc rất chuẩn.

Từ đó, dần dần anh lãnh thêm phần giảng huấn, soạn sách giáo khoa tiếng Việt cho sinh viên Pháp – rất khoa học và sư phạm. Rồi được vào biên chế thực thụ, có lúc điều khiển toàn ban Việt Học của Đại Học Paris 7 Denis Diderot, có ký thỏa ước hợp tác với Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chức thì nghe oai, nhưng anh chỉ lo việc nội bộ, hành chính.

Phạm Đán Bình vào chủng viện từ nhỏ, giỏi tiếng Pháp, phát âm không dấu giọng, viết tiếng Pháp lưu loát, nhẹ nhàng, thậm chí bay bướm. Do đó dịch thơ Việt-Pháp đúng và hay.
Thơ Xuân Diệu : 

Trăng vú mộng đã muôn đời thi sĩ
Dơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy

là thơ vắt dòng (enjambement), phải kết hợp hai vế mới thành nghĩa. Xuân Diệu đặt câu theo văn phạm tiếng Pháp (thi sĩ : chủ từ, dơ hai tay : động từ). Phạm Đán Bình dịch sát, câu thơ hay và rõ nghĩa.

Thời đó, tôi viết bài cho báo Văn, Sài gòn, và giới thiệu anh. Anh có viết đôi bài gì đó, về Hàn Mạc Tử, mà anh chuyên cứu. Anh thật thà, chơn chất, dù bài viết có nội dung hay, vẫn bị tòa soạn chê là văn chương « thầy tu ». Riêng về Hàn Mạc Tử, anh vẫn thường nhắc : tên ông ấy nguyên là Hàn Mạc, không phải Hàn Mặc. Mới đây thôi, tư liệu Bùi Tuân còn xác nhận, nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất của nhà thơ. Tôi có nhắc anh viết bài cho ngày giỗ này. Anh có hứa, dường như có làm đâu đó.

Cuối năm 2010, tôi phải viết bài giới thiệu tiểu thuyết Bướm Trắng của Nhất Linh, và cần tài liệu Bùi Xuân Bào về đề tài này. Anh cho tôi mượn sách, nhân tiện cùng đi nghe hát « Ngàn Năm Thăng Long » tại Paris. Đó là lần cuối chúng tôi gặp nhau, đi chơi với nhau buổi tối. Và để tìm nghe tiếng hát của quê hương. Người hát, nói chung là hát dở. Nhưng dù hay dù dở, vẫn là lời ca của quê hương.

Chúng tôi đã vĩnh biệt nhau trong tiếng hát.
 
Đặng Tiến
Bệnh viện Jacques Cartier
27.02.2011

                                                                                                        Nguồn: Diễn đàn Forum
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây