Một số câu hỏi thường gặp về quy chế và tổ chức
đào tạo theo tín chỉ ở Trường Đại học KHXH &NV
Câu 1: Hiện tại, vừa có quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT, của ĐHQG HN và quy định của Nhà trường. Vì sao vậy? Sử dụng các quy chế, quy định này cần lưu ý điểm gì?
- Đúng là đồng thời có những quy chế, quy định nêu trên. Những sinh viên nào chưa biết hãy vào địa chỉ: http://dt.ussh.edu.vn/quyche-congvan để có được văn bản toàn văn.
- “Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ” của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo quyết định số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT, ngày 15/8/2007 (gọi tắt là Quy chế 43), quy định những vấn đề chung nhất về đào tạo đại học theo phương thức này, là căn cứ để các cơ sở đào tạo trong cả nước xây dựng quy chế, quy định cho phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng đơn vị.
- “Quy chế đào tạo đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội” ban hành theo quyết định số 3413/ĐT, ngày 10/9/2007 (gọi tắt là Quy chế 3413), được áp dụng đối với các khoá đào tạo theo chương trình đã chuyển đổi sang tín chỉ. Ngoài quy chế này, còn có “Quy chế đào tạo đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội” ban hành theo quyết định số 10/ĐT, ngày 04/02/2004, được áp dụng đối với các khoá đào tạo theo niên chế. Sinh viên từ khoá 2006 cần chú ý khi sử dụng các quy chế này của ĐHQG HN. Quy chế của ĐHQG HN có những điểm quy định khác so với Quy chế của Bộ GD&ĐT để đáp ứng sứ mệnh đào tạo chất lượng cao của ĐHQG HN và phù hợp với lộ trình chuyển đổi đào tạo theo tín chỉ ở tất cả các đơn vị thuộc ĐHQG HN.
(Để hiểu rõ hơn Quy chế của ĐHQG HN ban hành, cần xem thêm “Hướng dẫn thực hiện Quy chế đào tạo đại học ở ĐHQG HN” ban hành theo công văn số 523/ĐT, ngày 22/01/2008. Văn bản này có ở địa chỉ website nói trên).
- “Quy định về đào tạo đại học theo tín chỉ ở Trường Đại học KHXH&NV” ban hành theo quyết định số 2345, ngày 24/9/2007 (gọi tắt là Quy định 2345), là sự cụ thể hoá các quy chế của Bộ GD&ĐT, của ĐHQG HN. Quy định này có một số điểm khác biệt so với quy chế của ĐHQG HN (như về đăng ký môn học, về học phí..) bởi Trường ĐH KHXH&NV đào tạo hoàn toàn theo tín chỉ từ khoá 2007 trở đi. - Với khoá 2006, quy chế được sử dụng trực tiếp là Quy chế 3413 của ĐHQG HN; với khoá 2007, sử dụng trực tiếp Quy định 2345 của Nhà trường.
- Khi có thắc mắc về các quy chế, quy định nói trên hoặc có kiến nghị sửa đổi, bổ sung, đề nghị gửi thư đến địa chỉ: daotao.ussh@gmail.com hoặc liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm (khoá 2006), cố vấn học tập (khoá 2007).
Câu hỏi 2: Kết quả môn Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng có được tính vào điểm trung bình chung học tập không?
KHÔNG TÍNH. Tuy nhiên, nếu kết quả học 2 môn học này chưa đạt thì sinh viên chưa được xét tốt nghiệp.
Câu hỏi 3: Điểm môn học được tính như thế nào?
- Điểm môn học = Các điểm thành phần + điểm thi kết thúc môn học nhân với trọng số tương ứng của mỗi điểm. Điểm thi kết thúc môn học có trọng số ³ 50% trọng số điểm môn học.
- Điểm môn học được tính theo thang điểm 10, lẻ đến 1 chữ số thập phân. Sau đó, được đổi sang thang điểm chữ như sau: A (8,5 – 10), B (7,0 – 8,4), C (5,5 – 6,9), D (4,0 – 5,4), F (dưới 4,0). Điểm F là điểm không đạt.
VD: Nguyễn Thị B, ngành Quốc tế học có điểm như sau:
Điểm | M1(4) | M2(3) | M3(2) | M4(2) | M5(4) | GD TC(1) | GD QP(2) |
Số | 5,5 | 7 | 8 | 8,5 | 9 | 8 | 6 |
Chữ | C | B | B | A | A | B | C |
Câu hỏi 4: Điểm trung bình chung học kỳ được tính như thế nào?
- Điểm môn học được sau khi quy đổi thành điểm chữ (A, B, C, D, F) tiếp tục được quy đổi sang điểm số (thang điểm 4) để tính trung bình chung học kỳ, cụ thể như sau:
A = 4, B = 3, C = 2, D = 1, F = 0
- Điểm trung bình chung học kỳ được tính theo công thức sau và được làm tròn đến 2 chữ số thập phân:
VD: Với bạn B, điểm chữ quy đổi sang hệ 4 có kết quả
Điểm | M1(4) | M2(3) | M3(2) | M4(2) | M5(4) | GD TC (1) | GD QP(2) |
Hệ 10 | 5,5 | 7 | 8 | 8,5 | 9 | 8 | 6 |
Chữ | C | B | B | A | A | B | C |
Hệ 4 | 2 | 3 | 3 | 4 | 4 | 3 | 2 |
TBCHK của bạn B (không tính GDTC, GDQP) là:
Câu hỏi 5: Việc xếp loại học tập theo TBCHHK được quy định như thế nào?
Gồm 2 loại: Đạt xếp loại và không đạt xếp loại, cụ thể là:
- Loại đạt xếp loại: a) Xuất sắc (từ 3,60 - 4,00); b) Giỏi (từ 3,20 - 3,59); c) Khá (từ 2,50 đến 3,19); d) Trung bình (từ 2,00 đến 2,49)
- Loại không đạt xếp loại: Dưới 2,00
Câu hỏi 6: Có được đề nghị phúc tra bài thi kết thúc môn học hay không?
- Theo điều 32, Quy định 2345, sinh viên được quyền đề nghị chấm phúc tra bài thi kết thúc môn học. Đơn đề nghị chấm phúc tra của sinh viên phải được gửi trong phạm vi 3 ngày kể từ ngày công bố kết quả thi.
- Hiện tại, phòng Đào tạo có nhận được đề nghị phúc tra của sinh viên. Xét thấy sinh viên chưa nắm rõ quy định của Trường và khi công bố điểm thi cũng là thời điểm sinh viên về nghỉ tết nên trong tuần từ 24 – 29/02/2008, sinh viên có thắc mắc về kết quả thi nộp đơn về phòng Đào tạo (cô Lê Kim Thương) để xem xét.
Câu hỏi 7: Sinh viên bị điểm F có được thi lại không? Thi lại bao nhiêu lần? Điểm thi lại là điểm môn học hay điểm thi kết thúc môn học?
Sinh viên bị điểm F được thi lại 1 lần. Sau lần thi đó, nếu kết quả đạt trên điểm F được tính thay cho điểm môn học. Nếu không đạt trên điểm F, sinh viên phải đăng ký học lại môn học này (nếu là môn bắt buộc), còn nếu là môn tự chọn thì hoặc chọn môn học khác để học lại hoặc học lại chính môn học đó.
Câu hỏi 8: Nếu điểm thi kết thúc môn học thấp, nhưng điểm môn học vẫn đạt, có được thi lại để điểm cao hơn có được không?
KHÔNG. Việc thi lại hay không chỉ xem xét với điểm môn học, sau khi đã đổi sang điểm chữ. Nếu là điểm F, chắc chắn phải thi lại. Nếu là điểm D, sinh viên phải đăng ký học lại rồi mới được thi để cải thiện điểm.
Câu hỏi 9: Tại sao sinh viên có điểm D được phép học lại để cải thiện điểm?
Xem câu 5, thấy rõ nếu 100% môn học đạt điểm D thì kết quả học tập dưới loại Trung bình. Nếu muốn tốt nghiệp sinh viên phải cải thiện điểm. Sự linh hoạt của đào tạo theo tín chỉ cho phép đăng ký học lại để cải thiện điểm.
Câu hỏi 10: Em bị thi lại thì phải làm những thủ tục gì? Phải đóng bao nhiêu tiền?
Sau khi có điểm thi, Nhà trường thông báo lịch thi lần 2 cho những môn có sinh viên chưa đạt, điểm F = dưới 4 điểm của hệ 10. Lịch thi được gửi về các khoa, đăng trên website của phòng Đào tạo, sinh viên theo lịch đến thi không phải làm thủ tục gì, không phải đóng lệ phí thi. Lịch thi này cũng dành cho những sinh viên chưa dự thi kết thúc môn học lần thi thứ nhất.
Câu hỏi 11: Trong đợt thi kết thúc môn học hay còn gọi là thi cuối kỳ, nếu bị ốm phải nghỉ thi, như vậy chỉ được thi 1 lần duy nhất vào kỳ thi lần 2?
Nếu nghỉ thi lần 1 có lý do thì kết quả kỳ thi lần 2 được tính là lần 1 và tính là điểm thi kết thúc môn học (điều này khác với sinh viên thi không đạt ở lần 1). Sau đó, nếu điểm môn học không đạt, sinh viên được quyền dự thi 1 lần nữa nhưng vào kỳ thi của môn học đó ở học kỳ kế tiếp (nếu có) vì quy chế quy định 1 môn học của 1 học kỳ chỉ được tổ chức tối đa 2 kỳ thi.
Câu hỏi 12: Kì thi lần 1 bị ốm nhưng đến kỳ thi lần 2 cũng không dự thi được vì lý do khách quan thì điểm môn học này được xử lý như thế nào?
- Trường hợp này, sinh viên sẽ nhận điểm I (điểm chưa đủ dữ liệu để đánh giá). Trong 2 học kỳ tiếp theo, sinh viên phải đăng ký thi lại. Sau khi thi, điểm I sẽ đổi thành điểm sinh viên đạt được. Nếu qua 2 học kỳ, sinh viên không đăng ký thi lại, điểm I sẽ bị đổi thành điểm 0 (không) và sinh viên phải học lại môn học đó.
- Khi có môn học đạt điểm I, việc tính điểm TBCHK của sinh viên sẽ không bao gồm điểm môn học đó. Sau khi đã trừ thời lượng của môn học đó, tổng thời lượng đã tích luỹ của sinh viên vẫn đạt từ 18 tín chỉ (đối với hệ chuẩn) và 21 tín chỉ (đối với hệ chất lượng cao) thì sinh viên vẫn được đưa vào diện xét cấp học bổng nếu thoả mãn các điều kiện khác được quy định tại điều 41 của Quy định 2345.
Câu hỏi 13: Những trường hợp nào thì sinh viên sẽ phải học lại một môn học?
Phải học lại môn học khi rơi vào 1 trong 2 trường hợp:
- Bị giảng viên cấm thi hết môn do không tích luỹ đủ thời lượng học trên lớp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học.
- Thi trượt trong kỳ thi lần 2 của môn học đó.
Câu hỏi 14: Đăng kí học lại, làm những thủ tục gì?
- Vào website của phòng Đào tạo hoặc xem thời khoá biểu ở văn phòng khoa để tìm lịch học của môn học đó với điều kiện không xung đột với thời khóa biểu các môn học hiện có của sinh viên.
- Điền vào phiếu đăng ký học lại, lấy xác nhận của Ban chủ nhiệm khoa, nộp học phí tại Phòng Kế hoạch - Tài vụ. Cuối cùng, đến Phòng Đào tạo để đăng ký vào lớp học (gặp thầy Đặng Hoàng Hà)
- Sau khi học lại và thi đạt, sinh viên điền vào phiếu xác nhận kết quả học tập và lấy xác nhận điểm thi tại Phòng Đào tạo. Sinh viên cần giữ phiếu này đến hết khoá học để sử dụng khi cần thiết.
Câu hỏi 15: Khi nào kết thúc việc đăng ký học lại?
Kết thúc tuần thứ 2 của mỗi học kỳ thì kết thúc thời gian đăng ký học lại.
Câu hỏi 16: Việc rút bớt môn học sau khi đăng ký cần phải lưu ý những điểm nào?
Việc này có sự khác biệt giữa 2 khoá 2006 và khoá 2007
- Với khoá 2006, sinh viên học theo thời khoá biểu cố định do nhà trường sắp xếp. Sinh viên được quyền rút bớt tối đa 7 tín chỉ/học kỳ. Sinh viên cần xem kỹ quy định về việc này tại điều 26 của Quy chế 3413
- Với khoá 2007, từ đầu tuần thứ 7 đến hết tuần thứ 8 của học kỳ, sinh viên được quyền rút bớt thời lượng đã đăng ký học. Sinh viên cần xem kỹ quy định về việc này tại điều 14 của Quy định 2345.
Câu hỏi 17: Việc cho phép rút bớt môn học để làm gì? Sinh viên có bị “phiền phức” gì khi thực hiện quyền này hay không?
- Khi bạn gánh nặng quá sức, bạn dễ gặp rủi ro như không về đích đúng như dự kiến hay sẽ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trước khi gánh, ta có thể không lường trước được điều này. Quy định rút bớt môn học thực hiện vào giữa học kỳ khi mà bạn đã gánh đi 1 quãng dài và có đủ căn cứ để tính đến khả năng hoàn thành công việc. Quy định này nhắm tạo cơ chế để bạn CHỦ ĐỘNG quyết định khối lượng học tập của mình một cách phù hợp nhất với năng lực và điều kiện của bạn.
- Rút bớt môn học là quyền của sinh viên và chẳng có “phiền phức” nào khi sinh viên thực hiện quyền này. Sẽ không có đánh giá nào về đạo đức và không có ảnh hưởng nào về học tập (riêng điểm này bạn cần xem kỹ điều 14 của Quy định 2345) khi sinh viên rút bớt môn học.
Câu hỏi 18: Có được đăng ký học môn học ở các trường khác trong ĐHQG Hà Nội không?
ĐƯỢC. Đối với các môn học chung trong các CTĐT (cùng môn học, cùng thời lượng), sinh viên giữa các trường trong ĐHQG HN có thể đăng ký học tại trường bạn theo sự giới thiệu của phòng Đào tạo. Tuy nhiên, việc đăng ký học phải đảm bảo không trùng thời khoá biểu đã có ở trường. Sau khi kết thúc học, sinh viên phải nộp chứng nhận kết quả học tập về phòng Đào tạo.
Câu hỏi 19: Nếu môn học của học kỳ I kết quả không đạt nhưng là môn tiên quyết cho môn học đã đăng ký trong học kỳ II thì xử lý thời khoá biểu như thế nào?
- Đây là điều không ai mong đợi. Môn học tiên quyết không đạt kéo theo nhiều vấn đề. Ngoài việc ảnh hưởng về thời khoá biểu đã đăng ký ở học kỳ kế tiếp như đã nêu trên thì có nguy cơ ảnh hưởng đến cả tiến trình học tập. Đối với các CTĐT của trường ta, điều này rất dễ xảy ra với sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai
- Khi môn học tiên quyết không đạt thì không được học môn học kế tiếp. Vì trường ta tổ chức đăng ký học theo lộ trình sớm (bắt đầu đăng ký cho học kỳ kế tiếp trước khi kết thúc học kỳ hiện tại) nên khi có điểm môn học của các môn tiên quyết, phòng Đào tạo phải tiến hành xét kết quả đăng ký môn học của sinh viên. Những môn học kế tiếp của môn tiên quyết mà điểm chưa đạt (sau khi đã thi lần 2) thì phải loại ra khỏi thời khoá biểu đã được phòng Đào tạo cấp.
- Ở học kỳ này, tất cả sinh viên khoá 2007 chưa đạt môn Triết học và môn Ngoại ngữ cơ sở I cần chú ý điều này. Môn Triết học sẽ ảnh hưởng đến các môn: Kinh tế chính trị học, Xã hội học đại cương, Tâm lý học đại cương, Logic học đại cương… Môn Ngoại ngữ cơ sở I ảnh hưởng đến môn Ngoại ngữ cơ sở II.
- Khi các môn tiên quyết nói trên không đạt (sau khi đã thi lần 2) thì có các điểm sau sinh viên cần lưu ý:
+ Phải làm thủ tục xoá môn học trong thời khoá biểu theo hướng dẫn của phòng Đào tạo.
+ Có thể đăng ký học các môn học khác (nếu có lớp học) để đảm bảo khối lượng học tập của học kỳ II theo hướng dẫn của Phòng Đào tạo.
+ Trường hợp đã đăng ký môn học khác nhưng không đủ khối lượng tối thiểu của học kỳ (14 tín chỉ) đối với sinh viên có học lực bình thường (TBCHK đạt từ 2,00 trở lên) thì nhà trường sẽ xét từng trường hợp cụ thể.
- Như vậy, sinh viên hiện chưa đạt điểm môn học với các môn học Triết học, Ngoại ngữ cơ sở I cần cố gắng trong kỳ thi lần 2 để tránh ảnh hưởng đến thời khoá biểu của học kỳ II.
Câu hỏi 20: Những trường hợp nào sinh viên sẽ bị buộc thôi học?
- Có điểm trung bình chung tích luỹ đạt dưới 0,80 đối với học kỳ đầu của khóa học; đạt dưới 1,00 đối với các học kỳ tiếp theo hoặc đạt dưới 1,10 đối với 2 học kỳ liên tiếp.
- Có điểm trung bình chung tích lũy đạt dưới 1,20 đối với sinh viên năm thứ nhất; dưới 1,40 đối với sinh viên năm thứ hai; dưới 1,60 đối với sinh viên năm thứ ba hoặc dưới 1,80 đối với sinh viên các năm tiếp theo và cuối khóa.
- Bị kỷ luật lần thứ hai vì lý do đi thi hộ hoặc nhờ người thi hộ hoặc bị kỷ luật ở mức xóa tên khỏi danh sách sinh viên của trường.
- Vượt quá thời hạn tối đa được phép học (6 năm).
- Tự ý nghỉ học từ một học kỳ chính trở lên mà không xin phép
- Không đóng học phí theo đúng thời gian quy định của nhà trường.
* Như vậy, ngay sau mỗi học kỳ, nhà trường sẽ xem xét kết quả học tập của từng sinh viên để xác định những trường hợp bị buộc thôi học
Câu hỏi 21: Học theo tín chỉ thì xác định sinh viên năm thứ nhất/hai/ba/bốn như thế nào?
Theo điều 7, Quy định 2345, năm đào tạo của sinh viên được xác định như sau:
Năm đào tạo | Số TC tích lũy theo hệ đào tạo | |
Hệ chuẩn | Hệ chất lượng cao | |
Năm thứ nhất | Dưới 35 TC | Dưới 40 TC |
Năm thứ hai | 35 – 69 TC | 40 - 74 TC |
Năm thứ ba | 70 – 104 TC | 75-109 TC |
Năm thứ tư | 105 – 140 TC | 110 – 155 TC |
Câu hỏi 22: Khóa 2006, học theo niên chế trong năm học 2006 – 2007, nay kết quả học tập được tính như thế nào khi xét buộc thôi học?
- Ngày 25/10/2007, ĐHQG HN đã có hướng dẫn chuyển đổi kết quả học tập của khóa 2006 sang tín chỉ tại công văn số 3999/ĐT. Chi tiết văn bản này xem tại website của phòng Đào tạo, mục “Quy chế-Công văn”- Theo hướng dẫn nói trên, có các điểm chính cần lưu ý như sau:
+ Thời lượng môn học được tính theo thời lượng của chương trình đào tạo (CTĐT) đã chuyển đổi sang tín chỉ (xem các CTĐT tại website của phòng Đào tạo). Ví dụ: Môn Triết học trước là 6 đơn vị học trình nay tính bằng 4 tín chỉ.
+ Có một số môn học đã học nay trong CTĐT theo tín chỉ không có hoặc được nhập vào cùng 1 môn học khác thành 1 môn hoặc tách ra thành 2 môn hoặc đổi lại tên môn học nhưng nội dung cơ bản không thay đổi. Tất cả những trường hợp đó, kết quả học tập đã có của sinh viên được giữ nguyên với môn học mới hoặc tương đương với môn học cũ.
- Tuần từ 03 – 07/03/2008, phòng Đào tạo chuyển kết quả năm học 2006 – 2007 của khoá 2006 để sinh viên xem lại. Các thắc mắc cần sẽ giải quyết trong tuần từ 10 – 14/03/2008. Tuần từ 17 – 21/03/2008, xét buộc thôi học theo kết quả đã chuyển đổi của sinh viên.
Câu hỏi 23: Đề nghị cho biết những thông tin chính về học bổng khuyến khích học tập?
Ngày 28/01/2008, ĐHQG HN ban hành “Quy định tạm thời về quản lý và sử dụng học bổng tại ĐHQG HN”, dưới đây là những thông tin cốt lõi (chi tiết xem tại website của phòng Đào tạo):
- Học bổng khuyến khích học tập là loại học bổng hỗ trợ sinh hoạt phí cho học sinh sinh viên (HSSV) được thực hiện trên cơ sở Quyết định số 44/2007/BGD&ĐT ngày 15/8/2007 của Bộ Giáo dục & Đào tạo về học bổng khuyến khích học tập đối với HSSV các trường chuyên, trường năng khiếu, các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Hướng dẫn tại công văn số 4146/KHTC ngày 5/11/2007 của ĐHQGHN. Học bổng khuyến khích học tập có 3 mức: loại xuất sắc, loại giỏi và loại khá.
1. Học bổng loại xuất sắc: 260.000 đồng/người/tháng
Dành cho sinh viên đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Về kết quả học tập: Đảm bảo hoàn thành ít nhất 15 tín chỉ và đạt kết quả học tập loại xuất sắc (ĐTBC tích lũy đạt từ 3,60 trở lên), không có điểm thi hoặc kiểm tra dưới 5,5 (tính điểm thi/kiểm tra lần thứ nhất).
b) Về kết quả rèn luyện: Được xếp loại xuất sắc.
2. Học bổng loại giỏi: 220.000 đồng/người/tháng
Dành cho sinh viên đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Về kết quả học tập: Đảm bảo hoàn thành ít nhất 15 tín chỉ và đạt kết quả học tập loại giỏi trở lên (ĐTBC tích lũy đạt từ 3,20 đến 3,59), không có điểm thi hoặc kiểm tra dưới 5,5 (tính điểm thi/kiểm tra lần thứ nhất).
b) Về kết quả rèn luyện: Được xếp loại giỏi trở lên.
3. Học bổng loại khá: 180.000 đồng/người/tháng
Dành cho sinh viên đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Về kết quả học tập: Đảm bảo hoàn thành ít nhất 15 tín chỉ và đạt kết quả học tập loại xuất sắc (ĐTBC tích lũy đạt từ 2,50 đến 3,19), không có điểm thi hoặc kiểm tra dưới 5,5 (tính điểm thi/kiểm tra lần thứ nhất).
b) Về kết quả rèn luyện: Được xếp loại khá trở lên.- Đối với hệ chất lượng cao, theo phân cấp quản lý học bổng của ĐHQG HN, Nhà trường cấp học bổng cho sinh viên với các mức tương ứng là 250.000đ – 300.000đ – 350.000đ/tháng.
Câu hỏi 24: Để học thêm ngành thứ hai, cần phải làm thủ tục gì?
- Đây là vấn đề có sự khác biệt trong quy định của Bộ GD&ĐT và quy định của ĐHQG HN. Sinh viên cần chú ý thực hiện theo quy định của ĐHQG HN.
+ Quy chế 43 quy định, hết học kỳ đầu tiên của năm thứ nhất của ngành đào tạo thứ nhất nếu sinh viên có học lực bình thường thì được đăng ký học ngành đào tạo thứ hai
+ Quy chế 3413 và Quy định 2345 đều quy định, hết năm thứ nhất, sinh viên có học lực từ khá trở lên (TBCHT đạt từ 3,00 trở lên) được đăng ký học ngành đào tạo thứ hai. (xem chi tiết các yêu cầu khác tại điều 21, Quy định 2345)
- ĐHQG HN quy định cao hơn so với yêu cầu của Bộ GD&ĐT nhằm đảm bảo cho sinh viên có được chất lượng học tập tốt hơn ở những ngành đã đăng ký theo học. Sinh viên có nhu cầu học ngành đào tạo thứ hai cần cân nhắc thật kỹ các yếu tố về năng lực bản thân, thời gian, điều kiện tài chính trước khi quyết định.
Nguồn: http://dt.ussh.edu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn