Hỏi đáp

Thứ hai - 10/12/2007 16:45

          Trả lời một số câu hỏi thường gặp của sinh viên Khoa Ngôn ngữ học

 
1.       Sinh viên ngành Ngôn ngữ học học gì?  Có phải là học ngoại ngữ không?
        Sinh viên ngành Ngôn ngữ học khoa học về ngôn ngữ nói chung (Ngôn ngữ học), khoa học về tiếng Việt (Việt ngữ học) và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói riêng, và các kiến thức, kĩ năng khác liên quan đến  ngôn ngữ và văn hóa.  Ngoại ngữ không phải là ngành đào tạo chính của Khoa Ngôn ngữ học nhưng là môn học quan trọng trong chương trình đào tạo của Khoa (chiếm 15% thời lượng) bởi vì ngoại ngữ  giúp sinh viên hiểu biết thêm về ngôn ngữ của loài người qua so sánh với tiếng Việt và mở các cánh cửa huyền bí của lâu đài ngôn ngữ học.

2.            Sinh viên ngành Ngôn ngữ học sau khi ra trường có thể làm những việc gì?
         Sinh viên học ngành Ngôn ngữ học sau khi ra trường có thể làm được rất nhiều ngành nghề, trong đó phổ biến nhất là các công việc:
-          Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học và Việt ngữ học.
-          Dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài.
-          Dạy văn học và tiếng Việt ở các trường phổ thông.
-          Làm biên tập viên ở các nhà xuất bản; biên tập viên và phóng viên của các cơ quan báo chí, truyền thông.
-          Và nhiều công việc khác liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa ở các cơ quan văn hóa, giáo dục, hành chính và doanh nghiệp…  

3.      Sinh viên ngành Ngôn ngữ học sau khi ra trường có thể làm việc ở đâu?
      Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học có thể làm việc ở nhiều cơ quan khác nhau. Dưới đây là các cơ quan thường tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ học đến làm việc:
-          Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển Bách khoa, Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam, Phân viện KHXH ở Tp Hồ Chí Minh, Viện Đông Nam Á, Viện Cơ yếu…
-          Khoa Ngôn ngữ học, Khoa Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam của Trường Đại học KHXH-NV, ĐHQG Hà Nội; các khoa Ngữ văn,  khoa Khoa học Xã hội của các trường Đại học Sư phạm, Đại học Ngoại ngữ và của nhiều trường đại học khác trong cả nước.
-          Các nhà xuất bản Giáo dục, Lao động, Phụ nữ, ĐHQG Hà Nội, ĐHSP Hà Nội…
-          Các cơ quan báo chí, truyền thông, như:  TTXVN, Đài THVN, Đài Tiếng nói Việt Nam, các báo Nhân dân, Hà Nội mới, Lao động, Lao động – Xã hội…; các cơ quan báo chí, truyền thông khác ở trung ương và địa phương.
-          Các trường cao đẳng, trung cấp, các trường PTCS và PTTH, vv.     

4.      Sinh viên ngành Ngôn ngữ học có thể chọn học theo chuyên ngành được không?  
       Từ khóa 51(QH-2006-X) về trước, Khoa Ngôn ngữ học không phân chia chuyên ngành.  Từ khóa 52 (QH-2007-X), áp dụng chương trình đào tạo mới theo học chế tín chỉ, chương trình đào tạo của Khoa phân chia thành 4 chuyên ngành: Ngôn ngữ học, Việt ngữ học, Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Việt ngữ học cho người nước ngoài  (môn học cụ thể, xem thông tin ở mục Chương trình đào tạo).  Theo đó sinh viên có thể lựa chọn chuyên ngành theo học ngay từ học kì 2 của năm thứ nhất. Trường và Khoa sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc lựa chọn chuyên ngành.
 

5.            Sinh viên Khoa Ngôn ngữ học có thể tiếp nhận và tìm kiếm thông tin về đào tạo ở đâu?
         Sinh viên có thể tiếp nhận và tìm kiếm thông tin về đào tạo (qui chế đào tạo, chương trình học tập, thời khóa biểu, các biểu mẫu văn bản…) thông qua các hình thức sau:
-  Các thông báo (bằng văn bản hoặc truyền đạt trực tiếp) từ cố vấn học tập, trợ lí đào tạo của Khoa, Ban chủ nhiệm Khoa, Phòng Đào tạo của Trường.
- Các trang web về đào tạo của Trường ĐHKHXH-NV (www.vnu.edu.vn, www.đt.ussh.edu.vn) và của Khoa Ngôn ngữ học (www.ngonnguhoc.org).
- Sinh viên Ngôn ngữ học có thể tìm kiếm thêm thông tin về chuyên môn trên các trang web vê ngôn ngữ học được giới thiệu ở trang web của Khoa.

6.      Sinh viên Khoa Ngôn ngữ học có được tham gia nghiên cứu khoa học không?
        Tất cả các sinh viên đều có quyền và nghĩa vụ kết hợp học tập với tập sự nghiên cứu khoa học. Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học của Khoa Ngôn ngữ học thường tổ chức vào tháng 3 hàng năm.  Để có báo cáo tham gia Hội nghị, sinh viên nên chủ động chọn đề tài nghiên cứu và giảng viên hướng dẫn ngay từ  học kì 1 (tháng 10 -11).  Sinh viên nghiên cứu khoa học được hỗ trợ một phần kinh phí theo qui định của Trường.  Các báo cáo có chất lượng tốt sẽ được khen thưởng và được chọn gửi đi dự thi ở các Hội nghị khoa học của sinh viên cấp cao hơn (cấp Trường, cấp ĐHQG, cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo).   

7.            Sinh viên Khoa Ngôn ngữ học có được đi thực tập, thực tế không? Nếu có thì đi đâu, làm gì và thời gian bao lâu?
        Theo chương trình đào tạo cũ (niên chế) trong cả khóa học, sinh viên Khoa Ngôn ngữ học năm thứ nhất được đi thực tế 2 ngày ở các địa phương để tìm hiểu về đời sống,  ngôn ngữ, văn hóa,  xã hội.  Sinh viên năm thứ 3 được đi thực tập 3 tuần ở các địa phương hoặc các cơ quan nghiên cứu, văn hóa, giáo dục…để tập sự thu thập tư liệu, nghiên cứu chuẩn bị cho khóa luận tốt nghiệp ở năm thứ 4.
      Theo Chương trình đào tạo mới (tín chỉ), sinh viên sẽ có ba đợt thực tế, thực tập, phân bổ như sau:
    - Năm thứ nhất:  2 ngày đi thực tế tìm hiểu đời sống, ngôn ngữ, văn hóa, xã hội ở các địa phương (Khoa tổ chức)
   -  Năm thứ hai: 1 tuần  đi thực tế tìm hiểu về nghiệp vụ và các công việc liên quan ở các cơ quan trung ương và địa phương (sinh viên tự xây dựng kế hoạch, đi liên hệ thực tế, với sự cố vấn của giáo viên hướng dẫn).
   -  Năm thứ ba: 2 tuần thực tập (đi điền dã ở các địa phương  hoặc đi thực tế ở các cơ quan trung ương và địa phương) để tìm hiểu công việc,  tập sự thu thập tư liệu và nghiên cứu,  chuẩn bị cho khóa luận tốt nghiệp ở năm thứ 4. 

8.    Sinh viên Khoa Ngôn ngữ học sẽ thi hay làm khóa luận tốt nghiệp? Để được làm khóa luận tốt nghiệp thì phải đạt điều kiện gì?
       Sinh viên năm thứ 4, tùy theo kết quả học tập cụ thể của từng người, có thể sẽ làm khóa luận tốt nghiệp hoặc thi tốt nghiệp. Hàng năm, căn cứ vào điểm tổng kết của khóa học và chỉ đạo cụ thể của Trường, Khoa sẽ quyết định số lượng và mức điểm sàn (không được dưới 6,5) của các sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp. Những sinh viên không làm khóa luận tốt nghiệp sẽ thi tốt nghiệp theo qui định của Qui chế đào tạo. 

9.        Hệ chất lượng cao và hệ chuẩn khác nhau như thế nào? Điều kiện để được vào lớp CLC hoặc chuyển từ lớp CLC xuống lớp chuẩn?
        Chương trình  đào tạo của hệ CLC giống nhau về ngành và chuyên ngành học nhưng khác nhau về thời lượng và dung lượng kiến thức:  chương trình của hệ CLC có thời lượng (150 tín chỉ) cao hơn hệ chuẩn (140 tín chỉ); ngoài ra khoảng 1/3 số môn học của chương trình CLC, đặc biệt là các môn chuyên ngành đòi hỏi dung lượng kiến thức nhiều hơn, được tổ chức học riêng (cụ thể, xem Chương trình đào tạo cử nhân hệ CLC ở  trang web của Khoa).
       Các điều kiện thi vào các lớp hệ CLC, chuyển từ lớp chuẩn sang lớp CLC hoặc từ lớp CLC sang lớp chuẩn được quy định trong Quy định về đào tạo cử nhân tài năng, chất lượng cao của ĐHQG Hà Nội (xem mục Quy chế ở trang web của Trường). 

10.    Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học có được chuyển tiếp sinh cao  học hoặc tiến sĩ không?  Điều kiện để được chuyển tiếp?
        Cũng như sinh viên ở các ngành học khác, sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học được chuyển tiếp sinh để học học cao học hoặc làm nghiên cứu sinh, nếu đáp ứng đủ các điều kiện qui định.  Các  điều kiện để được chuyển tiếp sinh được qui định cụ thể ở Qui chế đào tạo sau đại học của ĐHQG Hà Nội (xem trang web của ĐHQG Hà Nội).

   (*)  Sinh viên khoa Ngôn ngữ học và  bạn đọc nếu có ý kiến gì cần hỏi hay góp ý về chương trình, phương pháp đào tạo của Khoa, xin vui lòng gửi thư về địa chỉ email contact@ngonnguhoc.org  ở mục Liên hệ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay879
  • Tháng hiện tại81,163
  • Tổng lượt truy cập897,995
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây